Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng đến nay, sản xuất nông nghiệp theo phương thức hữu cơ của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch và quy chuẩn rõ ràng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đến nay chưa có bất cứ một văn bản nào liên quan đến nông nghiệp hữu cơ. Hoàn thiện hành lang pháp lý, quy chuẩn là một đòi hỏi tất yếu để nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Thu hoạch rau xà lách được trồng theo phương pháp thủy canh tại Đà Lạt sau 25 ngày gieo trồng, 13 vụ/năm.
Tiềm năng lớn
Phát biểu tại Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Việt Nam với diện tích 10 triệu hecta đất canh tác, hệ sinh thái đa dạng là môi trường thuận tiện cho nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, Việt Nam có dân số đông với trên 92 triệu người, lượng khách du lịch tăng nhanh chóng, nên nhu cầu về sản phẩm hữu cơ là rất lớn. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với việc thiếu quy hoạch, thiếu một tiêu chuẩn rõ ràng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang từng bước phát triển. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ – FiBL, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta tính đến năm 2015 đạt hơn 76.000ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010, tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam… Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế như Nhật, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia...
Hiện, đang tồn tại 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Các nhóm hộ này sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp do chưa nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, xét một cách toàn diện, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán. Hiện, mới có khoảng 30/63 tỉnh thành đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Cả nước chỉ có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn của Vinamilk và TH True milk đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ có sản phẩm đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc như: Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo hữu cơ (220ha, 2 vụ/năm, rau hữu cơ 50ha/năm); Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS) dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống Shan tuyết tại Lào Cai (374ha); Hà Giang (645ha)…
“Đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ không ổn định. Hiện nước ta vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch hay định hướng về đất cũng như đối tượng. Thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện chưa phát triển”, ông Nam nói.
Hoàn thiện quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ
Ông Nam nêu một thực tế, hiện Việt Nam chưa có đơn vị nào cấp chứng nhận hữu cơ cho bất cứ sản phẩm nào (trong khi phí chứng nhận của các tổ chức quốc tế lại quá cao); chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lòng tin của người tiêu dùng chưa cao. Đây là một trong những lý do khiến nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Đồng quan điểm này, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, thách thức, trở ngại lớn nhất là đến nay vẫn chưa có một văn bản nào về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ để tạo hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ phát triển. Người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều về nông nghiệ hữu cơ nên chưa hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ. Hạ tầng phụ trợ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có.
Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân vì sao chưa có tiêu chuẩn Việt Nam cho sản phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Quản lý Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã ban hành TCVN11041:2015 - Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, chuyển đổi từ tiêu chuẩn CODEX CAC/GL 32-1999, sửa đổi năm 2013, đây là bộ tiêu chuẩn khung, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.
Trong bộ tiêu chuẩn này đã có những hướng dẫn và nguyên tắc về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nhưng quá trình phổ biến vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện bộ tiêu chuẩn này để ngôn ngữ, văn phong dễ tiếp cận với người dùng. Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn tiêu chuẩn thực hành hữu cơ. Phát triển hệ thống chứng nhận quốc gia, minh bạch, không để mỗi người một phách như hiện nay.
Về giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; giúp người tiêu thụ an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ Việt Nam.
Tăng cường công tác đào tạo, hợp tác quốc tế về nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng lực và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường năng lực hoạt động của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, thông qua các doanh nghiệp có mô hình thành công, giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới và nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng cần hướng đến thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn những sản phẩm có lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Nâng cao năng lực của các tổ chức chứng nhận và đội ngũ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ theo hướng xã hội hóa.
Ông Nam kiến nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 – 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm định hướng và cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý trong công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp sản phẩm hữu cơ khẳng định chất lượng và có chỗ đứng tại thị trường trong nước và xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới.
Nguyên tắc cơ bản của sản xuất nông nghiệp hữu cơ 1. Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là phương thức canh tác không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, chất phụ gia trong thức ăn gia súc, gia cầm. 2. Canh tác NNHC dựa tối đa vào quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất, cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ, côn trùng và các sâu bệnh khác. 3. Theo Liên đoàn quốc tế các phong trào canh tác NNHC (IFOAM): Canh tác NNHC nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người. |
Anh Thơ
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.