Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 8 năm 2019 | 13:46

Sự kiện 24/7: Cấm bay 12 tháng nữ công an lăng mạ nhân viên hàng không

Sáng 24/8, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 12 tháng đối với nữ đại úy công an quận Đống Đa (Hà Nội) lăng mạ nhân viên hàng không.

le-thi-hien.jpg

Cụ thể, nữ hành khách Lê Thị Hiền bị cấm bay 12 tháng, tính từ ngày 27/8/2019 đến hết ngày 26/8/2020. Sau thời hạn cấm bay, nếu có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, bà Hiền phải chịu sự kiểm tra trực quan bắt buộc 12 tháng tiếp theo tính từ ngày 27/8/2020 đến hết ngày 26/8/2021.

Các hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam không được vận chuyển bà Lê Thị Hiền theo thời hạn nêu trên.

Trước đó, ngày 22/8 trên mạng xã hội xuất hiện clip một khách nữ chửi bới thậm tệ nhân viên hàng không tại quầy làm thủ tục hành lý và chống đối lực lượng an ninh hàng không ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hình ảnh clip được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nữ hành khách này liên tục thóa mạ nữ nhân viên làm thủ tục và cho rằng đã "năn nỉ rồi mà không cho" nên phải thái độ như thế.

Sự việc xảy ra trong quá trình hành khách đang làm thủ tục check-in tại quầy thủ tục A - Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất từ hôm 11/8.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ giấy tờ về nhân thân của hành khách sử dụng đi tàu bay để phát hiện, ngăn chặn kịp thời bà Lê Thị Hiền và kiểm tra trực quan bắt buộc.

Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam thông báo bằng văn bản đến công an, hải quan cửa khẩu hàng không và các hãng hàng không nước ngoài thuộc địa bàn quản lý để biết và thực hiện; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.

Phủ sóng hơn 10.000 camera giám sát trên toàn TP.HCM

Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM vừa trình đề án lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên địa bàn TP từ nay đến năm 2025.

 

camera.jpg

Đội ngũ chuyên gia làm việc trong quá trình xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

 

Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM Lê Quốc Cường vừa ký tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành đề án Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung.  

Dự kiến tại các tuyến đường, đặc biệt tại những khu vực trọng điểm sẽ được lắp camera, kết nối đồng bộ và phân quyền quản lý theo từng cấp độ. Tổng cộng có khoảng 10.000 camera sẽ được lắp đặt trong vòng 5 năm tới.

Hệ thống quản lý camera này có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Thông tin về vị trí, tọa độ từng camera được quản lý trên bản đồ số cho phép truy xuất hình ảnh camera theo khu vực và địa chỉ cụ thể.

Hiện tại toàn TP có gần 1.000 camera giao thông của Sở Giao thông vận tải và các đơn vị khác. Trung bình cứ khoảng 7km mới có một camera giám sát giao thông. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, trong quá trình thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, một số quận huyện cũng triển khai việc kết nối hệ thống camera trong từng khu dân cư, các tuyến đường và đạt được một số hiệu quả.

Chẳng hạn như quận 1 tích hợp hệ thống camera ở địa bàn dân cư và công an 10 phường với tổng cộng 750 camera. Trong hơn 1 năm thí điểm đã hỗ trợ tốt cho quận trong chỉ đạo, điều hành, xử lý các tình huống phát sinh, chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Quận 12 đã xây dựng trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh đặt tại trụ sở công an quận. Trung tâm này tích hợp 600 camera hiện hữu tại các khu dân cư. Hiện quận 12 đang triển khai giai đoạn 2: sẽ lắp đặt tiếp 287 camera tại 161 điểm nóng, vị trí trọng điểm và 14 giao lộ cần giám sát.

Tuy nhiên nhìn chung, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên địa bàn TP còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch rõ ràng, tính kết nối chưa cao. Do đó cần một đề án quy hoạch tổng thể có tính đồng bộ trên phạm vi toàn TP để phát huy hiệu quả cao nhất.

Đề xuất cấp 3.200 tỷ đồng xóa lối đi tự mở, tách cầu chung đường bộ đường sắt

 

duong-sat.jpg

Các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông

 

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT bố trí 2.500 tỷ để làm hàng rào, đường gom xóa bỏ lối đi tự mở, đồng thời bố trí 800 tỷ đồng để tách cầu chung đường bộ và đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ năm 2012 đơn bị đã triển khai các dự án xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở. Tuy nhiên, do thiếu vốn, một số dự án đang thi công dở dang phải dừng lại, trong đó còn 27,96 km đường gom và 17,3 km hàng rào cách ly thuộc các dự án công trình khẩn cấp giai đoạn 2 và 321 km thuộc dự án xây dựng hàng rào, đường gom (phần bổ sung) giai đoạn 3.

Năm 2018, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã hoàn thành lập đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Theo đề án, Cục đã rà soát, phân loại, sắp xếp, đưa cả danh mục của các dự án đã và đang triển khai thi công dở dang trước đây vì thiếu vốn; kiến nghị xây dựng 673 km đường gom, hàng rào cách ly để đóng 2.983 lối đi tự mở qua đường sắt.

Trên cơ sở đề án, Tổng công ty Đường sắt kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ bố trí kinh phí theo Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại hành lang đảm bảo an toàn giao thông đường sắt để đầu tư dự án trên nhằm thực hiện mục tiêu từ nay đến 2025 đóng hoàn toàn các lối đi tự mở. Kinh phí dự kiến 2.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2020-2025.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho Báo Giao thông biết, dự kiến thực hiện đầu tư cụ thể như sau: Từ năm 2021-2022 thực hiện 168 km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 1, nhóm ưu tiên 2) với kinh phí dự kiến 672 tỷ đồng; từ năm 2023-2025, hoàn thành 469 km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 3, nhóm ưu tiên 4) với kinh phí dự kiến 1.876 tỷ đồng.

Cùng với việc đề xuất cấp vốn để xoa lối đi tự mở, Tổng công ty Đường sắt cũng kiến nghị Nhà nước bố trí 800 tỷ để triển khai dự án tách cầu chung đường bộ - đường sắt.

Lãnh đạo đơn vị này cho biết, các cầu chung đường bộ - đường sắt hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao do đã xuống cấp vì đều được xây dựng cách đây mấy chục năm, lại phải chịu tải trọng quá mức do thường xuyên có xe tải trọng lớn đi qua. Mặt khác, việc đảm bảo an toàn giao thông giữa tàu và các phương tiện giao thông khác khi sử dụng chung cùng một mặt cầu, ngoài các thiết bị tín hiệu, còn phụ thuộc lớn vào nhân viên gác cầu.

Trước năm 2014, Tổng công ty Đường sắt đã hoàn thành công tác khảo sát, lập phương án đầu tư dự án xây dựng cầu để tách cầu đường bộ khỏi cầu chung đường sắt. Đến tháng 8/2014, Bộ GTVT đã có kế hoạch triển khai, trong đó yêu cầu tiến độ thực hiện trong 3 năm 2014-2016. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không thể triển khai do không được bố trí vốn.

Trước nguy cơ mất an toàn giao thông cao tại các cầu chung này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí theo Quyết định 994 để triển khai thực hiện hoàn thành dự án trên.

Dự kiến quy mô dự án gồm: Xây dựng cầu đường bộ Lục Nam; xây dựng phương án kết nối giao thông với đường bộ đối với 3 cầu Bắc Giang, Chung Lu và Long Đại. Tổng kinh phí dự kiến là 800 tỷ đồng, từ nguồn vốn phù hợp để có thể triển khai ngay dự án. Trong khi chờ bố trí nguồn vốn, Tổng công ty đề xuất Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2020-2025.

Dự kiến tiến độ thực hiện trong 2 năm kể từ khi bố trí được nguồn vốn phù hợp.  

Biên chế công chức năm 2020 là bao nhiêu?

Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2020 là 251.135 biên chế. Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1066/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2020 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 253.517 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 251.135 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 108.368 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 142.767 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.

Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top