Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 6 năm 2019 | 15:11

Sự kiện 24/7: Cấp bách xử lý xâm nhập mặn, sụt lún tại ĐBSCL

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để ứng phó với lũ lụt, xâm nhập mặn, sụt lún tại ĐBSCL, Bộ đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xâm nhập mặn, biến động bùn cát, hải văn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 120, Kế hoạch hành động đã được ban hành, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát tại ĐBSCL.

 

247.jpg

Cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng ĐBSCL (chi tiết đến cấp xã)

 

Sau khi ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, để xử lý vấn đề cấp bách, có ý nghĩa “sống-còn” với ĐBSCL là sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg hỗ trợ vốn cho các địa phương thuộc vùng ĐBSCL 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, dẫn đến việc còn 3 tỉnh, thành phố chưa triển khai thi công xây lắp. Một số tỉnh đã triển khai cũng gặp vướng mắc. Ví dụ như theo báo cáo của Cà Mau, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình; đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29.000 m; các tuyến kè giảm sóng đã tạo được bãi bồi phía trong tuyến kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân, cơ chế gây ra sạt lở để có giải pháp tổng thể phù hợp chưa được làm rõ; một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả nhưng suất đầu tư còn tương đối cao, bình quân 20 tỷ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như: Xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún. Kết quả, mùa mưa lũ 2018 không gây thiệt hại về người do thiên tai.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để ứng phó với lũ lụt, xâm nhập mặn, sụt lún tại ĐBSCL, Bộ đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xâm nhập mặn, biến động bùn cát, hải văn. Trong đó, đặc biệt đầu tư tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Mạng lưới quan trắc gồm 29 trạm khí tượng thủy văn, 182 trạm thủy văn, 131 điểm đo mưa tự động. Cụ thể: trạm radar thời tiết Nhà Bè đã đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai như mưa lớn, dông, lốc ở khu vực Nam Bộ. Tần suất dự báo lũ từ 3 ngày cung cấp 1 bản tin lên 1 ngày cung cấp một bản tin (bản tin dự báo lũ hàng ngày) chi tiết cho 66 vị trí trạm khi lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức cao; cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo khô hạn, xâm nhập mặn 10 ngày một bản tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, hệ thống cụm tuyến dân cư vượt lũ và công trình kiểm soát lũ đã giúp người dân chủ động sống chung với lũ, khai thác được tối đa hiệu quả từ lũ và giảm thiểu thiệt hại. Việc dự báo lũ, mặn kịp thời, chính xác sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác chủ động ứng phó và điều chỉnh mùa vụ sản xuất.

Điều tra làm rõ việc báo chí phản ánh Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc báo chí phản ánh Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” trong quá trình thanh tra.

Cụ thể, báo chí phản ánh về vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản, tạm giữ về hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/8/2019.

Tín hiệu tích cực từ vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi

Bước đầu thử nghiệm vaccine vô hoạt phòng chống dịch tả lợn châu Phi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy hiện đàn lợn được tiêm vẫn khỏe mạnh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Học viện, và đề nghị các doanh nghiệp sớm vào cuộc cùng Học viện thương mại hóa vaccine sớm nhất.

 

2471.jpg

Tại cuộc họp về dịch tả lợn châu Phi chiều ngày 13/6 tại Bộ NN&PTNT, GS.TS. Nguyễn Thị Lan,  Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, quá trình thử nghiệm bước đầu, loại vaccine vô hoạt phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi cho kết quả khả quan.

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, trong bối cảnh thế giới nghiên cứu cả trăm năm nhưng chưa có kết quả, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vaccine được đánh giá là vô cùng mạo hiểm, nhưng đây không phải là việc của riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam mà còn vì trách nhiệm với ngành nông nghiệp, với đất nước. "Chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đến nửa năm, với tinh thần quyết tâm, huy động mọi nguồn lực, chúng tôi đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan", bà Lan nói.

Theo đó, chỉ sau gần nửa năm, nhóm nghiên cứu của Học viện đã nghiên cứu, chế tạo được loại vaccine vô hoạt phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Phan triển khai.

"Bước đầu thử nghiệm ở quy mô thí nghiệm cho thấy kết quả tích cực, đàn lợn được tiêm vacvine vẫn tồn tại khỏe mạnh", bà Lan thông báo kết quả. Tuy nhiên, theo bà Lan, đây là kết quả bước đầu, để có  thể nghiên cứu, thương mại hóa vaccine cần sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp lớn.

Theo thống kê, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 9/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.980 xã, 407 huyện của 55 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 2.490.449 con với trọng lượng là 147.260 tấn. Thời gian qua, đã có 55 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó phát sinh lợn bệnh.

Tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ (có tổng đàn lợn khoảng 3,4 triệu con). Dịch bệnh xảy ra tại 50 xã, 14 huyện, 4 tỉnh, thành phố (Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM), tiêu hủy 16.960 con, trọng lượng 909 tấn. Còn 2 tỉnh:  Bà Rịa-Vũng Tàu và Tây Ninh chưa có dịch.

Tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (có tổng đàn lợn khoảng 3,2 triệu con): Dịch bệnh xảy ra tại 191 xã, 63 huyện, 11 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 9.995 con, trọng lượng 916 tấn. Còn 2 tỉnh Long An và Bến Tre chưa có dịch.

Do mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đến nay Việt Nam đã có trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có những văn bản quan trọng của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT… bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có những tín hiệu tích cực bước đầu trong nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Rơi máy bay ở Khánh Hòa, 2 phi công tử nạn

Thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết lúc 09 giờ 10 phút ngày 14/6, máy bay IAK-52 mang số hiệu 09 của Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan không quân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức bay huấn luyện.

 

2472.jpg

Sau khi hoàn thành bài bay, trên đường trở về, máy bay mất liên lạc với Sở chỉ huy lúc 09 giờ 35 phút.

Đơn vị đã khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm, phát hiện và tiếp cận máy bay rơi tại địa điểm chân Đập Suối Dầu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nơi máy bay rơi cách xa khu dân cư, nên không gây thiệt hại về sản xuất, tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh. Đó là Đại úy Lê Xuân Trường, Biên đội trưởng, Phi đội 1, Trung đoàn 920 hy sinh trong buồng lái; Trung sỹ Đào Văn Long, Học viên bay, hy sinh trên đường cấp cứu.

Hiện Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bàn nhanh chóng khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên gia đình và giải quyết chính sách đối với 2 phi công hy sinh.

Đề xuất ghi hình người xả rác bừa bãi tại 85 điểm ở Hà Nội

Ngày 15/6, ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc Công ty môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, sau một tháng thí điểm ghi hình người xả rác tại phố đi bộ Hồ Gươm, đơn vị đã đề nghị các quận cho nhân rộng mô hình này tại khu vực nội thành.

 

2473.jpg

"Việc bố trí các nhân viên môi trường nhắc nhở, ghi hình người xả rác gửi cơ quan chức năng đã nâng cao ý thức của mọi người. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài vì các nhân viên không thể luôn ở ngoài đường để bao quát hết", ông Tiến nói và thông tin thêm, đơn vị đã đề nghị các quận lắp hệ thống camera cố định để xóa "điểm đen" về tình trạng xả rác bừa bãi.

Theo thống kê của Urenco, nội thành Hà Nội có 85 điểm thường bị người dân xả rác bừa bãi, để rác không đúng giờ gây ô nhiễm môi trường, như một số điểm ở phố đi bộ Hồ Gươm, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), khu vực cổng làng Mễ Trì, đại lộ Thăng Long đoạn gần Trung tâm hội nghị quốc gia...

Trước mắt, Urenco đã mở rộng việc ghi hình xả rác ở khu vực gần Trung tâm Hội nghị quốc gia; đặt biển cảnh báo xử phạt tại phố Bạch Mai.

Ông Trần Văn Khải - Phó giám đốc Urenco chi nhánh Cầu Diễn (đơn vị duy trì vệ sinh đại lộ Thăng Long) cho biết, nhân viên môi trường đã đứng chốt tại một số điểm để nhắc nhở người dân và ghi hình nhưng đơn vị chưa đề nghị chính quyền xử phạt trường hợp nào; hầu hết mọi người khi nhìn thấy biển báo đều không vứt rác ra đường.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top