Tuần chuyển giao của 2 tháng cuối năm ghi nhận sự kiện “tưởng đã êm xuôi” thì bất ngờ nóng bỏng trong ngày thu phí trở lại, đó chính là BOT Cai Lậy – từ khóa đã “làm mưa làm gió” suốt một thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều thông tin quan trọng khác cũng “nóng” không kém, được Kinh tế nông thôn chọn lọc và tổng hợp để gửi tới bạn đọc.
BOT Cai Lậy liên tục xả cửa
9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000 đồng, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, chưa tròn một ngày đêm qua, trạm BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả cửa trước "chiến thuật" đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng của tài xế. Ngay cả khi trạm chuẩn bị tiền mệnh giá 100 đồng để trả lại, thì vẫn không thể “trụ vững” trước những thắc mắc của tài xế khiến trạm liên tục xả cửa. Đến hết ngày 2/12, trạm đã xả cửa lần thứ 10. Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến các tài xế kiên quyết phản đối Trạm thu phí BOT Cai Lậy?
Tài xế tiếp tục trả tiền lẻ khi qua trạm BOT Cai Lậy.
Ngay cả khi Bộ GTVT đã có kết luận rằng trạm BOT đặt “không sai” thì nó vẫn rất khó thuyết phục được cánh tài xế xét từ góc độ luật pháp. Pháp luật Việt Nam quy định rằng việc thống nhất giá thu ở trạm BOT cần phải có sự đồng thuận của UBND các tỉnh đặt trạm BOT. Trong trường hợp của Cai Lậy, trả lời báo chí tại cao điểm của xung đột BOT, thì chính phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã thừa nhận rằng cơ quan này không đồng tình với vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy và đã phản ánh ý kiến của cử tri lên cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT thì lại khẳng định họ chưa nhận được một ý kiến nào từ phía tỉnh(!?).
Nhiều người đánh giá đây là kẽ hở chính sách cho việc mọc lên như nấm các trạm thu phí BOT như hiện nay. Nhưng vấn đề không phải là trạm thu phí nhiều hay ít mà người dân có bao nhiêu quyền quyết định trong việc xây dựng các trạm thu phí. Giá mà luật đã quy định cụ thể và chi tiết hơn rằng trước khi quyết định, các Bộ và UBND cần phải tham khảo ý kiến của cử tri và những đối tượng bị tác động trực tiếp khi trạm thu phí được hình thành, thì có lẽ việc thu phí đã minh bạch và dễ chấp nhận hơn.
Thiết nghĩ, giải pháp đúng đắn nhất hiện nay cho lực lượng cảnh sát đó chính là tiếp tục quan sát, theo dõi diễn tiến ở BOT Cai Lậy và can thiệp khi có dấu hiệu bạo lực, gây rối xảy ra, đồng thời yêu cầu trạm BOT xả trạm đúng quy định của pháp luật. Đó là việc làm trước mắt trong thời gian chờ cho cái gốc của xung đột tại BOT Cai Lậy được giải quyết rốt ráo.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề BOT Cai Lậy và tháo ngòi cho những xung đột khác, đã đến lúc cần có một cuộc thanh tra toàn diện và khách quan về trạm BOT này và các bên cần tiến hành ngồi lại, đàm phán với nhau để tìm lối ra. Việc các tài xế hiện nay đồng lòng phản đối với những cách thức rất bài bản chứng tỏ rằng họ không phải là những cá nhân riêng lẻ.
Chính quyền thực sự cần đứng ra làm trọng tài, trung gian cho một cuộc đối thoại giữa hai bên nhằm tìm lối ra. Sau chót thì những đồng tiền lẻ ngày hôm nay mà giới tài xế đang sử dụng nên được tôn trọng như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhất của người dân rằng họ mới chính là những chủ nhân thực sự của các con đường trên khắp đất nước này chứ không phải là nhà đầu tư.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện. "Không để kéo dài tình trạng này", Thủ tướng nêu rõ.
Những tỉnh dưới 800.000 dân đều có thể sáp nhập
Vấn đề hợp nhất đơn vị hành chính, hay các bộ tương đồng để tinh giản biên chế, bộ máy là vấn đề luôn được quan tâm trong thời gian qua. Về việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đồng Tháp cho rằng, để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước, có thể xem xét, đưa ra lộ trình sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng, và có thể sáp nhập những tỉnh dân số thấp.
Theo quan điểm của ông Hòa, những tỉnh nào có dân số thấp, từ 700.000 – 800.000 người trở xuống đều có thể tính toán sáp nhập. Việc sáp nhập tỉnh nên được triển khai trước so với việc sáp nhập các bộ tương đồng. Chủ trương sáp nhập tỉnh, có thể dựa trên những kết quả, kinh nghiệm từ việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội sau 10 năm.
Theo Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, dân số lớn như vậy nhưng vẫn hoạt động hiệu quả, không lý do gì các tỉnh khác lại không. Tất nhiên khi sáp nhập cũng có những phần khó khăn nhất định, như về vấn đề nhân sự, bộ máy, nhưng có thể khắc phục được.
Theo tính toán của ông Phạm Văn Hòa, nếu dựa vào tiêu chí dân số, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp.
Theo đại biểu, số tiền tiết kiệm từ chi thường xuyên sau sáp nhập, có thể dùng để phục vụ cho an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém, như thế là người dân hưởng lợi
Chính phủ không chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ
Thời gian qua, việc đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trên cộng đồng mạng.
PGS.TS Bùi Hiền, người đề xuất viết "giáo dục" thành "záo zụk", cho biết việc cải tiến chữ viết không chỉ giúp người học dễ nhớ mà còn góp phần tiết kiệm 8% giấy.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của ông Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Dưới góc độ chuyên môn, một số chuyên gia ngôn ngữ nêu quan điểm đổi mới là cần thiết nhưng đối với chữ viết, sự ổn định là cần thiết hơn. Bởi vì, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa. Bên cạnh đó, việc thay đổi chữ viết sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề khác và có tác động không nhỏ đến xã hội.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ và Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.
“Bộ GD&ĐT sẽ không sử dụng đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - đưa ra vào tháng 9 vừa qua tại hội thảo "Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển" - Đây là khẳng định của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước đây, một số nhà khoa học đề xuất cải tiến tiếng Việt. Tuy nhiên, việc này là không thể vì rất tốn kém, trong khi không có tác động lớn.
Ngày 2/12, Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 15 công bố quyết định kỷ luật nhiều cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý, trong đó có nhiều trường hợp cách hết các chức vụ trong Đảng.
Ông Trần Trung Dũng - Phó ban Tổ chức Thành ủy, nguyên Thành ủy viên nhiệm kỳ 2010-2015, nguyên Bí thư Đảng ủy Sở LĐTB&XH (từ 9/2014 đến 2/2016), nguyên Giám đốc Sở (từ 6/2012 đến 2/2016) nhận kỷ luật cảnh cáo.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Huỳnh Tấn Dũng - Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH.
Bà Nguyễn Thị Tím - Phó Bí thư Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối (nhiệm kỳ 2015-2020) bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Bà bị cho sai phạm nghiêm trọng trong tham mưu, sai quy định nghiệp vụ tài chính gây thất thoát kinh phí của đơn vị.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo được áp dụng đối với bà Mai Thị Thu Thủy (nguyên Bí thư Đảng ủy Khối), ông Phan Trung Dương (nguyên quyền Bí thư Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2010-2015) và bà Nguyễn Thị Hương Xuân (đảng viên dự bị thuộc Chi bộ cơ quan Đảng ủy Khối, thủ quỹ Đảng ủy Khối).
Ông Lê Văn Quang, Bí thư Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2015-2020 bị khiển trách.
Ba cán bộ chủ chốt của Ban Thường vụ Đảng ủy khối cơ sở Bộ Xây dựng tại TP HCM bị kết luận vi phạm trong việc xây dựng và thực hiện các quy chế của Đảng bộ Khối; sử dụng tài chính, tài sản... gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, ông Nguyễn Đức Dũng (Bí thư Đảng ủy Khối) và bà Nguyễn Thị Bình Sơn (Phó Chánh Văn phòng, Kế toán trưởng cơ quan Đảng ủy Khối) bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; ông Nguyễn Phong Nhật (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối) bị cảnh cáo.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng tại TP HCM bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục các vi phạm.
Danh Hùng (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.