Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 2 năm 2019 | 17:49

Sự kiện 24/7: Bắt tạm giam ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.

son_tuan_ofwn.jpg

Theo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 26/C46-P13 ngày 10/7/2018.

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày  23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các Quyết định  khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên. 

Ngày  23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên đối với 02 bị can đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật

Những sai phạm của cả hai ông được xác định xảy ra khi ông Son đang là bộ trưởng, ông Tuấn là thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG).

Các quyết định khởi tố bị can đã được Viện KSND Tối cao phê duyệt.

 

ong-son.png

Trước đó, ông Nguyễn Bắc Son đã lần lượt bị cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016, xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Bộ Chính trị cũng quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngày 10/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự 2015, xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin - truyền thông và các đơn vị liên quan.

Cùng với quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra cũng khởi tố 2 bị can Lê Nam Trà - nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone, hiện là cán bộ Văn phòng Bộ Thông tin - Truyền thông và Phạm Đình Trọng - vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin - truyền thông về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cuối tháng 4, Thanh tra Chính phủ đã bàn giao hồ sơ, tài liệu thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG cho cơ quan điều tra Bộ Công an.

Đây là những tài liệu liên quan đến nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong thương vụ này.

Theo kết luận thanh tra, Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ Thông tin - truyền thông phê duyệt dự án đầu tư…

Khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin - truyền thông phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.

Khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.

 

ong-tuan.jpg
Ông Trương Minh Tuấn.

 

Mobifone đã lập và trình Bộ Thông tin - truyền thông phê duyệt dự án khi không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG thể hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.

Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo.

Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 so với 2015 là 321,7 tỉ đồng, số lỗ lũy kế đến 2017 là hơn 1.900 tỉ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Bộ Thông tin - truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án, phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.

Quyết định số 236/2015 của Bộ Thông tin - truyền thông phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

TTCP khẳng định dự án đầu tư này chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ Thông tin - truyền thông đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone là vi phạm Luật đầu tư, vi phạm quy định của Chính phủ.

Cũng liên quan vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Phương Anh - phó tổng giám đốc và ông Cao Duy Hải - nguyên tổng giám đốc MobiFone - để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Báo điện tử Người tiêu dùng bị đình bản ba tháng

Chiều 22/2, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) có quyết định xử phạt vi phạm hành chính báo điện tử Người tiêu dùng.

 

dinh-ban.png

 

Theo đó, Cục cho rằng báo này đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết "Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân "vào lò"?", đăng ngày 27/12/2018.

Cụ thể, nội dung sai sự thật trong bài báo này là đoạn viết: "Lấp liếm việc giao đất cho 51 dự án phân lô bán nền ngay tại khu tái định cư và lấn ranh của người dân không thuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm".

Trong bài báo trên còn có nội dung "quy kết tội danh khi chưa có bản án, sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng". Đó là việc bài viết nêu: "Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "cố ý làm trái gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng"".

Với những sai phạm trên, báo điện tử Người tiêu dùng bị phạt là tổng số tiền 65 triệu đồng; đồng thời bị tước giấy phép hoạt động 3 tháng; phải cải chính, xin lỗi.

Báo điện tử Người tiêu dùng là cơ quan ngôn luận của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, được cấp giấy phép hoạt động từ tháng 3/2016.

Việt Nam thí điểm cấp visa điện tử cho công dân 80 nước

Chính phủ vừa ban hành nghị định 17/2019 về việc thí điểm cấp visa điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, bổ sung 35 quốc gia, 5 cửa khẩu được nhập cảnh vào danh sách thí điểm.

Nghị định 17/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 07/2017 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào VN.

Dù công dân Trung Quốc đã nằm trong danh sách thí điểm cấp visa điện tử theo nghị định 07/2017 cách đây 2 năm, danh sách thí điểm cấp visa điện tử theo nghị định 17/2019 vẫn đưa Trung Quốc vào nhóm 35 quốc gia được bổ sung, vì nước này có thêm 2 vùng lãnh thổ mới được thí điểm cấp visa điện tử là Hong Kong và Macau.

Trước đó, theo nghị định 07/2017 có 40 nước được thí điểm cấp thị thực điện tử vào Việt Nam.

Bên cạnh 2 nghị định trên, vào tháng 11-2017 Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 124 bổ sung danh dách 6 nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử vào Việt Nam.

Như vậy, đến nay có 80 quốc gia nằm trong danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp visa điện tử vào Việt Nam.

Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm đất công ở Đà Nẵng

Tổng hợp số tiền sai phạm trong việc xác định giá thu tiền sử dụng đất 52 cơ sở nhà đất ở Đà Nẵng là trên 156 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 

da-nang.jpg

Nhà đất tại 39 đường Pasteur nằm ở trung tâm Đà Nẵng hiện là quán bida và cà phê. Ảnh: Nguyễn Đông.

 

Theo đó, từ năm 2010-2016, Đà Nẵng đã chuyển đổi 52 cơ sở nhà đất thuộc thành phố quản lý sang mục đích khác. Trong đó, bán lại cho bên thuê 31 cơ sở; bán đấu giá 8; bán trực tiếp 8; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi 5. Tổng số tiền thu về ngân sách 766 tỷ đồng.

Thành phố đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 44 cơ sở. Trong đó 33 cơ sở nhà đất được cấp với mục đích đất ở đô thị; 5 cơ sở nhà đất được UBND thành phố cho phép chuyển tên khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cơ quan Thanh tra cho rằng, việc thành phố cho phép chuyển tên khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thực hiện nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ là vi phạm các quy định liên quan.

Trong số 31 cơ sở nhà đất bán lại cho các bên thuê có 4 cơ sở theo quy định phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên thành phố đã làm thủ tục bán lại cho bên thuê, cụ thể như số 47 Nguyễn Thái Học, 2 Hải Phòng, 39 Pasteur và 73 Nguyễn Thái Học. 

Việc UBND TP Đà Nẵng bán 4 cơ sở nhà đất trên không qua đấu giá là vi phạm điều 58 Luật đất đai. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ, kết quả xác minh ban đầu để Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ.

Ngoài ra, khi kiểm tra 4 cơ sở là các khu tập thể xuống cấp, cơ quan chức năng phát hiện 2 cơ sở được Đà Nẵng bán trực tiếp để bên mua sử dụng với mục đích thương mại dịch vụ không phù hợp với tiêu chí ban đầu (124 Bạch Đằng và số 10 Trần Quý Cáp), không thông qua đấu giá là vi phạm pháp luật. 

Các cơ sở nhà đất cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi cũng có sai phạm. Đơn cử như việc UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá thuê đất cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thấp hơn rất nhiều so với giá khởi điểm là không phù hợp quy định của Luật đất đai.

Bà Rịa– Vũng Tàu: Kỷ luật hàng loạt giáo viên Trường mầm non Phú Mỹ

Ngày 23/2, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu cho biết, sau thời gian tiến hành thanh tra, UBND thị xã đã có quyết định kỷ luật đối với 3 cá nhân trong ban giám hiệu và kế toán trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ. 

 

phu-my.jpg

Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ bị kỷ luật hình thức cảnh cáo do sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí tại trường Mầm non Phú Mỹ trong năm học 2017-2018 và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức; thời gian thi hành kỷ luật 12 tháng.

Bà Nguyễn Thị Dần, Phó Hiệu trưởng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, thời gian thi hành kỷ luật 12 tháng. Bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Hiệu trưởng bị khiển trách, thời gian thi hành kỷ luật 12 tháng. Bà Thái Thị Thu Hương, Kế toán trưởng bị khiển trách, thời gian thi hành kỷ luật 12 tháng.

Với bà Nguyễn Thị Dần, Nguyễn Thị Lợi và Thái Thị Thu Hương quyết định kỷ luật được đều lưu vào hồ sơ cá nhân và kéo dài thời gian nâng bậc lương 3 tháng. Riêng hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Liêm kéo dài thời gian nâng bậc lương là 6 tháng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thanh Liêm có trách nhiệm hoàn trả cho phụ huynh khoản tiền ăn bán trú thu thêm 1.000 đồng/cháu trong năm học 2017– 2018 và gần 152 triệu đồng tiền trong sổ quỹ của trường.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top