Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 3 năm 2019 | 22:23

Sự kiện 24/7: 8 học sinh đuối nước thương tâm tại Hòa Bình

8 học sinh bị đuối nước thương tâm tại sông Đà đoạn qua tỉnh Hòa Bình đều là học sinh nam đang học từ lớp 4 đến lớp 9.

hoc-sinh.jpg
Nơi 8 học sinh bị đuối nước.

Vào khoảng 15h ngày 21/3, tại bến sông thuộc phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 8 học sinh tử vong.

Theo lãnh đạo UBND phường Thịnh Lang cho biết, vào thời điểm trên có 10 học sinh trên địa bàn TP Hoà Bình ra bãi sông Thịnh Minh để tắm sông.

Trong lúc tắm có 8 em tử vong do đuối nước. Đến 17h cùng ngày đã vớt được thi thể của 8 học sinh trên.

Theo xác minh ban đầu, danh tính 8 học sinh tử vong khi bơi dưới sông Đà đoạn qua TP Hòa Bình đã được xác định.

Cụ thể, danh tính 8 học sinh như sau:

1, Nguyễn Bình Minh (trú ở tổ 22, TP Hòa Bình, sinh năm 2004, học lớp 9C trường THCS Hữu Nghị).

2, Đinh Gia Bảo (trú ở tổ 8 TP Hòa Bình, SN 2005, trường THCS Hữu Nghị).

3, Bùi Việt Cường (trú ở tổ 22 TP Hòa Bình, SN 2005, học lớp 8).

4, Nguyễn An Nam (trú ở tổ 3 TP Hòa Bình, SN 2009, học lớp 4a4, trường Tiểu học Hữu Nghị).

5, Nguyễn Trung Kiên (trú ở tổ 22 TP Hòa Bình, , SN 2009, học lớp 4a6, trường Tiểu học Hữu Nghị).

6, Nguyễn Đức Huy (trú ở tổ 22 TP Hòa Bình, SN 2007, học lớp 6a5, trường THCS Hữu Nghị).

7, Nguyễn Anh Minh (trú ở tổ 3 TP Hòa Bình, SN 2007, học lớp 6a7).

8, Nguyễn Mạnh Hùng (trú ở tổ 22 TP Hòa Bình, SN 2008, học lớp 5a7).

Ban Tôn giáo đề nghị xác minh thông tin báo chí về chùa Ba Vàng

Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh trước ngày 25/3/2019.

 

chua_ba_vang_vov_ifcm.jpg

Ngay sau khi thông tin và các video clip phản ánh chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức các hoạt động mang tính mê tín dị đoan như gọi vong, hóa giải các ân oán từ nhiều kiếp trước... được một số báo điện tử trong đó có Báo Lao động đăng tải và chia sẻ trên các trang mạng xã hội, ngày 20/3, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo Công văn số 267/TGCP-PG gửi Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiểm tra, xác minh để làm rõ và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm (nếu có), đồng thời thông tin cho các cơ quan quan báo chí về kết quả xử lý giải quyết.

Trong Công văn số 263/TGCP-PG gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh, Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác minh để làm rõ những nội dung như Báo Lao động phản ánh, kịp thời tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ban Tôn giáo Chính phủ trước ngày 25/3/2019.

Bộ Y tế đề nghị dừng lấy mẫu xét nghiệm ELISA chẩn đoán sán lợn

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán sán dây lợn.

 

san-lon.jpg

Trước thông tin về tình hình nhiễm sán dây lợn gây bệnh cho người tại tỉnh Bắc Ninh và nhu cầu của người dân về chẩn đoán có mắc hay không mắc bệnh dẫn đến tình trạng hiện nay người dân ồ ạt đưa con em đi xét nghiệm, về việc này, Bộ Y tế yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các Ban an toàn thực phẩm địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, đặc biệt là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các trường học và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được bản chất của bệnh, ý nghĩa của các biện pháp chẩn đoán, xác định người đang mắc bệnh hay không và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như ăn chín, uống chín, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun, sán định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán sán dây lợn. Xét nghiệm ELISA dương tính không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn, đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm xác định khác.

Đối với những trường hợp kết quả xét nghiệm ELISA dương tính không cần phải xét nghiệm lại và không phải điều trị, trừ trường hợp có triệu chứng lâm sàng, có chẩn đoán xác định hiện đang mắc bệnh thì sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm ELISA âm tính thì không cần phải xét nghiệm lại.

Quảng Ngãi: Lập khống danh sách người có công để trục lợi?

Mấy ngày qua, tại thành phố Quảng Ngãi xôn xao vụ việc hàng chục người trong danh sách nhận chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng nghi là giả mạo.

 

quang-ngai.jpg

Điều đáng nói, danh sách này đã xuất hiện cách nay hơn 15 năm, tiền chế độ được chi trả đều đặn hàng tháng lên đến hàng tỷ đồng nhưng đến nay mới được phát hiện. Vụ việc đang được điều tra làm rõ. 

Từ thông tin phản ánh của cán bộ, nhân viên một số phường thuộc thành phố Quảng Ngãi, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Quảng Ngãi phát hiện nhiều đối tượng có tên trong danh sách chi trả chế độ người có công không đến nhận tiền hoặc chỉ có người nhận tiền thay.

Ông Phạm Phới, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi cho biết: Từ tháng 7/2018, đơn vị bàn giao việc chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 104 đối tượng là thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang công tác tại các cơ quan đơn vị trước đây về nhận chế độ ở xã, phường. Cuối tháng 2 vừa qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi đã theo dõi và phát hiện có 33 trường hợp thương binh, trong đó 16 trường hợp không đến nhận tiền và 17 trường hợp chỉ có người nhận tiền thay.

"Sau khi chuyển các thương binh này xuống xã, phường để chi trả thì phòng Lao động Thương binh và Xã hội mới phát hiện ra có một số trường hợp không đến xã phường nhận. Sau khi rà soát lại hết thì những trường hợp từ ngày 1/7/2018, không có người đến nhận", ông Phới cho biết.

Qua kiểm tra sổ theo dõi, trong danh sách 33 trường hợp này, hầu hết được lập từ tháng 9/2002 - 11/2003, 1 trường hợp chưa rõ thời gian kê khai và 4 trường hợp không có tên trong sổ.

Đến tháng 1/2019, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi đã làm bảng kê gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng chi trả chế độ đối với 17 trường hợp không có người nhận. 16 trường hợp còn lại trước đây có người nhận thay đến nay vẫn chưa thấy ai đến nhận tiền chế độ ưu đãi người có công.

Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết: "Sau khi UBND thành phố nhận báo cáo của Phòng LĐTB&XH về vụ việc này, xét thấy đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm và nghiêm trọng, UBND thành phố đã thành lập ngay đoàn thanh tra do đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chánh Thanh tra thành phố làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra phải thực hiện đầy đủ, nhiệm vụ, trách nhiệm theo Luật Thanh tra. Trong vòng 30 ngày, đoàn phải báo cáo với lãnh đạo UBND thành phố về kết quả thanh tra vụ việc này".

Tình trạng hàng chục trường hợp nghi là kê khống danh sách, trục lợi tiền chế độ ưu đãi người có công diễn ra từ năm 2002, qua nhiều đời lãnh đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay sự việc mới bị phát hiện.

Ông Phạm Phới, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội, thành phố Quảng Ngãi cho biết, bản thân ông về nhận công tác tại đơn vị từ tháng 5/2015, đến cuối năm 2018 thì mới phát hiện vụ việc.

"Qua nhiều thời, người này, người kia nhưng không rõ sự việc như thế nào. Chúng tôi mong muốn đoàn thanh tra chỉ ra đúng, sai và tìm ra sự thật để bớt điều tai tiếng cho phòng và ngành nói chung. Những người nào làm không đúng quy định thì có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật", ông Phới nói.

Hà Nội đề xuất cấm xe máy vào giờ cao điểm trên 6 tuyến phố

Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về việc nghiên cứu, xây dựng đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

 

cam-xe.jpg

Để cấm hẳn xe máy trong các quận trung tâm TP Hà Nội (năm 2030), Sở GTVT chia làm ba giai đoạn cụ thể, trong đó có việc cấm xe máy theo giờ ở các trục đường hướng tâm (2020), cấm vào ngày cuối tuần các tuyến phố trong quận Hoàn Kiếm (2025), sau đó mở rộng ra các quận lân cận.

Đề án trên nhằm cụ thể hoá lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 7/2017.

Trước khi cấm xe máy hoạt động trong trung tâm thành phố vào năm 2030, TP. Hà Nội dự kiến thí điểm cấm xe máy theo giờ từ thứ 2 đến thứ 6 trên các trục đường hướng tâm có đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo đó, vào giờ cao điểm, xe máy bị cấm hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Trãi (ưu tiên xe buýt) đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng vào năm 2019-2020.

Tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy, sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động (dự kiến sau 2020), xe máy cũng bị cấm vào giờ cao điểm.

Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng dự kiến nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến phố như Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Để tiến tới cấm xe máy hoạt động trong nội thành, TP. Hà Nội cũng nghiên cứu việc không đăng ký xe máy mới ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020.

Sau thời gian thí điểm không đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành vào năm 2020, TP. Hà Nội sẽ mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top