Bộ Ngoại giao cho hay theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, ngày 1/11, cảnh sát hạt Essex vừa thông báo có nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính cụ thể trong vụ 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London, Anh.
Về việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này”.
Ngay từ đầu vụ việc, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp trực tiếp với các cơ quan chức năng, các địa phương Việt Nam và Anh, cung cấp thông tin liên quan từ Việt Nam để hỗ trợ xác nhận quốc tịch nạn nhân, mở đường dây nóng, tiếp nhận thông tin và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã chuyển kết quả nhận dạng nạn nhân từ cảnh sát Anh cho các cơ quan chức năng Việt Nam để kiểm tra chéo.
Hiện, Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan cảnh sát Anh đang nỗ lực phối hợp tích cực xác minh danh tính các nạn nhân, nghi là người mang quốc tịch Việt Nam và sớm công bố thông tin.
Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự.
Người Phát ngôn nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm ơn và đánh giá cao chính phủ Anh, các cơ quan liên quan và địa phương của Anh đã tích cực triển khai khám nghiệm, cung cấp thông tin về nhận dạng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam trong thời gian qua. Chúng tôi hy vọng phía Anh sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này”.
Cảnh sát Anh thông báo có công dân Việt Nam
Trước đó, trong tuyên bố tối ngày 1/11 giờ địa phương, cảnh sát hạt Essex, Đông Nam nước Anh cho biết ở thời điểm hiện tại, họ tin rằng các nạn nhân là công dân Việt Nam.
Nhà chức trách Anh điều tra tại hiện trường xe container đông lạnh chứa 39 thi thể ở Grays, Essex. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Hiện, cảnh sát đang liên lạc trực tiếp với một số gia đình ở Việt Nam và Anh đồng thời đã xác định được thân nhân của một số nạn nhân.
Tuy nhiên, cảnh sát cũng cho biết chưa có bằng chứng khẳng định cần thiết để trình các trường hợp này lên Cơ quan Pháp y Hoàng gia Anh xem xét, do đó hiện không thể chính thức xác định danh tính bất kỳ nạn nhân nào.
Cảnh sát hạt Essex của Anh đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Pháp y Hoàng gia Anh, Cơ quan Tội phạm quốc gia cùng Chính phủ Anh và Việt Nam trong quá trình điều tra và xác định danh tính các nạn nhân trong vụ phát hiện 39 thi thể trong xe tải đông lạnh.
Phóng viên thường trú TTXVN tại Anh đã phỏng vấn nhanh Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An sau tuyên bố trên của cảnh sát Essex.
Đại sứ Trần Ngọc An cho biết: "Mặc dù đã có sự chuẩn bị tinh thần cho những khả năng xấu nhất có thể xảy ra, nhưng khi chính thức nhận được thông tin do cảnh sát Anh thông báo thì chúng tôi cũng hết sức bàng hoàng, thương tiếc trước vụ việc. Một lần nữa chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành và sâu sắc đến gia đình các nạn nhân."
Đại sứ Trần Ngọc An khẳng định: "Đại sứ quán đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện vai trò đầu mối bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Anh và cơ quan chức năng Việt Nam để làm tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân. Cá nhân tôi đã có cuộc hội kiến với bà Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel ngày 1/11, và trong những ngày tới Đại sứ quán sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Anh trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và cảnh sát Anh để tiếp tục bàn phối hợp xử lý vụ việc."
Đại sứ cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc đêm ngày 23/10, dựa trên các nguồn tin từ các cơ quan chức năng và truyền thông sở tại, cũng như các thông tin từ cộng đồng dự cảm về khả năng có nạn nhân là người Việt, Đại sứ quán đã ngay lập tức lập một nhóm chuyên trách cùng với Đại sứ theo dõi sát sao vụ việc; trong đó có bộ phận trực đường dây nóng bảo hộ công dân luôn túc trực 24/24 giờ để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ cuộc gọi nào.
Trong những ngày qua, đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán (số điện thoại: +447713181501) đã nhận khoảng 300 cuộc gọi từ trong nước và nước ngoài cung cấp thông tin và đề nghị hỗ trợ tìm nạn nhân mất tích. Đó là chưa kể các cuộc gọi tới Tổng đài Bảo hộ công dân tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao qua số: +84981848484.
Trong tuyên bố của mình, cảnh sát Essex cho biết sẽ tiếp tục công tác điều tra và hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng trong thảm kịch này.
Cảnh sát Essex đồng thời bày tỏ chia buồn với các gia đình có người thân là nạn nhân trong vụ việc này.
Trước đó cùng ngày, lực lượng cảnh sát và toàn thể chính quyền địa phương hạt Essex đã tổ chức tưởng niệm các nạn nhân trong vụ việc.
Tại buổi tưởng niệm, ông Ben Julian Harrington, Cảnh sát trưởng hạt Essex, cam kết sẽ làm tất cả trong phạm vi quyền hạn của mình để tìm ra những kẻ buôn người đứng sau sự kiện bi thảm này, và mang lại công lý cho các nạn nhân cũng như người thân của họ.
Cảnh sát Essex đang khẩn trương truy lùng 2 đối tượng Ronan Hughes và Christopher Hughes, người Bắc Ireland, bị tình nghi liên quan đến vụ việc.
Trước đó 2 đối tượng Maurice Robinson, 25 tuổi, và Laurel Drive, đều ở Bắc Ireland, đã bị truy tố với 39 tội danh ngộ sát, âm mưu buôn người, âm mưu đưa người nhập cư trái phép và rửa tiền.
Lần đầu tiên truy tố, xử lý hình sự hành vi vi phạm ATTP
Đối tượng Bùi Văn Sáng bị tuyên phạt 18 tháng tù giam cho hành vi ngâm tẩm hóa chất củ cải, cà rốt bán ra thị trường.
Sáng 1/11, Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức, TPHCM đã tuyên phạt 18 tháng tù giam đối với Bùi Văn Sáng, đối tượng ngâm tẩm hóa chất hàng tấn củ cải, cà rốt bán ra thị trường.
Theo cáo trạng, Bùi Văn Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản, cung cấp cho chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TPHCM. Bị cáo đã cho nhân viên mua hóa chất sodium sulfate để ngâm, rửa củ cải. Mỗi ngày ngâm khoảng 7-8 tấn củ cải bán ra thị trường, thu lợi từ 3,5-4 triệu đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Sáng nhận thức được hành vi của mình gây nguy hại cho sức khỏe nhân dân nên đã tuyên mức 1 năm 6 tháng tù giam. Đây là mức án được người dân và dư luận đồng tình vì đủ sức răn đe và phòng ngừa sau này.
Cũng theo hồ sơ, tại thời điểm bị bắt quả tang vào tháng 4 năm 2018, Cơ quan công an thu giữ được 1,6 tấn củ cải và 1,5 tấn cà rốt đã được ngâm hóa chất, tổng giá trị là 11,8 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng tại TPHCM truy tố, xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; cho thấy bước chuyển quan trọng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe người dân.
Thông tin TPHCM bị “xóa sổ” vào năm 2050 chưa đủ căn cứ khoa học
Thông tin “vào năm 2050, TPHCM và ĐBSCL sẽ bị xoá sổ” là chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên các giả định cực đoan. Tuy nhiên, đây cũng là một thông điệp cần quan tâm để các phương án quy hoạch chú ý đến sự sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt do triều cường; từ đó đề xuất phương án hợp lý giải quyết vấn đề nước biển dâng cho ĐBSCL và TPHCM.
Mới đây, nghiên cứu của Scott A. Kulp & Benjamin H. Strauss đến từ Climate Central đăng trên tạp chí Nature Communications đã đưa ra những nhận định về nguy cơ ngập bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu cho các đồng bằng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể xóa sổ một số thành phố ven biển. Nghiên cứu chỉ ra, miền Nam Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL có thể biến mất trong vòng 30 năm tới. Khoảng 20 triệu dân sẽ ảnh hưởng nặng nề do nước biển tăng cao. Ngoài ra, phần lớn diện tích trung tâm kinh tế hàng đầu là TPHCM sẽ biến mất hoàn toàn.
Nhận định về những kết quả của nghiên cứu này, PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc quan tâm đúng mức đến nguy cơ mất đất do nước biển dâng ở khu vực ĐBSCL là hết sức cần thiết; tuy nhiên, nghiên cứu của Climate Central có nhiều điểm cần làm rõ.
Thứ nhất, trong nghiên cứu của Climate Centreal, số liệu địa hình ven biển được xây dựng trên cơ sở hiệu chỉnh sai số của STRM DEM (số liệu địa hình của NASA –NASA’s Shutter Radar Topography Mission, 2000). Thực tế, STRM DEM thường có sai số về độ cao lớn do bao gồm cả các lớp thực vật và nhà cửa. Vì vậy, bài báo đã hiệu chỉnh số liệu địa hình ven biển thông qua sử dụng số liệu địa hình Lidar tại Mỹ và mạng thần kinh nhân tạo MLP, sau đó áp dụng cho toàn cầu. Như vậy, nghiên cứu đã không hiệu chỉnh cho ĐBSCL nên số liệu địa hình trong nghiên cứu này chưa phản ánh đúng độ cao thực tế của khu vực.
Từ năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tại kịch bản này, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực ĐBSCL được lấy từ mô hình số địa hình kích thước ô lưới là 2 mx2 m của 13 tỉnh ĐBSCL do Cục Viễn thám Quốc gia thực hiện năm 2008 và Bản đồ số địa hình tỉ lệ 1:2.000 do dự án bay chụp Lidar của Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam thực hiện. Các số liệu này đều được quy chuẩn theo mốc quốc gia về bề mặt khu vực. Do vậy, có thể nói, số liệu trong nghiên cứu của Climate Central không chính xác bằng số liệu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng.
Thứ hai, trong nghiên cứu của Climate Central, các tác giả sử dụng kịch bản nước biển dâng 2 m kết hợp với triều cường trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập. Thực tế, đây là sự chồng chập của hai giả định rất cực đoan, nên tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ rủi ro rất cao. Hơn nữa, kết quả đưa ra sẽ không thể phân biệt ngập lụt do mực nước biển dâng vì biến đổi khí hậu (ngập vĩnh viễn) và nguyên nhân ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (chỉ trong vài giờ). Bên cạnh đó, kịch bản nước biển dâng 2 m không được đề xuất trong báo cáo Đánh giá lần thứ 5 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (AR5).
Trong Kịch bản BĐKH đã được công bố năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả xác định nguy cơ ngập ứng với mực nước dâng 100 cm (tương ứng với kịch bản RCP 8.5, đến năm 2100) như sau: Khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TPHCM, 38,9% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập; cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Nguy cơ ngập đối với quần đảo Trường Sa là không lớn. Quần đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn.
Thứ ba, trên thực tế, ĐBSCL hiện nay, có chỗ hạ, chỗ nâng đan xen, đặc biệt Long An, An Giang nâng lên rõ rệt. Khu vực Bạc Liêu theo nghiên cứu hạ nhiều nhất (nhưng trong hạ vẫn có nâng, tuy rất ít).
Trên cơ sở số liệu địa hình mới cập nhật (2019), Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tiến hành xây dựng kịch bản ngập cho tỉnh Bạc Liêu ứng với mực nước biển dâng 100 cm để thử nghiệm so sánh với kịch bản BĐKH năm 2016. Kết quả cho thấy không thay đổi nhiều so với kịch bản năm 2016, có khu vực diện tích nguy cơ ngập tăng, có khu vực lại giảm (mức ngập trong bản đồ năm 2016 và năm 2019 tương ứng là 48,6% và 49,1%).
Theo PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, nghiên cứu của Climate Central có ý nghĩa về mặt khoa học, tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, bản đồ số độ cao do Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng trong kịch bản năm 2016 là nguồn số liệu cập nhật và tốt nhất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng bản đồ nguy cơ ngập với kịch bản nước biển dâng 100 cm là mức cao trong trong kịch bản RCP 8.5 (kịch bản cao). Do vậy, các cơ quan, địa phương khi đánh giá nguy cơ ngập do nước biển dâng cần sử dụng số liệu chính thức do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng từ dữ liệu cập nhật này trong các kịch bản tới.
PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương nhận định, thông tin “vào năm 2050, TP.HCM và ĐBSCL sẽ bị xoá sổ” là chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên các giả định cực đoan. Tuy nhiên, đây cũng là một thông điệp cần quan tâm để khi xây dựng các phương án quy hoạch, các cơ quan thực hiện cần chú ý đến sự sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt do triều cường để đề xuất phương án hợp lý giải quyết vấn đề nước biển dâng cho ĐBSCL và TPHCM.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.