Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 12 năm 2016 | 8:13

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cửa đã mở

KTNT - “Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho Việt Nam trong tương lai” – khẳng định trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ như cơn mưa rào tưới mát cho vùng đất khô hạn mang tên “nông nghiệp công nghệ cao” mà còn kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại  Hội nghị  "Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam"  

Thiếu đủ thứ!

Nông nghiệp công nghệ cao là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ số thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản... để hình thành sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao.

Chính sách hạn điền vẫn là vấn đề cốt lõi của câu chuyện thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Vì vậy, đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia ý kiến. Câu chuyện của ông Võ Quan Huy, nổi tiếng với biệt danh “nông dân triệu đô”, “nông dân ngàn tỉ”… nhờ trồng chuối xuất khẩu qua thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản là một ví dụ. Ông Huy nói thẳng, để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và việc sử dụng đất hiệu quả, giảm chi phí đầu tư, ít nhất phải có diện tích 100ha. Tổng diện tích đất trồng chuối mà ông có đến cả ngàn héc ta ở 6 tỉnh khác nhau. Theo luật hiện hành, ông và DN của mình không thể đứng tên hết diện tích đó nên không thể dùng phần tài sản này thế chấp để vay vốn ngân hàng (NH) đầu tư ngược lại vào nông nghiệp. “Nông dân hay DN nông nghiệp chỉ có đất nhưng đất lại không được xem là tài sản hợp pháp. Trong khi đó, tài sản trên đất thì không được NH chấp nhận cho thế chấp để vay vốn. Việc tiếp cận vốn NH là rất khó khăn. Tôi nói thật, với nông nghiệp, NH chỉ hoạt động theo kiểu tiệm cầm đồ”, ông Huy bức xúc. Các DN đều ủng hộ chủ trương nới rộng hạn điền để thúc đẩy nông nghiệp phát triển vì mô hình kinh tế hộ không còn phù hợp. Nhà nước cần có cơ chế chính sách giúp DN và nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, thừa nhận: Chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Tích tụ ruộng đất phải được xem là một hành động hợp quy và hợp pháp. Hiện nay đã có chủ trương điều chỉnh theo hướng này và hy vọng sớm được thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng đã xin ý kiến của Chính phủ và được đồng ý về chủ trương sẽ giảm khoảng 700.000ha đất lúa so với hiện nay để chuyển đổi cây trồng - vật nuôi cho phù hợp theo tiêu chí giá trị kinh tế cao hơn cây lúa.

Thành công của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dựa vào vốn, đất, thể chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực. Thực tiễn nhiều năm và ở nhiều ngành đã cho chúng ta những bài học đắt giá khi thiếu nhân lực.

Đã có nhiều chương trình, dự án rủng rỉnh tiền bạc, đất đai, thậm chí chính sách và hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh, nhưng lại thiếu chiến lược phát triển nhân lực cho chính ngành sản xuất đó và vì thế rủi ro rất cao.

Có một nghịch lý là, các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đang hết sức chắp vá. Ở đó thiếu một sự hợp tác điều phối vĩ mô giữa các trường đại học đào tạo về nông nghiệp tích hợp cùng với các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ khác để chuẩn bị nhân lực lãnh đạo quản lý, khoa học kỹ thuật... như mong muốn của Chính phủ.

So sánh về điều kiện tự nhiên để làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta hơn hẳn Israel, Nhật Bản... nhưng lại thiếu nhân lực. Ngay cả doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản qua Việt Nam để làm nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực được đào tạo.

Theo số liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản từ năm 2010 đến 2014 chỉ chiếm 2-5% tổng quy mô tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp.

Đến nay, số trường trung cấp liên quan đến đào tạo nông nghiệp còn hơn 10 trường. Ít ỏi thế, vậy ai sẽ là người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân? Ai là người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?

Nhật Bản vốn là nước công nghiệp, vậy mà cách đây không lâu, Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế của mình đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và mong muốn tăng gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm.

Trung Quốc hiện có khoảng 300 trường đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó có 134 trường cao đẳng, người học trong các cơ sở này được miễn học phí và có thể được trợ cấp từ chính phủ.

 

Hệ thống tưới nước hiện đại tại cánh đồng trang trại bò sữa TH.

Luôn trăn trở với sự nghèo khó

Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) được thành lập cuối tháng 9/2016, đến nay thu hút được khoảng 300 DN tham gia. Nguyên nhân DN ít đầu tư vào nông nghiệp vì nông nghiệp bị phân biệt đối xử, thiệt thòi, thiếu bình đẳng. Nếu như DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có thể mang tài sản đi thế chấp để vay vốn tín dụng NH nhưng nông nghiệp thì không. “Thế thì DN làm gì có tiền đầu tư vào nông nghiệp”, một chủ DN bức xúc.

Đại diện các DN cho rằng,  chính sách của nhà nước cho nông nghiệp cần phải được công bằng. Cần có một mô hình nào đó đủ hấp dẫn, ít nhất về vốn. “Ví dụ: giải cứu bất động sản chúng ta có gói 30.000 tỉ đồng thì muốn khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp phải có chính sách tương tự”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch DAA, đề xuất với Thủ tướng gói hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao 50.000 tỉ đồng. Một đại diện DN khác bổ sung, cần phải có thêm sự tháo gỡ về thủ tục nếu không thì DN vẫn rất khó tiếp cận.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nói: Gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao đã có và được giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chủ trì. Đã giải ngân cho 31 dự án thuộc các khu nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước với tổng số vốn gần 3.000 tỉ đồng. NH này được giao nhiệm vụ phục vụ cho đối tượng nông nghiệp, nông thôn là đặc thù làm rất hiệu quả, thủ tục đơn giản.

Chia sẻ, đồng tình với các doanh nghiệp, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định, nông nghiệp Việt Nam nếu không gắn với công nghệ cao thì không thể tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, vấn đề mà đa số các doanh nghiệp nông nghiệp đều đang vướng mắc, đó là tiếp cận đất đai và vốn tín dụng đang gặp khó.

Gỡ từng “nút thắt”

Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, không bó hẹp nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch cũ trước đây. Địa phương nào và bất cứ ai làm nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Chính phủ sẽ tạo một cơ chế mở hoàn toàn cho DN. Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng hỗ trợ DN nông nghiệp công nghệ cao. “Tôi chỉ đạo luôn với NHNN gói hỗ trợ này phải mở rộng 5 - 7 NH tham gia để tạo ra cơ chế thị trường minh bạch, thông thoáng, chống chỉ định bao cấp để phát sinh chi phí không chính thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước “bài toán” về vốn vay mà các doanh nghiệp đặt ra, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đã được NHNN giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (Agribank) ưu tiên “bơm” cho các hộ cá thể, tư nhân, hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp. Lãi suất của gói 50.000 tỷ đồng này ưu đãi 1,5% so với lãi vay thông thường.

Đối với vấn đề đất đai, Thủ tướng nói: “Việc tích tụ ruộng đất là một vấn đề hết sức bức xúc, trói buộc nền nông nghiệp Việt Nam. Cái nào thuộc về phạm vi của Chính phủ như nghị định, thông tư liên quan chúng tôi sẽ sửa ngay. Những cái thuộc về Quốc hội, chúng tôi sẽ trình Quốc hội xem xét”.

Thủ tướng cũng cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước. Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là việc làm bức thiết, nhằm từng bước đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, tạo ra rào cản kỹ thuật, không để nhập khẩu thực phẩm giá rẻ tràn lan, nhất là thịt gà từng bộ phận. Thủ tướng cho biết, sẽ trình Quốc hội sửa Điều 193, Luật Đất đai và sửa Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc làm khu công nghiệp nông nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất công cụ, chế tạo máy móc phục vụ cho sản xuất, tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Chính phủ cũng sẽ thành lập ngân hàng quỹ đất, để giải quyết thống kê và xử lý những vấn đề liên quan đến cấp, thu hồi quyền sử dụng đất trong thời gian tới.

“Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho Việt Nam trong tương lai”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Quyết tâm và sự cam kết của Thủ tướng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang nhen nhóm hy vọng có một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, để đời sống nông dân được ấm no hơn.

Sắp tới đây sẽ có nhiều dự án, đề án về nông nghiệp công nghệ cao được đệ trình các cấp quản lý. Nhưng cần cảnh báo rằng, đừng chạy theo dự án, mà phải đầu tư tốt hơn, bài bản hơn cho nguồn nhân lực. Câu hỏi tìm đâu ra nhân lực công nghệ cao luôn phải được trả lời thỏa đáng. Đó mới là chìa khóa để biến ước mơ nông nghiệp công nghệ cao thành sự thật.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top