Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 9 năm 2017 | 2:37

Phát triển nông nghiệp sạch: Khó khăn cần được tháo gỡ

Tại “Diễn đàn Chính sách phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao: Vướng mắc và những đề xuất” do báo Kinh tế nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, phóng viên đã ghi nhận nhiều ý kiến từ các chủ trang trại về phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao.

Hệ thống tưới tự động tại Nông trường VinEco Tam Đảo.

Hỗ trợ kỹ thuật với các trang trại nhỏ

Anh Trần Thế Toản, chủ trang trại tại xã Tam Tiến (Yên Thế - (Bắc Giang), cho biết, gia đình anh trồng chanh đào (600 cây)  3 năm nay với diện tích 5.000m2 sản lượng năm nay đạt khoảng 2 tấn chanh quả, doanh thu ước tính 30 triệu đồng. Hiện, anh đang áp dụng hệ thống tưới phun mưa, mặc dù biết nếu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ này sẽ gặp khó khăn do kinh phí đầu tư tương đối lớn. Anh Toản lấy ví dụ, với 600 gốc chanh, nếu đầu tư theo hệ thống nhỏ giọt, trung bình đầu tư  5.000 đồng/gốc, tổng trị giá 30 triệu đồng, ngoài ra phải đầu tư mô tơ, téc nước, van bù áp…

Về hướng tháo gỡ, theo anh Toản, Nhà nước cần hỗ trợ vốn với lãi suất thấp; hỗ trợ các chủ trang trại áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất. “Hiện, phần lớn các nhà vườn chăm sóc còn tùy tiện, không theo quy trình chuẩn. Chính vì vậy, theo tôi, điều quan trọng nhất là phải hỗ trợ kỹ thuật để nông dân có thể làm chủ quy trình”, anh Toản nhấn mạnh.

Anh Toản cũng kiến nghị thêm: “Khi đã sản xuất với quy mô hàng hóa, đủ tiêu chuẩn, đúng kỹ thuật nhưng đầu ra không ổn định thì người dân cũng sẽ không hào hứng, do vậy, cần hỗ trợ nông dân cả đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, chỉ nên hỗ trợ một phần vốn nào đó để khích lệ chứ không nên hỗ trợ hoàn toàn, chỉ khi phải bỏ tiền ra người ta mới thấy xót, lúc ấy mới chuyên tâm, tập trung sản xuất”.

Giống anh Toản, gia đình anh Ngô Thế Tân, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa - Bắc Giang), trồng gần 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) bưởi Diễn 5 năm nay. Về cơ bản, gia đình anh sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật. Do sản xuất nhỏ lẻ nên khó khăn khi áp dụng kỹ thuật, chưa có chế độ dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, sử dụng vật tư trôi nổi ngoài thị trường…

“Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao để ứng dụng tiến bộ kỹ  thuật để cho ra sản phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, hiện tôi vẫn thấy thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, đây cũng là lý do tôi tham gia sinh hoạt trong Hội Làm vườn để được học hỏi, hiểu biết nhiều hơn”, anh Tân tâm sự.

Khi được hỏi, thế nào là sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao? Anh Tân cho biết, sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có đủ tiềm năng về mặt bằng, đủ tiềm năng về tài chính.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mặt bằng không có, tiềm lực cũng không. Để tháo gỡ khó khăn này, phải thành lập HTX hoặc phải có nhiều người cùng tham gia. Có như vậy, mới tập trung được đất, tập trung được vốn, nhờ các nhà khoa học hỗ trợ về kỹ thuật. Khi đã ra sản phẩm, phải tiếp cận được với các nhà phân phối tạo thành một chuỗi sản xuất - tiêu thụ.

Cần những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính

Theo ông Thân Văn Hiển, Phó chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang, sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao hiện đang gặp  nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là về quỹ đất, thứ hai là vốn, doanh nghiệp nào cũng kêu khó, chưa kể nguồn lực về khoa học công nghệ còn hạn chế. Đặc biệt, một số nơi sản xuất theo kiểu phong trào, chưa có sự đột phá, chưa nắm vững khoa học công nghệ.

Về giải pháp, ông Hiển cho biết, phải quy hoạch tạo quỹ đất, hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ, hỗ trợ về vốn, sản phẩm sản xuất ra phải tìm được nơi tiêu thụ. Tại Bắc Giang, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, mỗi hộ dân đầu tư mô hình sản xuất có diện tích 2.000m2 được hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư nhà lưới. Thời gian tới, HLV Bắc Giang tiếp tục tập huấn về khoa học kỹ thuật cho hội viên, hướng dẫn sản xuất một số mặt hàng chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty CP Vật tư bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, Nhà nước cần hỗ trợ vốn ban đầu, định hướng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm công nghệ cao không thể bán như sản phẩm ngoài thị trường được, giá cả phải khác do đầu tư lớn, đặc biệt phải có hệ thống tiêu thụ riêng.

Theo GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, thực trạng sản xuất, kinh doanh ở nước ta cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, trình độ canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu.

Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần vốn đầu tư rất lớn, do đó, Nhà nước cần hỗ trợ chính sách, cho vay vốn với lãi suất thấp. Với nhà nông thì không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần “tự thân vận động”, ham học hỏi và không ngại vấp ngã, có như vậy mới sớm thay đổi tư duy, tiến tới làm ăn lớn.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top