Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 12 năm 2017 | 5:29

Sự kiện 24/7: Cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục “nóng”

Nhiều tuần qua, liên tục các quan chức, cựu quan chức bị bắt giữ cho thấy công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng của Đảng ta đang được thực thi rất mạnh mẽ. Ngay cả tuần này, khi người dân khắp nước đang hào hứng đón lễ Noel và Tết Dương lịch, thì đâu đó, vẫn là những tiếng thở dài trước những thông tin không mấy vui vẻ gì.

Vụ Khaisilk: Kỷ luật 2 cán bộ quản lý thị trường

Hai cán bộ thị trường bị kỷ luật vì liên quan đến vụ Khaisilk.

Liên quan đến vụ Khaisilk bán lụa Trung Quốc nhưng gắn mác "made in Vietnam", hai cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phải chịu kỷ luật. Cụ thể, một đội phó và một cán bộ kiểm soát viên đã bị kỷ luật bằng hình thức hạ một bậc khen thưởng. Đây là bài học lực lượng quản lý thị trường cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục quản lý thị trường cũng có đóng góp kết quả kiểm tra Khaisilk kinh doanh hàng giả nguồn gốc xuất xứ để chuyển cơ quan điều tra. Ông Lộc cũng cho hay, lực lượng quản lý thị trường quá mỏng trong khi thị trường rộng lớn nên hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. 

Cựu tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị khởi tố

Một ngày sau khi ra lệnh khởi tố, ngày 20/12, Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố với ông Phùng Đình Thực (63 tuổi) để điều tra về Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thực tại ngoại, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Nhà chức trách cho hay, ông Thực bị xác định đã có sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Việc khởi tố nằm trong tiến trình điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại PVN và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Ông Phùng Đình Thực sau hai năm làm Tổng giám đốc PVN, tháng 9/2011 được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Ông nghỉ hưu vào tháng 6/2014.

Ông Thực bị xác định thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với ông Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công Thương; không chỉ đạo xem xét vi phạm của ông Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng Giám đốc Oceanbank. Nguyên Bí thư Đảng ủy PVN này cũng chịu trách nhiệm cùng tập thể Ban thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn từ Phó tổng giám đốc lên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bí thư Đảng ủy PVN năm 2014.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra ông Thực cũng có trách nhiệm liên quan những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.

Bí thư Lạng Sơn làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí

Cũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí PVN, sáng 24/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn triển khai các quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự. Theo đó, Bộ Chính trị phân công ông Trần Sỹ Thanh (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Ông Trần Sỹ Thanh được phân công giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Bộ Chính trị phân công bà Lâm Thị Phương Thanh (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020.

Sau hơn 9 tháng bị bỏ trống khi ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch PVN được điều động về Bộ Công Thương và bị khởi tố bắt giam cách đây ít ngày, chiếc "ghế nóng" tại PVN mới có chủ. Tuy nhiên, khác với những đời Chủ tịch PVN gần đây đều gắn bó với ngành dầu khí, ông Trần Sỹ Thanh lại là người "ngoại đạo".

Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, quê Thanh Chương (Nghệ An) là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Tháng 2/2004 ông được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước, sau đó là Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước. Năm 2008 ông được điều chuyển tham gia Tỉnh uỷ Đăk Lăk.

Năm 2010 ông Thanh từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, sau đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tháng 10/2015 ông Thanh lại được điều động phân công về Lạng Sơn, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn. 

Trước khi ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch PVN, người phụ trách tập đoàn này là ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc. 

Đại gia Vũ 'Nhôm' bị điều tra tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước

Tối 22/12, đại diện Công an Đà Nẵng xác nhận ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") - đại gia bất động sản tại Đà Nẵng - đã bị truy nã. "Không bắt được Vũ tại nơi cư trú nên phải phát lệnh truy nã", nguồn tin từ cơ quan công an nói.

Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt ông Vũ được tống đạt tại nhà ông này vào sáng 22/12.

Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") - đại gia bất động sản tại Đà Nẵng bị truy nã.

Đại diện Bộ Công an cho hay, ông Vũ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, theo điều 263 Bộ luật Hình sự. Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đang sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin liên quan ông Vũ.

Một ngày trước, tối 21/12, nhà riêng của ông Vũ tại đường Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) đã bị công an khám xét trong nhiều giờ.

Ông Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 ở TP HCM; Chủ tịch Hội đồng thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng, đồng thời sở hữu cổ phần trong nhiều dự án khác.

Ngày 21/12 trong cuộc gặp giữa Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với các cựu chiến binh, nhiều người đã đặt câu hỏi về việc có hay không sự tác động của ông Vũ trong một số quyết định liên quan đất đai của chính quyền thành phố. Có ý kiến đề nghị làm rõ thông tin ông Vũ coi thường lãnh đạo Đà Nẵng khi từng chỉ mặt, hăm doạ cho Chủ tịch UBND thành phố "nghỉ việc" vì không làm theo yêu cầu của ông ta...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay những thông tin trên đã được Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Công an điều tra. “Nếu có việc này thì là sự sỉ nhục với chính quyền và hệ thống công quyền”, ông Nghĩa nói.

Nhiều vụ bổ nhiệm "thần tốc"

Trong tuần qua, dư luận tiếp tục chú ý theo dõi những thông tin liên quan đến việc xử lý vi phạm trong công tác cán bộ. Trong đó có vụ việc ông Lê Phước Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Và việc bổ nhiệm thần tốc Lê Phước Hoài Bảo, Trần Vũ Quỳnh Anh... thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Phiên đấu giá lịch sử Sabeco và xuất nhập khẩu tăng cao kỷ lục

Trong tuần, sự kiện kinh tế nổi bật là Tổng cục Hải quan công bố tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến giữa tháng 12/2017 cán mốc kỷ lục 400 tỷ USD.

Cùng với đó, phiên đấu giá thành công hơn dự báo cổ phiếu Sabeco được đánh giá là bài học để bán vốn Nhà nước được giá nhất. Chuyên gia cho rằng, nếu Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không lên niêm yết trên sàn chứng khoán rồi mới đấu giá và nếu cứ lo sợ mất thương hiệu mà chỉ bán cho nhà đầu tư nội, thì có lẽ Nhà nước chỉ thu được 30% tương đương khoảng 1,5 tỷ USD chứ không thể thu về được tới 5 tỷ USD.

Lịch sử chưa từng có 16 cơn bão đổ bộ Biển Đông trong 1 năm

Theo dữ liệu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thông thường, trên biển Đông chỉ có khoảng 10 - 11 cơn bão hoạt động mỗi năm. Nhưng năm nay, hiện tại nếu tính cả bão Tembin sắp vào biển Đông, vùng biển này có 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), thì lịch sử khí tượng chưa từng ghi nhận. Trước đó, kỷ lục số trận bão trong 1 năm là 14 cơn (2013), cũng trong năm này, có 4 ATNĐ hoạt động trên biển Đông.

Hiện công tác ứng phó với bão số 16 đang rất quyết liệt tại nhiều địa phương. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực); là vùng có quy mô kinh tế, đặc điểm dân sinh, thiết chế hạ tầng, đặc điểm tự nhiên dễ bị tổn thương khi bão đổ bộ./.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top