Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 2 năm 2018 | 15:53

Sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nhiều bên cùng có lợi

Khi chính quyền, người dân, doanh nghiệp quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao...

Khi chính quyền, người dân, doanh nghiệp quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xin giới thiệu kinh nghiệm của hai tỉnh Bắc Giang và Hà Giang.


Khi giá bán rẻ như cho

Giờ đây, nói tới thương hiệu gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), nhiều người tiêu dùng trong nước đều biết. Tuy nhiên, trước đây, chính quyền địa phương và người nuôi gà gặp khó khăn do chưa có thương hiệu, đầu ra không ổn định, dẫn tới còn người chăn nuôi bị thua lỗ.

1.jpg

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao thương hiệu gà đồi Yên Thế và yêu cầu phải đưa sản phẩm thành thương hiệu quốc gia.

 

Sản phẩm cam sành Hà Giang một thời gian dài cũng bị “chết lâm sàng”. Xã Trung Thành (Vị Xuyên) được xem là cái nôi trồng cam của Hà Giang. Tuy nhiên, từ năm 1996 đến năm 2000, cây cam ở đây xuất hiện bệnh hiếm gặp, người dân thiếu kiến thức trong phòng trừ sâu bệnh nên khoảng 80% diện tích cam bị chết.

Ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Cam sành Hà Giang, tâm sự: Trước đây chưa có chỉ dẫn địa lý, sản xuất không theo tiêu chuẩn VietGAP, giá cam thấp, có thời điểm chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg  nên người dân bỏ mặc vườn không chăm sóc.

Bắc Giang là tỉnh có diện tích vải thiều lớn nhất cả nước. Năm 2010 - 2011 người trồng vải ở huyện Lục Ngạn chỉ bán với giá 3.500 - 5.000 đồng/kg, vải loại 1 từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Nhiều người trồng vải đã tính đến việc chặt vải để trồng cây khác.

Khi sản phẩm có thương hiệu

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã quan tâm, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tìm thị trường tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Giờ đây, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ không dừng lại ở trong nước mà đã xuất đi nhiều nước khó tính trên thế giới.

Để xây dựng thành công thương hiệu gà đồi Yên Thế, UBND huyện Yên Thế đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, chọn lọc và chuyển giao công nghệ chăn nuôi gà thả đồi an toàn sinh học, đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển chăn nuôi gà đồi, tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Yên Thế”, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Yên Thế hiện có đàn gà gia cầm lớn nhất nước và là con vật đầu tiên được công nhận nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý. Năm 2017, đàn gia cầm của Yên Thế đạt 4,6 triệu con (trong đó đàn gà là 3,74 triệu con), sản lượng thịt xuất chuồng 18.530 tấn và 9,6 triệu quả trứng, giá trị đạt trên 1.356 tỷ đồng. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề cho người nuôi thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm, nhiều hộ còn có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao thương hiệu gà đồi Yên Thế và yêu cầu phải đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế thành thương hiệu quốc gia.

Hai năm nay, tỉnh Hà Giang đẩy mạnh khôi phục, phát triển thương hiệu cam sành Hà Giang, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nếu như năm 2011, tỉnh này có 1.735ha cam sành thì nay tăng lên 8.963,1ha. Diện tích cam sành được cấp chứng nhận VietGAP là 2.776ha, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Theo ông Phạm Văn Quang, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương (Sở Công Thương Hà Giang), tháng 11/2016, tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm cam sành Hà Giang. Ngay sau đó, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ cam đã diễn ra. Sau 2 năm cam sành không chỉ đến với người tiêu dùng ở phía Bắc mà vào cả thị trường phía Nam. Giờ đây, quả cam đều và ngon hơn, mẫu mã bao bì đẹp hơn, kéo theo đó giá trị  được nâng lên rất nhiều.

Ông Phạm Quang Lân cho biết, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, chất lượng cam tốt hơn, hình thức mẫu mã đẹp hơn, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn. Nhờ đó, giá bán cam cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Hiện, cam bán tại vườn (8-10 năm tuổi) đạt 15.000 đồng/kg, bán tại Hà Nội 25.000 đồng/kg. Nhiều hộ thu nhập 2 - 3 tỷ đồng, cá biệt có hộ doanh thu lên tới 5 tỷ đồng/năm.

2.jpg
Nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2017, có thời điểm vải thiều sớm bán với giá 83.000 đồng/kg.

 

Phát huy lợi thế của mình, UBND tỉnh Bắc Giang quy hoạch diện tích trồng vải thiều phù hợp với cơ cấu cây trồng, từ đó tạo ra vùng trồng vải có chất lượng tốt. Đặc biệt, tỉnh mở rộng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2017, Bắc Giang duy trì gần 30.000ha, sản lượng đạt trên 91.500 tấn. Trong đó, có 12.800ha vải trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP; 218ha được Mỹ cấp mã số IRADS; giá bán trung bình đạt 38.000 đồng/kg, cao gần gấp hai lần so với năm 2016. Có thời điểm vải thiều sớm bán đến 83.000 đồng/kg

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết, vải thiều giờ đây đã được đóng gói dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc và đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, EU, Nhật. Giá trị sản xuất từ vải ước đạt 3.537 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 1.769 tỷ đồng, tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ ước đạt 5.306 tỷ đồng.

Từ trồng vải, Bắc Giang có trên 1.000 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó 10 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên, có 2 hộ thu nhập trên 800 triệu đồng.

Có thể nói, khi chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ, nhiều bên sẽ cùng có lợi. Người sản xuất có lợi nhuận cao, doanh nghiệp có đủ sản phẩm đưa đi xuất khẩu, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, chất lượng tốt. Và đây là đường đi tất yếu của các mặt hàng nông sản Việt.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top