Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 9 năm 2017 | 12:59

Sự kiện 24/7: “Dẹp loạn” danh hiệu nghệ nhân, xóa giấy phép con

Sau một thời gian dài “làm mưa làm gió” trên các phương tiện truyền thông, các dự án BOT đã chính thức nhận được kết luận từ Thanh tra Chính phủ về những sai phạm và hạn chế trong dự thầu, đầu tư và thực hiện. Liên quan đến “đại án” Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng, thêm một cựu quan chức cấp cao của NHNN bị khởi tố. Ở lĩnh vực văn hóa – xã hội, Bộ VH-TT và DL đã quyết liệt kiến nghị Thủ tướng “dẹp loạn” các danh hiệu do các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp phong tặng…

Kiến nghị Thủ tướng 'dẹp loạn' danh hiệu nghệ nhân, cây di sản...

Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh danh hiệu trái quy định pháp luật.

Công văn báo cáo với Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, theo báo cáo của các địa phương và phản ánh của một số cơ quan báo chí về một số hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hoá, di sản văn hoá do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tổ chức như:

- Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận: Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hoá đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hoá truyền thống Việt Nam, bằng chứng nhận, tôn vinh, phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hoá dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt, công nhận Việt Nam linh thiêng cổ tự, bằng chứng nhận tôn vinh Nghệ nhân...

- Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam là hội thành viên trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam, cây di sản...

- Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam là đơn vị thành viên trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam cấp bằng Nghệ nhân văn hoá dân gian.

- Hội sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng công nhận cây di tích lịch sử văn hoá Việt Nam và tôn vinh Nghệ nhân.

Dù không được pháp luật quy định nhưng nhiều tổ chức xã hội, xã hội - nghệ nghiệp vẫn "hồn nhiên" phong tặng danh hiệu nghệ nhân, cây di sản. Ảnh minh họa.

Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch nêu rõ, đơn vị này đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng, di sản văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, tài nguyên, môi trường, điều lệ của các tổ chức xã hội nêu trên và nhận thấy: "việc vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận các danh hiệu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nêu trên chưa được pháp luật quy định".

Bộ Văn hoá khẳng định, theo điều lệ của các tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Hội sinh vật cảnh Việt Nam thì các tổ chức này không có chức năng, thẩm quyền để vinh danh cấp bằng như đã thực hiện.

Công văn do Thứ trưởng Đặng Bích Liên ký còn nêu rõ: "Qua kiểm tra cho thấy, một số trường hợp được vinh danh nghệ nhân không thông qua các cơ quan quản lý tại địa phương, không được người dân và chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tiến cử, giới thiệu, không ban hành tiêu chí xét tặng, không có hồ sơ khi tiếp cận một số di tích và nghệ nhân.

Việc bảo trợ di tích một số chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia hoặc di tích cấp tỉnh, thành phố nhưng không rõ nội dung bảo trợ.

Từ những cơ sở nêu trên, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cho rằng: "Việc chứng nhận, tôn vinh nói trên của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã vi phạm các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, di sản văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, gây hiểu nhầm và dư luận không tốt trong xã hội giữa các đối tượng được Nhà nước trao tặng danh hiệu, công nhận, vinh danh và cấp bằng với các đối tượng do các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội công nhận".

Xóa giấy phép con: Bộ trưởng Công Thương ra 'tối hậu thư' với cấp dưới

Tại cuộc họp chiều 5/9 về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị gấp rút rà soát các điều kiện kinh doanh, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đích thân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ giám sát công tác cải cách hành chính.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị tiến hành phân tích kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đồng thời đề ra kế hoạch hành động cho toàn ngành Công Thương trong thời gian tới.

Theo đánh giá của VCCI và CIEM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, xoá bỏ thủ tục, các điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, là một bộ đa ngành, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn nhiều.

Hiện, toàn ngành vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh và như vậy sẽ là cản trở trong viêc huy động phát triển nguồn lực, sản xuất.

Do vậy, cả VCCI và CIEM đều kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tiếp các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuần Anh quán triệt rằng kết quả khảo sát của VCCI cũng như CIEM có cơ sở và xuất phát từ thực tế, do vậy, các đơn vị không nên bàn chuyện đúng sai và phản biện lại các số liệu nghiên cứu.

Các con số 300, 400 hay 500 điều kiện, giấy phép con được thống kê không quan trọng bằng việc, thời gian tới Bộ có cải cách hay không, bao nhiêu thủ tục sẽ tiếp tục được gỡ bỏ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, trước mắt, các đơn vị cần phải rà soát ngay các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả như thế nào.

Từ đánh giá cụ thể kết quả đã làm được, các đơn vị cần nhanh chóng rà soát lĩnh vực mình quản lý để tiếp tục gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở chỉ giữ lại các điều kiện cần thiết, tiến tới mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo Bộ trưởng, việc cải cách hành chính cần dựa trên tinh thần cầu thị, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, trước ngày 14/9, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải gửi bản tổng hợp báo cáo kế hoạch cải cách hành chính báo cáo Bộ trưởng xem xét và cùng với Tổ công tác của Bộ tiến hành rà soát và có các quyết định cắt giảm cụ thể.

Và điểm khác biệt lần này, đích thân Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm giám sát công tác cải cách hành chính.

100% dự án BT, BOT chỉ định thầu, phê duyệt sai cả trăm tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ vừa kết luận chính thức về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án BT, BOT tại Bộ Giao thông Vận tải. 

Theo Thanh tra Chính phủ, các dự án BT, BOT lộ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Trước hết, chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư; việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án không đúng thời điểm tháng 1 hàng năm là thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều sai phạm của các dự án BOT.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT vào tháng 1 hàng năm quy định tại Điều 9, 10, Nghị định 108/2009 của Chính phủ.

Theo đó, những thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, về các dự án kêu gọi đầu tư được công bố chưa toàn diện, rộng rãi, kịp thời đến các nhà đầu tư, đến các thành phần kinh tế; hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia, hoặc nhà đầu tư bị hạn chế thông tin và thời gian cần thiết cho việc tiếp cận, nghiên cứu dự án để quyết định tham gia việc đầu tư.

Bằng chứng cho thấy, kể từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao), BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông đến nay, hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực. Từ đó, việc đàm phán, ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.

Công tác lập, phê duyệt tổng mức đầu tư còn nhiều nội dung sai chế độ, chưa phù hợp thực tế về áp dụng đơn giá tiền lương, chế độ phụ cấp; giá và cự ly vận chuyển; cấp các loại đá, vật liệu, định mức máy móc thiết bị, chi phí dự phòng...

Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451.477,9 triệu đồng (tạm gọi hơn 451 tỷ đồng), trong đó dự án hầm đường bộ Phước Tượng - hầm Phú Gia 44.164 triệu đồng; dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ 18.783,9 triệu đồng; dự án đường Hoà Lạc - Hoà Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hoà Bình 51.236 triệu đồng; dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới 101.059 triệu đồng...

Với những sai phạm nghiêm trọng nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, GTVT phối hợp rà soát những quy định pháp lý về lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn thiếu, chưa thống nhất để bổ sung điều chỉnh hoặc trình bổ sung điều chỉnh theo thẩm quyền.

Khởi tố nguyên Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình

Ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình (63 tuổi), nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Bình bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỉ đồng. Cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Đặng Thanh Bình.

Ông Bình bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" Phạm Công Danh.

Ông Đặng Thanh Bình từng 25 năm công tác trong ngành ngân hàng. Năm 1994, ông bắt đầu giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính, ba năm sau chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước. Đến 2002, ông Bình giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Năm 2005, cùng với ông Nguyễn Đồng Tiến được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo quyết định phân công công tác của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm. Phụ trách công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phòng chống rửa tiền; thông tin tín dụng; công tác pháp chế; hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của các hiệp hội trong ngành ngân hàng. Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Trung tâm Thông tin tín dụng.

Ngày 16.7.2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ban hành Quyết định số 1567/QĐ-NHNN về việc giao kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho ông Bình. Được biết, ông Bình nghỉ hưu năm 2015.

Phía NHNN cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra khi có yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và cần đợi kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, đồng thời nhấn mạnh việc này không ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top