Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2019 | 21:20

Phát triển thủy sản bền vững: Cần tổ chức lại sản xuất

Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giá trị suất khẩu đạt 9 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2019, giá trị suất khẩu đạt 7,1 tỷ USD.

ptt-trinh-dinh-dung.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng

Chiều nay (6/11), phát biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành Thuỷ sản trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ, những năm qua ngành thủy sản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ: Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giá trị suất khẩu đạt 9 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2019, giá trị suất khẩu đạt 7,1 tỷ USD.

Thuỷ sản phải thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu

Hiện, Việt Nam đã trở thành nhóm nước có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, và góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản còn nhiều tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn. Tổ chức sản xuất của ngành thủy sản chưa hiệu quả, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản còn thấp. Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được chú trọng.

Chính sách cho phát triển thủy sản (Nghị định 67) chưa hiệu quả. Đặc biệt là tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa được dứt điểm.

Để phát triển ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là: "Phải phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó là khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người lao động".

Phải gỡ được thẻ vàng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ, Sau khi Ủy ban châu Âu EC cảnh báo “thẻ vàng” với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo với các Bộ, ngành, và 28 địa phương ven biển để triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt. Hiện tại, còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tuần sau, đoàn công tác của Uỷ ban châu Âu EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”.

Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân.

Do vậy, ngoài những giải pháp dài hạn để phát triển ngành thủy sản Việt Nam thời gian tới như đã báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tại các địa phương đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố ven biển hỗ trợ giúp đỡ  trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân, cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, sớm gỡ thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam, để từ đó góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho thuỷ sản Việt Nam.

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với điều kiện phát triển thủy sản của từng vùng, từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa ngành thủy sản, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác, đẩy mạnh nuôi trồng, hiện đại hoá quản lý, đầy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, hiện đại hóa đội tàu, trang thiết bị, đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển - coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản trong giai đoạn tới nhầm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tái cơ cấu ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật quy hoạch.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch sử dụng biển Quốc gia để báo cáo Quốc hội Xác định đầy đủ các khu vực biển, đảo có tiềm năng lợi thế để phát triển ngành thủy sản. Từ đó làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác và nuôi biển. Quy hoạch sử dụng biển Quốc gia phải gắn với việc điều tra, đánh giá đầy đủ về nguồn lợi thủy sản trên biển để làm cơ sở xây dựng kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản.

Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập Quy hoạch các vùng kinh tế và hướng dẫn các địa phương lập Quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch. Trong đó xác định rõ các quy hoạch cần tích hợp vào Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh như Quy hoạch hạ tầng thuỷ sản, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền…

Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch cho từng năm và 5 năm. Xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để đầu tư thực hiện các quy hoạch. Đồng thời, xác định cụ thể các dự án, các nhiệm vụ ưu tiên để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các dự án hạ tầng cấp thiết như: cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các dự án hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, trong đó tập trung cho khu vực duyên hải và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với các dự án nuôi trồng thuỷ sản tập trung, thì huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước để đầu tư.

Cùng với đó, rà soát lại các cơ chế chính sách hiện có để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách để hỗ trợ phát triển ngành thủy sản. Trong đó: tổng kết thực hiện Nghị định 67 để điều chỉnh lại những nội dung còn hạn chế, chưa phù hợp (như cơ chế về tín dụng cho ngành thủy sản). Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các đội tàu Viễn Dương, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nuôi biển; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển ngành thủy sản. 

Thêm vào đó, tăng cường công tác kiểm soát quá trình đầu tư phát triển, khai thác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả ầu tư các dự án hạ tầng, các dự án đóng mới tàu thuyền. Kiểm soát chất lượng thủy sản.

Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm thuỷ sản Việt Nam. Trong phân định vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và hợp tác đánh cá với các quốc gia trong khu vực và các vùng đại dương, huy động nguồn lực để trang bị hợp tác khoa học cho các hoạt động tập trung lĩnh vực thủy sản.

Và cuối cùng, phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top