Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 8 năm 2021 | 21:38

Phú Yên: Ngăn chặn lây lan bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Dịch bệnh viêm da nổi cục đang lây lan ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trước tình hình này, ngành thú y tỉnh đang triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch.

Gần 2.500 con bò nhiễm bệnh
 
Huyện Đồng Xuân là địa phương xuất hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò đầu tiên ở Phú Yên vào ngày 13/6.
 
Ông Trần Văn Sư, ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, hộ có bò nhiễm bệnh VDNC đầu tiên ở địa phương này, cho biết: “Con bò bị nhiễm bệnh của nhà tôi được mua về từ huyện Sơn Hòa. Ban đầu bò khỏe mạnh bình thường, sau đó trên da nó xuất hiện các cục u to nhỏ đủ cỡ kèm sốt nhẹ. Sau khi chúng tôi báo và được cán bộ thú y kiểm tra thì mới biết bò bị bệnh VDNC. Nhờ cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ điều trị, hiện bò đã khỏe mạnh, ăn uống bình thường”.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như ông Sư. Bởi theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã có 66 xã, phường của 8 huyện, thị xã trên toàn tỉnh có dịch VDNC. Số lượng bò bị nhiễm bệnh lên đến gần 2.500 con; trong số này, khoảng 80 bò đã chết, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
1dsc08994.jpg
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân vùng dịch nuôi nhốt trâu bò, không thả rông để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), điều kiện thời tiết chuyển mùa ở nhiều địa phương như hiện nay rất thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…) phát triển. Trong khi đó, Phú Yên là một trong những địa phương có đàn trâu, bò lớn với tổng đàn khoảng 172.000 con nên nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan rộng trong thời gian tới là rất cao.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, chi cục đã nhanh chóng nhập vắc xin VDNC về để phục vụ công tác tiêm phòng và phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ đàn trâu, bò, khoanh vùng các ổ dịch bao vây xử lý, cắm biển báo và lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời, tổ chức phun tiêu độc sát khuẩn môi trường toàn bộ khu vực chăn nuôi.
 
Đến nay, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã sử dụng 3.593 lít thuốc sát trùng và hơn 3.326kg vôi bột để phun tiêu độc và khử trùng hàng ngày tại các ổ dịch. Tỉnh cũng hỗ trợ thêm 9.500 lít thuốc sát trùng cho các địa phương để tiếp tục tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi. Tuy nhiên, về vắc xin phòng bệnh VDNC, hiện toàn tỉnh chỉ mới tiêm 53.000 liều vắc xin, chưa được 50% tổng đàn trong diện tiêm, chưa đạt được tỉ lệ bảo hộ dịch bệnh theo quy định.
 
Cần tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn
 
Trước tình hình dịch bệnh lây lan, các ngành chức năng tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình phòng, chống bệnh VDNC; hướng dẫn hộ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột và hóa chất, có biện pháp tiêu diệt côn trùng tại khu vực chuồng nuôi… Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương vận động, tuyên truyền người chăn nuôi mua vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi, tổ chức đội ngũ thú y viên để triển khai tiêm phòng tại từng hộ chăn nuôi…
 
Hiện bệnh VDNC vẫn chưa có thuốc điều trị, vì vậy, phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là tiêm phòng vắc xin. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ thực tế phòng, chống bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy, ở các địa phương thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn, có thể ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Vì vậy, nhằm nhanh chóng khống chế, không để dịch bệnh VDNC tiếp tục bùng phát lây lan trong thời gian tới thì Phú Yên phải tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định; đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% gia súc thuộc diện tiêm.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc.
 
Đến nay, Phú Yên đã có 66 xã, phường của 8 huyện, thị xã có dịch VDNC. Số lượng bò bị nhiễm bệnh lên đến gần 2.500 con; trong số này, khoảng 80 bò đã chết, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Hiện toàn tỉnh có khoảng 120.000 con trâu, bò thuộc diện có nguy cơ nhiễm bệnh.
 
 
 
 
Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top