Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 31 tháng 12 năm 2017 | 5:51

Sự kiện 24/7: Cùng nhìn lại năm 2017

Thời khắc cuối cùng của năm 2017 sắp đi qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận đây là năm vô cùng sôi động và nhiều chuyển biến. Hãy cùng Kinh tế nông thôn nhìn lại những sự kiện nổi bật, có tác động lớn đến các mặt kinh tế, chính trị, xã hội trong năm qua.

 Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm sau phiên họp cấp cao của hội nghị APEC sáng 11/11 tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Reuters

Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Năm APEC 2017

Năm APEC 2017 có chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với 243 sự kiện tổ chức ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 - 11/11/2017.

Không chỉ thành công về công tác tổ chức, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo điều phối các hoạt động; đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp có giá trị góp phần nâng cao vai trò, tác dụng của APEC; thể hiện vị thế và uy tín của Việt Nam ở Châu Á - Thái Bình Dương. Trong Tuần lễ Cấp cao APEC đã diễn ra các chuyến thăm song phương, có những chuyến thăm mang tính lịch sử và hàng chục cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta với Lãnh đạo các nước, các nền kinh tế.

Việt Nam hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao, GDP ước tính đạt 6,81%

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của đất nước được cải thiện, giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên khoáng sản. Chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2017 tăng 14 bậc, lên vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế trên thế giới được đánh giá.

Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 400 tỷ USD. Cán cân thương mại của Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017. Riêng năm 2017, xuất khẩu có sự bứt phá của cả 3 chân kiềng: nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và toàn xã hội. Nhiều đổi mới, chuyển động đáng mừng, nhất là việc xây dựng thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính.

Những quyết định nhân sự cấp cao trong năm 2017

Trong năm 2017, Bộ Chính trị và Quốc hội đã có nhiều quyết định phân công và phê chuẩn nhân sự cấp cao.

Ông Trần Quốc Vượng tham gia Thường trực Ban bí thư

Tại phiên họp ngày 28/7, sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về việc phân công Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã quyết định: Trong thời gian ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều trị bệnh; phân công ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia Thường trực Ban Bí thư; thực hiện nhiệm vụ theo quy định kể từ ngày 1/8.

Ông Trần Quốc Vượng 64 tuổi, quê ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa 10, 11, 12; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12; từng đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành uỷ TP HCM 

Sáng 10/5, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã công bố quyết định của Bộ Chính trị, phân công ông Nguyễn Thiện Nhân (Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam) giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020, thay ông Đinh La Thăng - được phân công làm Phó ban kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Thiện Nhân 64 tuổi, quê Trà Vinh, là Giáo sư kinh tế, Tiến sĩ điều khiển học. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa X, XII, XIII, XIV.

Hồi tháng 5/2013, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Bốn tháng sau, ông được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí bầu làm chủ tịch thay cho ông Huỳnh Đảm.

Ngày 22/6, hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn (ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Mặt trận) làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019.

Ông Trương Quang Nghĩa làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng

Sáng 7/10, quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã được công bố tại hội trường Thành uỷ Đà Nẵng.

Ông Trương Quang Nghĩa đảm nhiệm vị trí thay ông Nguyễn Xuân Anh - người trước đó đã bị Trung ương Đảng kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, cho thôi giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.

Ông Trương Quang Nghĩa, 59 tuổi, là thạc sĩ quản trị kinh doanh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12.

Tháng 3/2015, từ vị trí Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La, ông được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 4/2016, ông Trương Quang Nghĩa được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Từ trái qua: ông Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông.

Chính phủ có hai thành viên mới

Ngày 26/10, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể (Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng) làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải thay ông Trương Quang Nghĩa; phê chuẩn ông Lê Minh Khái (Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu) làm Tổng thanh tra Chính phủ thay ông Phan Văn Sáu.

Ông Phan Văn Sáu sau đó được phân công làm Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng; ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thay ông Lê Minh Khái.

Bí thư Lạng Sơn làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí

Ngày 24/12 tại Lạng Sơn, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương,  công bố quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh (Uỷ viên Trung ương Đảng) sẽ thôi chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn để làm Phó ban Kinh tế Trung ương và đảm nhận vị trí Chủ tịch PVN. Người được Bộ Chính trị điều động thay ông Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn là bà Lâm Phương Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tuyên giáo Trung ương.

Như vậy sau hơn 9 tháng bị bỏ trống khi ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch PVN được điều động về Bộ Công Thương và bị khởi tố bắt giam trong tháng 12 này, chiếc "ghế nóng" tại PVN đã có chủ.

Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, quê Thanh Chương (Nghệ An), từng kinh qua các chức vụ như: Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương...

Chủ tịch Hội nông dân làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng

Sáng 26/12, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đã nhận quyết định của Bộ Chính trị về việc tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015- 2020.

Cũng theo quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 – 2020 thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng để chờ phân công nhiệm vụ mới.

Chiều 27/12, Bộ Chính trị quyết định phân công ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng thôi giữ chức Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương để nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay ông Lại Xuân Môn.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2018

Năm tội bỏ án tử hình từ 2018

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, theo đó 11 tội danh tại Bộ luật Hình sự 1999 không còn gồm: Kinh doanh trái phép; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tảo hôn; Đăng ký kết hôn trái pháp luật... Trong đó, tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng được thay thế bằng 9 tội danh mới.

Nhiều tội danh khác bỏ án tử hình gồm Cướp tài sản, Đầu hàng địch, Chống mệnh lệnh, Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Ngoài Luật này, từ tháng 1/2018, nhiều Luật khác cũng có hiệu lực như Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Du lịch.

Người ngồi ghế sau ôtô không thắt dây an toàn bị phạt tiền

Điều khoản "phạt tiền 100.000-200.000 với người ngồi trên ôtô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy" thuộc Nghị định 46/2016 chính thức có hiệu lực từ 1/1.

Điểm mới của nghị định này so với nghị định 171/2013 trước đó là mọi vị trí đều phải thắt dây an toàn, trong khi quy định cũ chỉ bắt buộc điều này với tài xế và người ngồi cạnh tài xế. Quy định mới được đánh giá là chặt chẽ và cần thiết hơn so với trước đây, buộc người đi xe ôtô hình thành thói quen thắt dây an toàn, ý thức vốn còn thiếu ở Việt Nam.

Lương tối thiểu vùng tăng

Nghị định số 141/2017 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng một 3.980.000 đồng/tháng; vùng hai 3.530.000 đồng/tháng; vùng ba 3.090.000 đồng/tháng; vùng bốn 2.760.000 đồng/tháng.

Mức lương mới cao hơn mức cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng. Địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.

Ôtô hết niên hạn bị thu hồi

Theo Quyết định 16/2015 của Thủ tướng về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, các loại ôtô, xe máy hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi vào tháng 1/1/2018.

Nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Các nhà sản xuất có thể liên kết để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến điểm thu hồi và được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất...

Ôtô nhỏ phải dán nhãn năng lượng

Thông tư 40/2017 của Bộ Giao thông hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng với ôtô quy định từ 1/1/2018 các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và phân phối xe ra thị trường phải thực hiện lộ trình: ôtô từ trên 7 chỗ đến 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới; xe nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.

Thông tư này không bắt buộc áp dụng với các trường hợp sau: xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự...

Tiền sử dụng đất được miễn giảm

Nghị định 123/2017 sửa đổi Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước nêu rõ các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ tháng 1/1/2018, gồm: người nhận chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ngày 1/7/2014 trở đi và tiếp tục thực hiện dự án sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất cho thời gian còn lại của dự án nếu: Bên chuyển nhượng là tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất; bên chuyển nhượng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất theo pháp luật trước ngày 1/7/2014. 

Hàng loạt nhân sự cấp cao bị bắt, xử lý kỷ luật

Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị bắt trong vụ án "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVN. Trước đó, ông bị Trung ương cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM vì "mắc khuyết điểm nghiêm trọng" trong lãnh đạo, chỉ đạo, bổ nhiệm cán bộ...

Ông Thăng là cán bộ cấp cao nhất của Đảng bị cách chức kể từ sau đại hội XII, đại hội mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua.

Ngoài ông Thăng, hàng chục cán bộ cấp cao khác cũng bị xử lý như nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự, thậm chí người đã về hưu như cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang... không nằm ngoài tầm truy xét.

Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư làm trưởng ban trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nhiều đại án kinh tế, tham nhũng. Hành động quyết liệt của người đứng đầu Đảng khơi lại niềm tin và sự kỳ vọng vào một bộ máy lãnh đạo đất nước ngày càng trong sạch.

Lũ ống, lũ quét và bão lớn chưa từng có gây thiệt hại nặng nề từ Bắc tới Nam

Liên tiếp các trận bão và mưa lớn liên tục từ đầu tháng 8 tới tháng 11 gây ra hàng loạt trận lũ ống, lũ quét, lở đất, lở núi kinh hoàng ở các địa phương Tây Bắc và miền Trung.

Chỉ tính riêng cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa đã khiến hơn 100 người chết, hàng chục người mất tích.

Sắp kết thúc năm 2017, hai cơn bão 15, 16 kèm mưa lớn tiếp tục đổ bộ vào vùng biển và các tỉnh phía Nam. Thống kê cả năm 2017, thiên tai, bão lũ cướp đi mạng sống của hơn 380 người; nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm bị mất trắng; các công trình hạ tầng và nhà dân bị sạt lở, hư hại, đổ sập, cuốn trôi. Thiệt hại lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Người dân phản đối hàng loạt trạm BOT

Câu chuyện gây nhức nhối cho cả người dân, chính quyền địa phương và cơ quan hoạch định chính sách bắt đầu bùng phát vào tháng 4. Tại trạm thu phí BOT Bến Thủy 1, người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã dùng tiền lẻ trả phí gây ùn tắc giao thông nhiều ngày.

Xe qua trạm BOT phản đối mức thu phí vì cho rằng quá cao.

Sự phản kháng bằng tiền lẻ sau đó lan rộng đến Hưng Yên, Thái Nguyên, Đồng Nai, Khánh Hòa... và đỉnh điểm là cảnh hỗn loạn tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) vào tháng 11.

BOT - một chủ trương đúng đắn, giúp thay đổi diện mạo giao thông bỗng bị phản ứng gay gắt bởi vị trí đặt trạm thu phí. Nhiều trạm không chỉ "ép" dân trả tiền cho đoạn đường không sử dụng mà còn tước quyền đi trên quốc lộ - con đường dân vẫn nộp phí bảo trì hàng năm.

Trong khi chủ đầu tư cương quyết không lùi vì đã được cơ quan quản lý cấp phép cả về vị trí và mức phí, sự đấu tranh của người dân chỉ đạt được kết quả nhỏ lẻ như giảm phí, xả trạm nhất thời.

Còn cuộc đấu tranh ở Cai Lậy chưa ngã ngũ. Trạm dừng thu phí một đến hai tháng chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng. Cuộc đấu tranh khởi nguồn từ phản ứng của một số tài xế đường dài đặt ra đòi hỏi bức thiết về tính minh bạch của hệ thống.

Nguyễn Tố (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top