Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 7 năm 2019 | 11:13

Sự kiện 24/7: Báo động dịch sốt xuất huyết gia tăng

Từ tháng 6 cho đến nay, số ca bệnh do sốt xuất huyết (SXH) điều trị ngoại trú lẫn nhập viện đều gia tăng qua từng tuần.

sxh.jpg

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 30/6/2019 cả nước ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 ca tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP. HCM. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng 3,1 lần.

Riêng 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía nam đã có gần 50.000 người mắc SXH, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và đã có 6 trường hợp tử vong, TTXVN dẫn nguồn của Bộ Y tế.

TP. HCM là nơi phát hiện nhiều người mắc SXH nhất với 24.768 ca, tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái (8.959 ca). An Giang là địa phương có số ca mắc đứng thứ 7 khu vực phía Nam, sau TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Bình Phước.

Tại phía bắc, dịch SXH cũng đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở Hà Nội khi một số nơi trung bình mỗi nhà đang có ít nhất 1 người mắc.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội ghi nhận 820 trường hợp xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh ở các cấp độ khác nhau của SXH. Riêng tuần từ 1-7/7, Thành phố ghi nhận 178 ca mắc. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 998 trường hợp mắc SXH và không có tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, 241/584 xã phường.  

Còn tại Đắk Lắk, một tỉnh của khu vực Tây Nguyên, SXH đang có dấu hiệu tăng nhanh, nếu không khống chế kịp thời thì bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Đắk Lắk đã có hơn 3.200 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có bệnh nhân, trong đó tập trung nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột (400 bệnh nhân), huyện Krông Búk (126), huyện Krông Năng (110)…

Để chủ động và nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh cho phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, khám lại.

Lạng Sơn: Có đến 400 bài Trắc nghiệm THPT Quốc gia 2019 phải xem lại

Đến nay, các trường đại học (ĐH) đã chấm xong bài thi Trắc nghiệm của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 ở các địa phương.

 

thqg.jpg

PGS.TS Đặng Xuân Thư, Trưởng ban chấm thi Trắc nghiệm tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm nay, ĐH Sư phạm Hà Nội chấm thi Trắc nghiệm tại tỉnh này.

Nhà trường đã huy động 16 cán bộ, giảng viên đến Lạng Sơn chấm thi Trắc nghiệm cho gần 25.000 bài thi ở các môn: Toán, Ngoại ngữ, các môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Qua quá trình chấm thi, có khoảng 100 bài thi bị thí sinh tô nhầm mã đề, nhầm số báo danh. Ngoài ra, có đến 400 bài thi bị tô mờ, tô đúp do thí sinh tô nhầm phần trả lời ở câu sau lại tô lên câu trước hoặc trong một câu, thí sinh tô 2 đáp án nhưng lại không tẩy đáp án trước đi. Mặt khác, có thí sinh tô đáp án thứ 2 đậm nhưng đáp án thứ nhất lại không tẩy hết đi dẫn đến vẫn còn mờ hoặc nhòe nhoẹt.

Theo ông Xuân Thư, tất cả những lỗi tô sai này của thí sinh là bình thường, không phải là bất thường. Việc chấm thi Trắc nghiệm ở tỉnh Lạng Sơn không xảy ra sự cố bất thường nào.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như trên nên Ban chấm thi Trắc nghiệm của ĐH Sư phạm Hà Nội đã kiểm và sửa tất cả các bài thi đó một cách rất kỹ lưỡng.

Bộ Tư pháp phát hiện 82 văn bản sai nội dung, trái thẩm quyền

Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản; phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 12 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

 

bt-long.jpg

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết: Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019.

Bộ Tư pháp tiếp tục cùng với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai các nhiệm vụ, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác. Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, sáu tháng đầu năm, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

So với cùng kỳ năm 2018, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, đặc biệt giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Cụ thể, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 VBQPPL (giảm 22,5% so với cùng kỳ 2018); các địa phương ban hành 1.293 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 1,7%), 391 VBQPPL cấp huyện (giảm 57,6%) và 1.758 VBQPPL cấp xã (giảm 69%).

Theo đó, chất lượng công tác thẩm định VBQPPL tiếp tục được chú trọng, nâng cao; Công tác kiểm tra VBQPPL, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 VBQPPL. Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền; 66/122 văn bản đã được xử lý. Trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản; phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 12 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa QPPL. Đến nay, có 29/82 văn bản đã được xử lý.

Vốn ngân sách cho chống ngập của TP. HCM chưa được 10%

 

ngap.jpg

Dự án chống ngập hơn 9900 tỷ của Công ty Trung Nam.

 

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. HCM cho biết, hiện việc giải quyết, xử lý các tuyến ngập do mưa đã hoàn thành 22 tuyến (đạt hơn 59% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020), và đang tiếp tục thực hiện 15 tuyến, chưa triển khai 3 tuyến. Đối với các tuyến ngập do triều đã hoàn thành 5 tuyến (đạt hơn 55% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020), và đang tiếp tục thực hiện 4 tuyến.

Các dự án chống ngập do triều của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đã đạt khoảng 75% khối lượng. Sáu dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị có 2 dự án đang thi công đạt khoảng hơn 33% so với chỉ tiêu, 4 dự án chưa triển khai thực hiện, có khả năng không hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2020.

Đại biểu Lê Minh Đức nhận xét hiện số lượng các điểm ngập đã cơ bản không còn tồn tại ở khu vực trung tâm nhưng lại có xu hướng tăng lên ở khu vực ngoại vi thành phố. Điều này cho thấy tốc độ phát triển hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hoá. Một nguyên nhân nữa là việc đánh giá các quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung lại theo thực tế còn chậm. Đại biểu Đức đề xuất kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hoá, có một chiến lược chống ngập tổng thể, toàn diện.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan, nguyên nhân của việc ngập nước đến từ hai tổ hợp chính. Tổ hợp mang tính chất tự nhiên gồm lượng mưa những năm gần đây đạt vũ lượng cao, mức đỉnh triều cường cũng cao hơn các năm trước. Mỗi năm mức độ lún của thành phố càng nặng hơn, thêm vào đó tốc độ đô thị hoá nhanh, đất thoát mưa tự nhiên thành đất đô thị, gây ra áp lực lớn cho hệ thống thoát nước vốn đã cũ.

Đối với nguồn vốn, ông Hoan cho biết giai đoạn 2016 – 2020 nguồn vốn cho các dự án, công trình, chương trình chống ngập là 96.327 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng được 6.356 tỷ đồng, tức chưa được 10%. Do đó phải kết hợp nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn kết hợp công – tư PPP và nguồn xã hội hoá tư nhân.

Đối với dự án chống ngập hơn 9900 tỷ, ông Hoan cho biết: “Hiện nay về cơ bản đã bồi thường đã xong, tái cấp vốn đã làm việc với ngân hàng cũng đã ổn, còn vấn đề vận hành sẽ trình xin ý kiến lãnh đạo UBND thành phố phương pháp thực hiện việc này, phải có bộ máy vận hành hệ thống cống ngăn triều, tổ chức chọn người, tập huấn và vận hành thử”.

Năm 2020, cả nước không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách

Hiện, cả nước có hơn 9 triệu người có công được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ…Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi người có công với nhiều hình thức như trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, ưu đãi giáo dục đào tạo, vay vốn sản xuất, hỗ trợ cải thiện nhà ở, tạo công ăn việc làm cho con em người có công…

 

ho-ngheo.jpg

Nhiều gia đình chính sách, người có công luôn đi đầu trong trận tuyến chống lại đói nghèo, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, vẫn còn 1,2% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công so với tổng  số hộ nghèo cả nước. 

Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đề nghị có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung cả nước về cách xác định đối tượng nghèo thuộc gia đình chính sách.

Ông Hồ Tân Cảnh nêu ý kiến: “Đối với hộ nghèo thuộc chính sách người có công mà các thành viên trong hộ không còn khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, địa cần hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tại trợ, huy động các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đối với các hộ gia đình còn sức lao động thì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo…”.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để gia đình người có công với cách mạng sống dưới mức trung bình của cả nước, phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. Để đạt mục tiêu này, ông Lê Tấn Dũng đề xuất các giải pháp để hỗ trợ cho các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top