Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 6 năm 2021 | 13:38

Sản xuất thanh long sạch để có đầu ra bền vững

Nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, tìm đầu ra bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm thanh long, nhiều hợp tác xã (HTX) thanh long trên địa bàn tỉnh Long An chọn giải pháp chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng CNC

1.jpg
Để có đầu ra bền vững, phải sản xuất thanh long theo quy trình an toàn.

 

 

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, đến cuối tháng 5/2021, toàn tỉnh có  12.167,7ha thanh long; diện tích cho trái  11.142ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An. Trong đó, Châu Thành được xem là thủ phủ thanh long của tỉnh với hơn 9.100ha,  sản lượng gần 300.000 tấn/năm.

Thời gian qua, vấn đề đầu ra luôn là bài toán khó, bởi hơn 80% sản lượng được xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giá cả bấp bênh. Người trồng thanh long Châu Thành nói riêng và tỉnh Long An nói chung buộc phải thay đổi tập quán sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản, tránh lệ thuộc vào một thị trường. Tiêu biểu là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội) đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế này, mạnh dạn xây dựng mô hình phù hợp và gặt hái được thành công bước đầu.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi từ trồng thanh long truyền thống sang trồng theo hướng hữu cơ, đạt chất lượng cao ở huyện Châu Thành. Hiện, HTX có khoảng 60ha thanh long được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và trong năm 2021, HTX sẽ thực hiện thêm 50ha thanh long theo hướng VietGAP, 50ha thanh long theo hướng GlobalGAP.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân Phan Thanh Sơn cho biết: “Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP góp phần giúp ổn định đầu ra và tăng lợi nhuận cho các thành viên. Từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay, nhiều đối tác trong và ngoài nước đã đến đặt hàng của HTX. Trước nhu cầu của thị trường cũng như hiệu quả mang lại từ hoạt động sản xuất thanh long sạch, việc thu hút thêm các thành viên tham gia HTX để mở rộng thêm diện tích đang được Ban Giám đốc và chính quyền địa phương quan tâm thực hiện”.

Ông Phan Văn Kỳ, thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân, chia sẻ: “Thông qua các buổi tập huấn và tuyên truyền của HTX, tôi hiểu được tầm quan trọng và hiệu quả của việc sản xuất theo quy trình an toàn. Theo tôi, trồng thanh long theo quy trình GlobalGAP có nhiều cái lợi, cụ thể, trái thanh long sau thu hoạch sẽ bảo đảm không có tồn dư  thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người tiêu dùng, vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Võ Văn Vấn cho biết, đối với cây thanh long, ngành Nông nghiệp huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng trái thanh long và ổn định đầu ra, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

 

Minh Tuệ
Ý kiến bạn đọc
Top