Tuần nhiều sự kiện: Thủ tướng tham dự MRC, cựu tướng Phan Văn Vĩnh bị khởi tố, những vấn đề nóng của ngành Giáo dục,...
Khai thác bền vững sông Mekong là trách nhiệm của tất cả các nước
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Uỷ hội sông Mekong quốc tế (MRC) ngày 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai thác bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan trên lưu vực sông Mekong là cơ hội, nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm của tất cả các nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lưu vực sông Mekong đang phải đối mặt với những thách thức về gia tăng nhanh dân số, khai thác thiếu bền vững tài nguyên nước, đất và rừng cùng các thách thức của biến đổi khí hậu và thiên tai bất thường. Hậu quả là nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt.
Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - nơi đang thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển và sụt lún đất… đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng kêu gọi các nước cần phải có những hành động thiết thực, kịp thời để đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực.
Về các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Uỷ hội cần tập trung ưu tiên tăng cường việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và vai trò giám sát, điều phối của Uỷ hội trong triển khai thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên, xây dựng khung quy hoạch phát triển lưu vực nhằm hài hoà quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia và thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác chung, tăng cường chia sẻ thông tin số liệu trong lưu vực sông Mekong và đẩy mạnh các hoạt động điều phối, hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đối tác phát triển và các tổ chức quản lý lưu vực sông xuyên biên giới khác nhằm huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại trong triển khai các sáng kiến hợp tác tiểu vùng.
Với chủ đề "Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong", Hội nghị MRC đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Riep ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mekong và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mekong 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội.
Khởi tố, bắt bị tạm giam 04 tháng đối với Phan Văn Vĩnh
Ngày 06/4/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 04 tháng đối với Phan Văn Vĩnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999”.
Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố; căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 356 và ra Lệnh bắt bị can số 358 để tạm giam 04 tháng đối với Phan Văn Vĩnh, sinh năm 1955 tại Nam Định; nơi cư trú: 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Văn Vĩnh.
Theo thông tin từ Bộ Công an, việc khởi tố, bắt giam ông Phan Văn Vĩnh nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố. Căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm của ông Vĩnh.
Các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ phê chuẩn. Trước khi bị khởi tố, ông Vĩnh có cấp bậc trung tướng.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, kết quả điều tra ban đầu xác định sai phạm của ông Vĩnh xảy ra khi ông đương chức tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông này đã ra các chủ trương trái với quy định pháp luật để tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc qua game Rikvip và Tip.club.
Lực lượng công an có mặt tại lối vào nhà của ông Phan Văn Vĩnh trên phố Hàn Thuyên, TP Nam Định khi khám nhà tối 6-4 - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Vĩnh đã ký và trình một số văn bản cho Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC do Nguyễn Văn Dương (bị can cầm đầu trong đường dây đánh bạc) là chủ tịch HĐQT được hoạt động dưới danh nghĩa đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.
Ông Phan Văn Vĩnh, SN 19/5/1955, tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, hiện trú tại phường Vị Hoàng, TP Nam Định. Ông Vĩnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1978. Trước khi được điều động về Bộ Công an công tác, ông Vĩnh có thời gian dài làm việc ở Công an TP Nam Định, Công an tỉnh Nam Định.
Thời điểm năm 1991, trong quá trình truy bắt 5 tên cướp chuyên sử dụng súng ngắn, lựu đạn khi gây án, ông Vĩnh bị thương nặng, mất một con mắt. Ông được đề bạt Trưởng Công an thành phố Nam Định và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Phan Văn Vĩnh từng đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Ông Vĩnh cũng là đại biểu Quốc hội khóa 12.
Tháng 4/2011, ông Phan Văn Vĩnh được bổ nhiệm chức vụ Tổng Cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm. Ngoài những thành tích trong thời gian công tác tại Công an tỉnh Nam Định, ông Vĩnh còn ghi dấu với vai trò trưởng ban chuyên án điều tra các vụ án lớn, các vụ thảm sát đặc biệt nghiêm trọng như vụ Bầu Kiên, Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương.
Đến tháng 4/2017, ông Phan Văn Vĩnh thôi giữ chức Tổng Cục trưởng Cảnh sát để nghỉ chế độ.
Một năm sau, ngày 6/4/2018, ông Phan Văn Vĩnh bị bắt giam để điều tra vì liên quan đường dây cờ bạc nghìn tỷ.
Bộ Công an cũng thông tin Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hải Phòng: Buộc thôi việc nữ giáo viên phạt HS uống nước giặt giẻ lau
Ngày 5/4, giáo viên phạt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng đã bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, không được tiếp tục công tác trong ngành giáo dục địa phương.
Ông Lê Hữu Cường, PCT UBND huyện An Dương (TP. Hải Phòng) cho biết, trước sự việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, GVCN lớp 3A5 trường tiểu học An Đồng (huyện An Dương) phạt em P.A uống nước giẻ lau bảng, hội đồng kỷ luật nhà trường đã được thành lập. “Theo đó, hội đồng đã đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo toàn trường đối với cô Hương. Trong ngày hôm nay (5/4) sẽ chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với cô giáo này.” ông Cường cho biết.
Cũng trong ngày 5/4, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã yêu cầu sở GD&ĐT TP. Hải Phòng chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo này. Đồng thời báo cáo tình hình kết quả xử lý về Bộ GD&ĐT chậm nhất 11h ngày 6/4.
Trước đó, ngày 3/4, bà Trần Thị Ngọc Bảo – Hiệu trưởng trường tiểu học An Đồng nhận được phản ánh của ông Phạm Khắc Thảo (phụ huynh em P.A – học sinh lớp 3A5 trường tiểu học An Đồng) về việc cô Hương bắt em P.A uống nước giặt giẻ lau bảng vì em nói chuyện riêng trong giờ học.
Sau khi xác minh sự việc xảy ra đúng như phản ánh, Ban giám hiệu nhà trường và cô Hương đã đến xin lỗi em P.A và gia đình vì có hình thức phạt chưa phù hợp với học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường đã đưa em P.A đi khám sức khỏe.
Được biết, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (sinh năm 1993) là con của bà Tạ Thị Ng. - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Dương, TP.Hải Phòng. Cô Hương mới được ký hợp đồng với trường Tiểu học An Đồng từ đầu năm học 2017-2018 theo hình thức hợp đồng ngắn hạn từng tháng một.
Đề nghị xử lý hiệu trưởng, cô giáo Châu nghiêm khắc
Ngày 6/4, tại cuộc họp khẩn về việc cô Trần Thị Minh Châu (Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè) không nói gì suốt ba tháng đứng lớp, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, cho rằng các học sinh đã bị bạo hành tinh thần trong thời gian dài.
"Tôi nói vậy không phải là đẩy vấn đề lên, mà đang nói chính xác bản chất sự việc. Mọi người thử hình dung, người thân không nói chuyện với mình nhiều ngày là đã khủng khiếp như thế nào. Ở đây là ba tháng liền, học trò không hiểu mình lỗi gì mà cô lại không nói, không giảng bài", bà Thu nói.
Phó chủ tịch TP. HCM ủng hộ việc em Phạm Song Toàn đã phản ánh sự việc tại diễn đàn ngành giáo dục. "Nhưng mọi người nhìn thấy không, nhiều người còn phản đối em ấy. Một việc đúng mà chúng ta không bảo vệ, việc làm sai thì không dám đấu tranh. Em Toàn đang bơ vơ một mình", bà Thu tiếp lời.
Sở Giáo dục TP. HCM và Trường THPT Long Thới đã phản ứng chậm sau phản ánh của Toàn, dẫn đến bức xúc trong dư luận xã hội. "Lẽ ra, sau khi xác minh có sự việc, ngành giáo dục phải đình chỉ ngay việc dạy học của cô Châu, sau đó mới tính đến hướng xử lý", bà Thu nói.
Lãnh đạo TP. HCM yêu cầu ngành giáo dục xử lý các cá nhân liên quan, gồm hiệu trưởng trường Long Thới, cô Châu và giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 nghiêm khắc, đúng luật. Bởi cô Châu từng bị kỷ luật cảnh cáo nhiều năm trước đây do vi phạm với học sinh.
"Việc bạo hành này mà chúng ta xem là bình thường thì ngành giáo dục không ổn. Chúng ta không được du di, không thỏa hiệp, không tạo điều kiện cho sai phạm mới", Phó chủ tịch TP. HCM yêu cầu.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục TP. HCM nhìn nhận, cô Châu đã vi phạm Luật viên chức, hiện việc xử lý được triển khai rốt ráo đối với những người liên quan.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục và học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn bật khóc khi kể về việc cô Châu không nói gì suốt nhiều tháng đứng lớp mà chỉ viết bài lên bảng. Cả lớp phải tự học, tự làm bài. Dù giáo viên chủ nhiệm cố gắng giải quyết, nhưng không thành công.
Trong bản tường trình với nhà trường, cô Châu cho rằng, không giảng bài cho lớp 11A1 là "có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng, có gì thì tung ra đánh cô giáo". Nhà trường sau đó tổ chức cho lớp 11A1 và cô Châu nói chuyện hòa giải. Hiện, cô giáo đã giảng dạy bình thường.
Không lùi tiến độ khai thác thương mại đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Liên quan đến tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể quyết liệt chỉ đạo: “Tháng 10 tới phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải vận hành thương mại”.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào chiều 6/4, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, phần xây dựng hiện chỉ còn 4% khối lượng dự án, 90% thiết bị liên quan đến dự án đã được mua sắm xong, 76% lượng thiết bị đã được lắp đặt.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị liên quan phải xem xét kỹ quy trình vận hành tuyến đường sắt, trong đó có vấn đề về đội ngũ cán bộ, công nhân viên và việc ứng xử với những sự cố có thể xảy ra.
Chỉ ra nguyên nhân chậm tiến độ, theo Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2017, tiến độ dự án bị chậm một thời gian do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Đến ngày 28/12/2017 vừa qua, các vướng mắc về thủ tục đã được tháo gỡ xong, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên.
“Chưa kể, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu EPC còn hạn chế (có thể do cách thức triển khai và cơ chế thực hiện ở mỗi nước khác nhaụ), mặt khác do đặc thù của dự án vừa thiết kế, vừa thi công nên việc thi công đôi khi không liên tục do phải chờ hồ sơ thiết kế, gây mất thời gian”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải phân tích.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.