Ngày 25/4/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Thông báo số 3243/TB-BNN-VP thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại cuộc họp bàn về hiện tượng hải sản chết bất thường tại ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Theo thông báo, sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản, báo cáo của đoàn công tác và ý kiến thảo luận của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận như sau:
Hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện vào ngày 06/4/2016 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các cơ quan chuyên môn nhanh chóng vào cuộc, thu mẫu, xác định nguyên nhân. Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy, cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện tại, không còn thấy xuất hiện cá chết như những ngày trước đó.
Cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân dọc ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất cũng như đời sống của người dân ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đề nghị thực hiện các giải pháp:
Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2757/VPCP-KTN ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ và Công văn 3179/BNN-TCTS ngày 21/4/2016 của Bộ NN&PTNT về việc xử lý hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và các văn bản hướng dẫn khác của bộ; khẩn trương thu gom tiêu hủy cá chết theo quy định, nghiêm cấm làm thực phẩm hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức; chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác và cá nuôi. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để người dân biết thông tin, tránh hoang mang, ổn định tâm lý.
Giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 làm đầu mối tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nhanh chóng phân tích mẫu vật để xác định nguyên nhân, tổng hợp và báo cáo kết quả về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương quan trắc, giám sát môi trường nước vùng ven biển.
Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân cá chết, giao Sở NN&PTNT các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quan trắc môi trường, căn cứ thực tế của địa phương, khi thấy điều kiện đảm bảo thì tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất.
Giao Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương đánh giá, thống kê thiệt hại, kiến nghị và đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh đặc biệt gia đình chính sách, ngư dân nghèo ven biển. Đồng thời, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng chính phủ;
Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, tổng hợp kết quả phân tích nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường, báo cáo Bộ trưởng và là đầu mối phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Anh Thơ
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.