Các chính sách hỗ trợ xuất hiện “như cơn gió thoảng”, tư duy làm chính sách vẫn mang tính chỉ huy, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo kiểu xin – cho,... là những rào cản khiến quá trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao do báo Kinh tế nông thôn tổ chức.
>> Lần đầu tiên Kinh tế nông thôn tổ chức Diễn đàn về chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Các đại biểu dự diễn đàn tham quan Nông trường VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Chính sách nhiều vẫn khó phát triển
Theo TS.Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và PTNT (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), tính đến tháng 12/2015, cả nước có 34 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã và đang được quy hoạch xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Ngoài ra, một số địa phương cũng phát triển các khu/cụm nông nghiệp CNC mà chưa kịp đăng ký hoặc công bố chính thức (ví dụ như Bình Định). Điều đáng nói là, con số khu nông nghiệp CNC vốn đã khiêm tốn nhưng chỉ có 3 khu hoạt động hiệu quả (TP.Hồ Chí Minh, An Thái (Bình Dương) và Suối Dầu (Khánh Hòa); 3 khu chưa phát huy hiệu quả (Sơn La, Hà Nội và Hải Phòng) và 1 khu trong tình trạng không đạt hiệu quả (Phú Yên).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn phát biểu khai mạc diễn đàn.
Cũng theo ông Phong, hiện nay, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp CNC đã có nhưng chưa đồng bộ. Theo quy định, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong khu NNCNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, để có được quỹ đất sạch triển khaiu dự án, nguồn vốn tín dụng, DN gặp không ít khó khăn. “Đơn cử như vấn đề vốn tín dụng, cách tiếp cận hiện nay vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin – cho, không tính tới nhu cầu của khách hàng; các thủ tục, điều kiện vay phức tạp; còn nhiều vướng mắc, hạn chế về thế chấp đất kèm tài sản. DN thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng KHCN theo vùng sản xuất tập trung, phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ, thường xuyên thay đổi nên việc nhận hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất còn khó thực hiện”, ông Phong nói.
Trên thực tế, cho đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ. Lý giải việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ có “cái lý của mình” khi số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch hiện nay chưa nhiều, thiếu các dự án có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, được đầu tư bài bản; sản xuất nông nghiệp CNC là một lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai, trong khi lại thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Đó là chưa kể, các ngân hàng còn khó khăn trong việc xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN do không có đơn vị đứng ra xác nhận dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Đổi mới tư duy làm chính sách
Tham gia làm nông nghiệp hữu cơ nhiều năm, ông Nguyễn Ngọc Can, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn (Kim Bôi – Hòa Bình) cho rằng, nếu đối chiếu theo các quy định để được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho DN ứng dụng nông nghiệp CNC thì đơn vị của ông khó đạt được vì điều kiện sản xuất ở các địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, giao thông, nguồn vốn. Vì vậy, ông Can kiến nghị, các chính sách cần được cụ thể hóa hơn, phù hợp với từng vùng miền để đảm bảo tính khả thi cao.
Các đại biểu tham gia diễn đàn.
Đồng quan điểm, ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ATE) cho rằng, Nghị định 210/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp chỉ như một “cơn gió thoảng”, chưa tạo ra những lực đẩy đủ mạnh để DN tìm về nông nghiệp nông thôn.
“Chúng ta có đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng nhưng tại sao không chịu phát triển, vì sao trong tổng số 4.500 DN nông nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 28 DN ứng dụng CNC?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
Theo ông Dũng, dù chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào NNCNC nhưng không phát triển vì chúng ta không có quy hoạch tổng thể, vẫn sản xuất theo phong trào, không tuân theo quy trình kỹ thuật và quy chuẩn; quá trình tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn do vướng luật, đến nay, vẫn chưa thể hình thành ngân hàng quỹ đất cho DN thuê; vốn tín dụng vẫn tiếp cận theo kiểu xin – cho. “Cho đến nay, nhiều DN vẫn chưa biết đến gói tín dụng 100.000 tỷ dành cho NNCNC. Nhiều DN vẫn có chung câu hỏi: Tiếp cận như thế nào, có phải làm đơn không?. Thực tế, gói tín dụng 100.000 tỷ bao giờ triển khai, ai là đối tượng, vẫn còn câu hỏi còn bỏ ngỏ”, ông Dũng nói.
Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng, muốn đẩy nhanh quá trình ứng dụng NNCNC, nhất thiết phải có một cuộc cách mạng, đổi mới triệt để tư duy làm chính sách. “Trên thực tế, chúng ta làm chính sách vẫn mang tính chỉ huy, không gắn với cơ chế thị trường, không tạo ra chuỗi chính sách đồng bộ cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng và minh bạch. Nên nhớ, DN không cần hỗ trợ, chỉ cần hành lang”, ông Hòe nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hòe cho rằng, làm NNCNC và nông nghiệp sạch nhất thiết phải làm theo chuỗi giá trị, phải gắn với thị trường đầu ra. Chúng ta mới chỉ hô hào nông dân sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây – con mà chưa nghĩ đến vấn đề bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, việc quy hoạch đất cho NNCNC cần dựa trên cân đối cung cầu, lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội và khả năng đầu tư, giữa thực trạng và dự báo tương lai, ưu tiên đặc biệt cho các khu nông nghiệp ƯDCNC cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia. Ngoài ra, có thể xây dựng thí điểm các khu CNC theo hình thức chọn một doanh nghiệp trụ cột đầu tư, làm quy hoạch, quản lý chung và đầu tư một số cơ sở hạ tầng, sau đó một số nhà đầu tư thứ cấp tham gia, nhà nước chỉ làm đối tác công tư (PPP) đầu tư một phần nhỏ. Cần có bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đối với DN, HTX, hộ gia đình đồng thời mở rộng các loại tài sản được thế chấp vay vốn bao gồm tài sản hình thành trên đất do đầu tư cho sản xuất nông nghiệp UDCNC (trang trại, nhà kính…).
Anh Thơ
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.