Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 10 năm 2018 | 15:34

Sự kiện 24/7: Cử tri kiến nghị QH cần có nghị quyết về Thủ Thiêm

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin TP yêu cầu những cá nhân liên quan đến sai phạm tại Thủ Thiêm trong tháng 11 phải kiểm điểm, mức độ đến đâu xử lý đến đó.

ntn.jpg

Ngày 20/10, Tổ ĐBQH đơn vị số 7 tiếp xúc cử tri quận 2 tại Nhà Thiếu nhi quận 2. Rất nhiều người dân quận 2, TP HCM đã đến từ sớm bởi muốn được trao đổi với các ĐBQH về các vấn đề nóng, nhất là Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Cao Thanh Ca (phường Bình Khánh) cho biết ông được rất nhiều cử tri ủy quyền để phát biểu hôm nay. "Bao nhiêu niềm tin, chúng tôi gửi hết cho Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Chúng tôi kiến nghị các ĐBQH cần đưa vụ việc KĐTMTT vào chương trình nghị sự của Quốc hội đợt này. Phải có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề của Thủ Thiêm”. 

Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết (phường Bình Trưng Tây) đề nghị TP cần thu hồi đất của 51 dự án trong khu 160 ha được quy hoạch làm khu tái định cư để trả đất lại cho người dân. Vấn đề này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngoài ra, bà Tuyết đề nghị thanh tra 4 tuyến đường nghìn tỉ trong KĐTMTT.

Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong 5 tháng vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP đã họp 6 lần chỉ để tìm cách giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Ngày 13-7, Ban Thường vụ họp lần 4 và quyết định thành lập tổ công tác để bàn lộ trình giải quyết. TP xác định có 4 việc phải làm: Xác định nhà đất trong ranh, ngoài ranh của khu phố 1, phường Bình An; Bàn cách giải quyết những khiếu nại của người dân về chính sách đền bù và hiện trạng sử dụng đất; Đối với các hộ không khiếu nại hiện trạng nhưng chưa đồng tình chính sách đền bù thì tiếp tục làm rõ, vận dụng tối đa chính sách để có lợi cho người dân và hiện TP đang làm; Với bà con đã giao đất và đi nơi khác rồi nhưng còn băn khoăn thì TP vẫn lắng nghe.

"Tôi đã nhận 127 đơn của bà con và đều có thông báo trả lời đơn, nếu bà con nói còn 5 đơn chưa trả lời thì tôi sẽ kiểm tra lại và trả lời bà con. Tôi vẫn nhận đơn, nếu bà con nào còn thắc mắc, khiếu nại thì cứ gửi đơn" – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thông tin thêm TP yêu cầu những cá nhân liên quan trong tháng 11 phải kiểm điểm, mức độ đến đâu xử lý đến đó. “Tôi khẳng định là Thường vụ Thành uỷ, UBND TP thấy được trách nhiệm của cán bộ qua các thời kỳ. TP sẽ yêu cầu những cá nhân liên quan đến việc thực hiện không đúng quy định pháp luật về quy hoạch, đền bù, tái định cư phải làm kiểm điểm trong tháng 11 này, sai đến mức độ nào sẽ xử lý đến đó”- Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đồng thời cho biết quá trình kiểm điểm, TP sẽ không làm một mình mà sẽ có Thanh tra Chính phủ cùng tham gia.

Tinh giản biên chế hơn 12.400 người trong 3 năm

Theo Bộ Nội vụ, vấn đề tinh giảm biên chế trong 3 năm (2016, 2017, 2018) biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ T.Ư đến cấp huyện giảm 12.434 người (4,6%) so với số giao năm 2015.

Biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2019 giảm 5.458 so với năm 2018.

Về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế sự nghiệp), Bộ Nội vụ đã giao số lượng người làm việc năm 2018 đối với 18 bộ, cơ quan ngang bộ, giảm được 16.531 người so với năm 2015.

Bộ này cũng cho hay đã thẩm định xong số lượng người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000 trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2018 đối với 62 tỉnh, giảm được 57.361 người so với tổng số lượng người làm việc được HĐND phê duyệt năm 2015 và Bộ Nội vụ thẩm định, bổ sung năm 2016, 2017.

Tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 24.9.2018 là 40.118 người, trong đó các cơ quan Đảng, đoàn thể giảm 1.680 người (4,19%); các cơ quan hành chính giảm 4.767 người (11,88%); các đơn vị sự nghiệp công lập 27.274 người (67,99%); cán bộ, công chức cấp xã là 6.183 người (15,41%); doanh nghiệp nhà nước 198 người (0,49%); hội 16 người (0,04%).

Cán bộ đầu tiên của Đà Nẵng nghỉ hưu trước tuổi đã được hỗ trợ 160 triệu đồng

 

dn.jpg

Ông Lê Văn Quang - nguyên Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP (ngoài cùng, bên trái) là cán bộ xin nghỉ trước tuổi hưu đầu tiên và được hưởng chế độ chính sách mới của Đà Nẵng.

 

Theo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, ông Lê Văn Quang - nguyên Phó Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng là trường hợp được Thường trực Thành ủy đồng ý cho nghỉ việc trước tuổi hưu, và hưởng chế độ chính sách khuyến khích của thành phố là 160 triệu đồng.

Chiều 19/10, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khoá IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã làm quy trình miễn nhiệm chức danh Phó Ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đối với ông Lê Văn Quang. Bà Phan Thị Tuyết Nhung - nữ đại biểu trẻ của HĐND thành phố được bầu giữ chức vụ này thay ông Lê Văn Quang.

Ông Quang trước đó đã có đơn tự nguyện xin nghỉ việc trước tuổi hưu. Theo Sở Nội vụ, ông Lê Văn Quang - nguyên Phó Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng - là trường hợp đầu tiên được Thường trực Thành ủy đồng ý cho nghỉ việc trước tuổi hưu và hưởng chế độ chính sách khuyến khích của thành phố 160 triệu đồng.

Trước đó, từ kỳ họp giữa năm 2018, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ thay thế. Đối tượng áp dụng chính sách trên là cán bộ, lãnh đạo có tuổi đời trên 55 đối với nam hoặc trên 50 tuổi đối với nữ.

Các chức danh khác nhau có mức hỗ trợ khác nhau, từ 100 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, những lãnh đạo xin nghỉ trước tuổi còn được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ theo chức danh đang giữ.

Gom đất vườn quả xây tổ hợp biệt thự nguy nga ở Sóc Sơn

Sở Xây dựng Hà Nội vừa chỉ rõ 4 cá nhân gom đất vườn quả tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) xây tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden là hành vi sử dụng đất sai mục đích.

 

soc-son.jpg

Trước khi TP Hà Nội giao Thanh tra TP thanh tra toàn diện việc quản, lý sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo rõ những vi phạm xây dựng tại khu vực quy hoạch rừng phòng hộ tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, trong đó có tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khu đất này không nằm trong đối tượng khoán, bảo vệ rừng hàng năm của Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng huyện Sóc Sơn, mà đây là khu đất thuộc quy hoạch vườn quả.

Khu đất Hoàng Lê Gia Garden được 4 người ngoài địa phương nhận chuyển nhượng của 13 hộ dân tại thôn Minh Tâm. Việc chuyển nhượng có hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên, được xác nhận của chính quyền thôn và cán bộ địa chính xã. Trong đó có 1 hợp đồng ghi rõ 400 m2 đất ở.

Kiểm tra hiện trạng công trình, Sở Xây dựng cho biết, tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden đứng tên 4 chủ đầu tư khác nhau, gồm có 4 hạng mục công trình với tổng diện tích xây dựng 717 m2.

Công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong tổ hợp này, có 1 nhà ở hai tầng kết cấu bê tông cốt thép, diện tích xây dựng 200 m2. Công trình này do bà Lê Thị Lan Hương làm chủ đầu tư.

Tại tổ hợp còn có 2 nhà ở 2 tầng kết cấu bê tông cốt thép, diện tích xây dựng lần lượt là 54 m2 và 63 m2, cũng đã đưa vào sử dụng. Công trình này do bà Lê Thị Lan Hương sở hữu nhưng được đứng lên ông Hoàng Anh là chủ đầu tư.

Trong Hoàng Lê Gia Garden còn có một công trình 2 tầng và tum kết cấu bê tông cốt thép, có diện tích xây dựng khoảng 400 m2, đã thi công xong phần thô, hiện đang ngừng thi công. Đây cũng là công trình do bà Lê Thị Lan Hương sở hữu nhưng được đứng tên ông Hoàng Văn Hiệu, ông Hoàng Đức Anh là chủ đầu tư.

Ngoài ra, trong khuôn viên tổ hợp công trình còn có các hạng mục khác đã thi công gồm cầu bê tông qua khe núi, đường trục kết cấu bê tông nhựa rộng khoảng 3,5 m, đường nội bộ lát đá, sân vườn kè taluy sườn núi, tiểu cảnh, non bộ…

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, khu đất Hoàng Lê Gia Garden được quy hoạch là vườn quả. Tuy nhiên, chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở, sân vườn trên đất là hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Qua sự việc, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tuyệt đối với các công trình đang triển khai xây dựng (có vi phạm) tại thôn Minh Tâm nói chung và tổ hợp công trình xây dựng đất Hoàng Lê Gia Garden nói riêng, không để công trình xây dựng vi phạm mới phát sinh.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan phải xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, chưa kịp thời phát hiện, thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý các vi phạm theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Gần 20 năm xây dựng, đường Hồ Chí Minh tiếp tục phải giãn tiến độ vì thiếu tiền

Đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo nghị quyết của Quốc hội đến 2020 phải thông toàn tuyến. Báo cáo tình hình thực hiện dự án Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội nêu lo ngại, tiến độ không đáp ứng yêu cầu.

 

duong-hcm.jpg

Đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia. Nghị quyết của Quốc hội đề ra yêu cầu đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác).

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, dự án đã hoàn thành 2.180km/2.744 km đạt 79% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 275km; còn lại khoảng 289km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Cụ thể, khu vực phía Bắc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273 km, đã hoàn thành 81 km, đang thi công 32 km và chưa triển khai 160 km.

Hai dự án chưa triển khai. Trong đó, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (30 km/tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng) dự kiến khởi công, hoàn thành trong khoảng thời gian 2016-2018 nhưng đến nay chưa bố trí được vốn. Đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (130 km/tổng mức đầu tư 16.216 tỷ đồng, theo nghị quyết Quốc hội dự kiến thực hiện theo hình thức BOT, khởi công hoàn thành 2016 - 2020. Tuy nhiên, do phương án đầu tư theo hình thức BOT không khả thi về phương án tài chính nên đang nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư phù hợp.

Để nối thông đoạn phía Bắc, theo đó, cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần trên với tổng chiều dài khoảng 160 km/tổng mức đầu tư 18.000 tỷ đồng.

Khu vực miền Trung từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) chiều dài đầu tư trước đây khoảng 1.532 km bao gồm cả nhánh Tây dài 684 km, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350 km, đang triển khai 182 km (sau khi duyệt dự án chỉnh tuyến còn 175 km), dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ.

Khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553 km, đã hoàn thành toàn bộ.

Khu vực phía Nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 382 km, đã hoàn thành 192 km, đang thi công 61 km, chưa triển khai 129 km. Để nối thông khu vực phía Nam cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 129 km/tổng mức đầu tư 10.431 tỷ đồng.

Như vậy, hiện còn 4 dự án thành phần/289 km cần tiếp tục đầu tư xây dựng để nối thông đường Hồ Chí Minh nhưng chưa cân đối được nguồn vốn, theo Chính phủ là sẽ ảnh hưởng đến tiến độ nối thông toàn tuyến vào năm 2020 như yêu cầu của Quốc hội.

Về nguồn vốn, Chính phủ cho biết, tổng nguồn vốn để nối thông toàn tuyến dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2) là hơn 104.000 tỷ đồng. Trong đó đã xác định được nguồn là gần 75.700 tỷ đồng, gồm có vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là hơn 35.500 tỷ đồng. Vốn huy động đầu tư theo hình thức BOT là hơn 7.100 tỷ đồng, vốn huy động đầu tư theo hình thức BT là gần 11.500 tỷ đồng, vốn huy động vay ODA là gần 21.600 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến là gần 28.450 tỷ đồng, gồm: vốn dự kiến huy động đầu tư theo hình thức BOT là 22.782 tỷ đồng cho 2 dự án (Đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến và đoạn Chơn Thành - Đức Hòa); và phần vốn trái phiếu Chính phủ cần tiếp tục cân đối là 5.665 tỷ đồng cho 2 dự án (đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận).

Cơ quan báo cáo chốt lại: “Do nguồn lực đầu tư hết sức hạn hẹp nên kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ hoàn thành nối thông toàn tuyến quy mô tối thiểu 2 làn xe đến sau năm 2020”.

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top