Chắc chắn sự kiện được đông đảo bạn đọc quan tâm trong tuần là Hội nghị T.Ư lần thứ 6, khoá XII Ban chấp hành T.Ư Đảng, bởi hội nghị lần này sẽ đưa ra nhiều quyết sách về nhân sự cũng như các vấn đề quan trọng khác. Bên cạnh đó, khi câu chuyện giảm phí BOT chưa có hồi kết thì dư luận lại bắt đầu nóng với việc quỹ BHYT có thể bội chi 10.000 tỷ đồng trong năm 2017...
Đà Nẵng có Bí thư mới
Ông Trương Quang Nghĩa (bên phải) nhận quyết định chính thức nhận chức Bí thư TP. Đà Nẵng. Ảnh: AT.
Sáng 7/10, quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã được công bố tại hội trường trụ sở Thành uỷ Đà Nẵng. Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính trao quyết định, tặng hoa và phát biểu chúc mừng ông Nghĩa. Bày tỏ cảm xúc, ông Nghĩa nói thấy vinh dự khi nhận nhiệm vụ mới, nguyện nỗ lực hoàn thành trọng trách và mong Đảng bộ, nhân dân, Thành ủy Đà Nẵng hỗ trợ, giúp đỡ. Ông Nghĩa cũng kêu gọi đội ngũ cán bộ đoàn kết, nhất trí thực hiện các nhiệm vụ của thành phố trong năm 2017, nhất là tổ chức thành công APEC.
Trước đó, ngày 6/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Trước khi đi đến quyết định trên, Trung ương đã nghe tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh và nhận thấy trên cương vị người đứng đầu cấp ủy thành phố, ông này chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy.
Cá nhân ông Xuân Anh đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Trung ương xác định những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Quỹ bảo hiểm y tế dự kiến bội chi 10.000 tỷ đồng
Quỹ BHYT có thể bội chi 10.000 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tốc độ tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều địa phương đến nay đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả năm như Quảng Nam, Quảng Trị. Dự kiến năm nay quỹ BHYT bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi, nhiều nơi dự kiến bội chi 500-1.000 tỷ như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, bội chi nghĩa là số thu bảo hiểm y tế trong năm thấp hơn số chi, chi nhiều hơn thu. Tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh tính trong một năm của một địa phương; còn quỹ bảo hiểm y tế phải bù trừ lẫn nhau giữa tỉnh có kết dư và tỉnh bội chi.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bội chi là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ tháng 3/2016, giúp đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trước đây, một số chi phí chưa được tính vào giá nên người bệnh phải trả thêm. Việc tăng chi phí khám chữa bệnh đã được dự báo từ trước, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2017 tiếp tục tăng, ông Khảm cho biết.
Thứ hai là do áp dụng chính sách thông tuyến huyện, người bệnh có cơ hội tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chữa bệnh thuận tiện hơn, thủ tục hành chính giảm đi nhiều. Thứ ba, kỹ thuật mới được ứng dụng, chuyển giao từ tuyến trên xuống tận tuyến huyện, người dân dễ dàng tiếp cận hơn mà không phải đi lại xa. Do đó chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao.
Lạm dụng dịch vụ y tế cũng được cho là nguyên nhân. Tuy nhiên, ông Khảm cho rằng, tình trạng này không phải mang tính hệ thống mà chỉ xảy ra ở một đơn vị cụ thể nào đó. Tổng hội Y học Việt Nam mới đây thực hiện nghiên cứu phân tích hồ sơ bệnh án các bệnh nhân đã ra viện tại một số cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, tư nhân, trạm y tế xã để đánh giá sự gia tăng chi phi y tế. Theo kết quả ban đầu, số chi do lạm dụng chiếm khoảng 5% tổng chi. Lạm dụng gồm hai cấp độ: Chỉ định phù hợp với chẩn đoán nhưng không cần thiết và chỉ định không phù hợp chẩn đoán.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2017 có 15 tỉnh tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh, trong đó Bình Phước tăng gần 40%, Khánh Hòa hơn 34%. 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ. Đặc biệt một số địa phương gia tăng trên 70% như Kon Tum, Lạng Sơn, Khánh Hòa…
Chạy tốc độ thấp, trả phí cao
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thường xuyên ùn tắc. Ảnh: news.zing.vn
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dự kiến giảm 25% giá vé vào 15/10 tới. Tuy nhiên, theo các lái xe và chuyên gia, việc giảm phí này chỉ có ý nghĩa xoa dịu dư luận. Bởi, đây là tuyến đường mới nâng cấp trên nền cũ, lưu lượng xe cao, di chuyển chậm nên chưa xứng đáng phải trả phí bằng giá cao tốc. Trong khi đó, việc mở rộng thêm làn xe gần như chắc chắn vỡ kế hoạch
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường trọng yếu nhất đối với thủ đô Hà Nội, tiếp nhận hầu hết các phương tiện từ miền Nam, miền Trung và các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng về với Hà Nội. Chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với 3 cổ đông chính là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Minh Phát, Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco1) và Công ty Phương Thành.
Tình trạng ùn tắc trên tuyến này đã thường xuyên xảy ra trước năm 2014 khi dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa triển khai. Hiện nay, dù giai đoạn 1 của dự án này được đi vào hoạt động khai thác, mặt đường được làm lại, nhưng số làn xe vẫn giữ nguyên nên tình trạng di chuyển chậm, ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên.
Theo hợp đồng BOT được ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, việc mở rộng tuyến đường hiện hữu từ 4 lên 6 làn phải kết thúc vào năm vào năm 2017, bắt đầu khai thác vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch này gần như phá sản.
Ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ cho hay, hiện tại dự án đang tích cực triển khai, nhưng sẽ khó về đích đúng hạn vì vướng mặt bằng. “Tổng mặt bằng hiện có chỉ đạt 85% kế hoạch, có mặt bằng đến đâu, nhà thầu thi công đến đấy. Thậm chí, có những điểm chưa giải phóng kịp, nhà thầu bỏ tiền thuê luôn mặt bằng đó để thi công. Tuy nhiên, dù UBND TP Hà Nội nỗ lực nhưng tiến độ bàn giao mặt bằng vẫn bị chậm”, ông Nhận nói.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện Bộ GTVT quản lý dự án này cũng xác nhận, hiện tại, do vướng mặt bằng, tuyến đường có khả năng bị chậm so với hợp đồng. Ông Bình cũng thừa nhận lưu lượng trên tuyến này lớn, dù phí phải trả của người tham gia giao thông ở mức 1.500 đồng/km, bằng các tuyến cao tốc khác.
Bộ Công Thương yêu cầu giám sát chặt kinh doanh khí hóa lỏng
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sang chiết gas trái phép.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Cụ thể, chỉ thị yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội gas Việt Nam, các cơ sở kinh doanh LPG, các đơn vị thuộc Bộ tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG trên địa bàn.
Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ thì xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan ở địa phương khẩn trương rà soát và xây dựng phương pháp phù hợp di dời các cơ sở kinh doanh LPG ra khỏi các khu tập trung đông dân cư, không thuận lợi cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, trong đó, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh LPG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, thiết lập hệ thống phân phối theo quy định, quy định về an toàn, vệ sinh và lao động. Phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra các trạm chiết nạp LPG, kho chứa chai LPG có dấu hiệu vi phạm.
Kiên quyết xóa bỏ các trạm sang chiết, nạp LPG trái phép, các điểm kinh doanh chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, chỉ thị yêu cầu các cơ sở kinh doanh LPG chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh LPG; chịu trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra hệ thống phân phối của mình. Có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hệ thống kinh doanh LPG.
Các Tổng đại lý/đại lý, cửa hàng bán lẻ LPG thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ. Không mua, bán LPG và LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ, không phù hợp với hợp đồng đã ký với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối…
Các trạm chiết nạp LPG vào chai chấp hành quy định về nạp vào chai LPG đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, quy định về việc chiết nạp thuê cho thương nhân khác đủ điều kiện kinh doanh LPG.
Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian vừa qua, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG bị chiếm dụng được cắt tai, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường gây mất an toàn về phòng, chống cháy nổ. LPQ kém chất lượng đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng vẫn diễn ra và có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn.
Danh Hùng (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.