Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 2 năm 2018 | 9:23

Sự kiện 24/7: Cả nước tưng bừng đón Xuân

Tuần qua người dân cả 3 miền đất nước vui mừng chào đón Xuân Mậu Tuất 2018. Khắp nơi, không khí rộn ràng của ngày xuân hiện diện thông qua rất nhiều các hoạt động: bắn pháo hoa đêm giao thừa, hái lộc, đi chùa đầu năm và tham gia các lễ hội…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những thông tin không vui về khi số vụ tai nạn giao thông trong ngày Tết tăng vọt.


10 lễ hội đầu xuân không thể bỏ qua tại miền Bắc


Hội Gò Đống Đa

Lễ hội gò Đống Đa khai hội ngày mùng 5 Tết.
Lễ hội gò Đống Đa khai hội ngày mùng 5 Tết.

 


Hội diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán tại Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.


Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.


Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ.


Lễ hội chùa Hương


Đây là lễ hội thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân cả nước mỗi dịp Xuân về. Theo thông lệ, ngày khai hội từ mồng 6 âm lịch và kéo dài hết tháng 3, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.


Trong những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng ngàn thuyền khách. Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật, mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.


Lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh


Việc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn.


Năm nay, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong 3 ngày mồng 8, 9, 10 tháng Giêng với các chương trình lễ hội như: các trò chơi dân gian, chợ quê ẩm thực...


Đặc biệt, vào ngày chính hội, mồng 10 tháng Giêng, sẽ diễn ra Lễ đón nhận Bằng Tục thờ Tản Viên Sơn thánh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, khai hội Tản Viên Sơn Thánh.
Buổi lễ được tổ chức tại di tích lịch sử văn hóa đền Hạ, xã Minh Quang; tổ chức dâng hương tại di tích đền Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ.


Lễ họi Tịch điền Đọi Sơn


Diễn ra từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng, lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành.


Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội Tịch Điền được khôi phục năm 2009 vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch.


Phần lễ gồm lễ cáo yết xin thành hoàng cho mở lễ hội tại Đình Đọi Tam, Lễ rước nước, Lễ Sái tịnh tại khu vực Đàn tế Thần nông, Lễ cầu an, Lễ Rước kiệu và Lễ Tịch Điền.


Lễ hội đền Gióng


Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời.


Lễ hội diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.


Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hóa theo truyền thuyết. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Thượng (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.


Lễ hội chợ Viềng


Chợ Viềng diễn ra vào nửa đêm, nhưng từ chiều mùng 7 tháng giêng hàng năm, du khách các nơi lại nườm nượp đổ về hội chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may.


Ngoài chợ Viềng, các du khách còn được trẩy hội Phủ Dày vào mồng 8 tháng Giêng. Phủ Dày là một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong "tứ bất tử" ở Việt Nam.


Lễ hội Yên Tử


Lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.
Năm nay, lần đầu tiên lễ khai hội được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm thuộc dự án Khu trung tâm lễ hội Yên Tử.


Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội Yên Tử còn có Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội đền, chùa Hang Son, Lễ hội khai xuân chùa Ba Vàng…


Lễ hội Lim


Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du.
Lễ hội có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương.
Trong những ngày lễ, nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm được tổ chức. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội.


Khai ấn đền Trần


Lễ hội diễn ra tại đền Trần - Nam Định, là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm, diễn ra từ ngày 11-16 tháng giêng.


Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng giêng, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật...


Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.


Lễ hội Bà Chúa Kho


Khai hội vào ngày 14 tháng giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) luôn chật kín người.


Đa số người làm ăn đến hành lễ “vay vốn” đền Bà Chúa Kho với mong muốn cầu cho công việc trong năm mới được suôn sẻ, phát đạt.


Để lời cầu xin được đến tai bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ.


Tàu không số cuối cùng được công nhận bảo vật quốc gia


Tàu HQ671 góp phần làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa.


Cuối năm 2017, tàu vận tải quân sự số hiệu HQ671 là một trong 24 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. Con tàu còn có tên khác là C41, 641, được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân (Hải Phòng).


Tàu dài 31,5m, rộng 5,8m, cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn, là loại tàu Quảng Châu (trọng tải 50 tấn) do Trung Quốc sản xuất năm 1962, viện trợ cho Hải quân Việt Nam năm 1964. Vỏ tàu sơn màu xám bạc, mặt boong sơn màu xanh lá cây, phía mũi tàu in số hiệu HQ671 màu trắng.

Tàu không số cuối cùng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tàu không số cuối cùng được công nhận là bảo vật quốc gia.


Giám đốc Bảo tàng Hải quân, trung tá Hoàng Phi Hà cho biết, HQ671 là tàu duy nhất còn lại của Đoàn tàu “không số” - lực lượng vận tải anh hùng đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Quá trình tìm hiểu và xác minh, Bảo tàng đã tìm gặp những cựu binh từng là thuyền trưởng, máy trưởng, chiến sĩ làm việc trên tàu HQ671. Các nhân chứng đều khẳng định đây là con tàu C41, 641, là hiện vật có giá trị đặc biệt, bảo vật có ý nghĩa không chỉ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả quốc gia, dân tộc.


Theo ông Hà, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ671 (C41 và 641) đồng thời cũng là thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng công tác trên tàu 41, tham gia vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Trong đó, có chuyến đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển tháng 10/1962. Vì vậy, thành tích của đội tàu HQ671 lá sự tổng hợp, tiếp nối và phát huy những chiến công của đội tàu 41.


4 ngày nghỉ tết, tai nạn giao thông làm chết 121 người, bị thương 120


Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết từ 7h ngày 16- 2 đến 7h ngày 17-2 tức từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2 Tết Mậu Tuất, cả nước xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông, làm 34 người chết, 36 người bị thương.


Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định: sau 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, cả nước xảy ra 155 vụ, làm chết 121 người, 120 người bị thương.

Xe cháy trên đèo chiều 30 Tết.
Xe cháy trên đèo chiều 30 Tết.


Đặc biệt, tai nạn giao thông tăng cao, liên tục trong 3 ngày từ 30 đến mùng 2. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy; đối tượng xảy ra tai nạn giao thông phần lớn là người đi môtô, xe gắn máy; khu vực xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị; các lực lượng chức năng còn có dấu hiệu nể nang, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm…


Từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2 tết, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ các địa phương đã tổ chức 5.808 lượt tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ; phát hiện, xử lý 1.545 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 413 triệu đồng, tạm giữ 746 phương tiện vi phạm, 242 giấy tờ các loại, tước 67 giấy phép lái xe.


Tổ chức 48 lượt tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường thuỷ; phát hiện, xử lý 06 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 3,6 triệu đồng.


Phó Thủ tướng yêu cầu trạm BOT phải xả trạm nếu ùn tắc 700m


Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, trong ngày mùng 3 Tết Mậu Tuất 2018, cả nước đã xảy ra 47 vụ TNGT, trong đó có 32 vụ tai nạn,15 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm chết 34 người, 29 người bị thương.


Như vậy, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán từ 14-2 tới 18-2 (tức ngày 28 tới mùng 3 Tết), toàn quốc xảy ra 202 vụ, làm chết 155 người, 149 người bị thương. Trung bình mỗi ngày có 31 người chết (tăng 2 người so với đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2017).

Các trạm BOT sẽ xả trạm nếu ùn tắc 700m trong dịp Tết Mậu Tuất.
Các trạm BOT sẽ xả trạm nếu ùn tắc 700m trong dịp Tết Mậu Tuất.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do các hành vi vi phạm quy định về TTATGT khi tham gia giao thông như: lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; vượt đèn đỏ; chở quá số người quy định; các vụ TNGT phần lớn liên quan đến người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; TNGT chủ yếu xảy ra tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị; các lực lượng chức năng còn có biểu hiện nể nang, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm.


Theo đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các ngày cao điểm còn lại của Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội xuân 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành và Ban ATGT tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã) và lực lược thanh tra giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không nể nang, không xuê xoa.


Những vi phạm bao gồm: vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, tăng giá vé sai quy định; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện, đường giao thông nông thôn. Bố trí lực lượng, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn cho nhân dân trở về thành phố khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; đặc biệt là các tuyến giao thông hướng về Thủ đô Hà Nội, TP. HCM, các khu vực giao thông trọng điểm phức tạp như cảng hàng không, nhà ga, bến xe; xử lý điều tiết, khắc phục kịp thời khi có sự cố, TNGT, không để ùn tắc giao thông kéo dài.


Bên cạnh đó, ngành GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không; ứng trực 24/7 để kịp thời xử lý những phản án của người dân về vi phạm trật tự an toàn giao thông, tình hình ùn tắc giao thông qua đường dây nóng; yêu cầu các trạm thu phí khi có phương tiện ùn tắc dài hơn 700 m phải xả trạm cho phương tiện lưu thông.

 

 

Danh Hùng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top