Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 8 năm 2019 | 12:24

Sự kiện 24/7: Dịch SXH diễn biến phức tạp

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2019 tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, trong đó số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh.

sxh.jpg

Cụ thể, trong tháng 7 năm 2019 tình hình mắc sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Trên cả nước có 25.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong), gấp 2 lần so với tháng trước và gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cũng trong tháng 7 năm 2019, có tới 4.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 78 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus (1 trường hợp tử vong); 2 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu; 3.600 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 931 trường hợp mắc sởi dương tính (2 trường hợp tử vong);...

Tính chung 7 tháng năm 2019, cả nước có 96.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (6 trường hợp tử vong); 22.900 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (2 trường hợp tử vong); 333 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus (11 trường hợp tử vong); 13 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu (1 trường hợp tử vong); 31.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 5.600 trường hợp mắc sởi dương tính (3 trường hợp tử vong) và 1.372 người bị ngộ độc thực phẩm (9 người tử vong).

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bị phạt đến 200 triệu đồng

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt lên tới 200 triệu đồng.

y-te.jpg

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức được áp dụng cho hành vi: Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi; ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định…

Cản trở trẻ em tiêm vắc xin bị phạt đến 1 triệu đồng

Theo dự thảo, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; không tư vấn đầy đủ cho người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng về lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng; Không hướng dẫn người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng cách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; không cấp và ghi sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân hoặc sổ tiêm chủng điện tử cho người đến tiêm tại cơ sở tiêm chủng; không thống kê danh sách các đối tượng được tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng; không khám sàng lọc hoặc khám sàng lọc không đầy đủ cho đối tượng được tiêm chủng; không tư vấn cho đối tượng được tiêm chủng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trước khi tiêm chủng; không theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng…

Gần 10.000 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe

Ngoài tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 10.000 trường hợp, cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc cũng đã tạm giữ gần 22.000 phương tiện, phạt tiền gần 70 tỷ đồng.

 

lai-xe.jpg

Lực lượng CSGT kiểm tra xe tải trên tuyến cao tốc. Ảnh: csgt.vn

 

Theo thống kê của Cục CSGT, trong nửa tháng đầu (từ ngày 15-29/7) thực hiện tổng kiểm tra đối với ô tô chở khách, ô tô vận tải container và mô tô, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã tổng kiểm tra gần 350.000 lượt phương tiện, phát hiện và lập biên bản gần 150.000 trường hợp vi phạm.

Cụ thể, qua tổng kiểm tra 344.930 phương tiện, trong đó có hơn 64.000 xe khách, gần 49.000 ô tô vận tải container và hơn 224.000 mô tô, CSGT đã lập biên bản xử lý 147.808 phương tiện vi phạm, gồm 15.752 xe khách, 11.730 ô tô vận tải container và 120.326 mô tô.

Lực lượng chức năng cũng đã ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 10.000 trường hợp, tạm giữ gần 22.000 phương tiện, phạt tiền gần 70 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Vi phạm các quy định về đôi mũ bảo hiểm (45.393 trường hợp), không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực (19.498 trường hợp), không có giấy phép lái xe, giấy phép lái xe không do thẩm quyền cấp (11.597 trường hợp), vi phạm quy định về tốc độ (10.137 trường hợp).

Đặc biệt lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 6.624 lái xe vi phạm nồng độ cồn và 74 lái xe vi phạm về ma túy.

Từ 1/8: Chỉ sử dụng đầu số 8079 trong tra cứu BHXH, BHYT

Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) - BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 815/CNTT-PM thông báo về dừng tin nhắn tra cứu thông tin BHXH, BHYT tới đầu số 8179. Theo đó, từ ngày 1/8/2019, các cá nhân, đơn vị chỉ còn sử dụng đầu số 8079 trong nhắn tin tra cứu thông tin về BHXH, BHYT.

Để tra cứu thông tin BHXH, BHYT từ ngày 1/8/2019, cá nhân, đơn vị thực hiện theo cú pháp dưới đây:

bhyt.jpg

Trung tâm CNTT – BHXH Việt Nam đã thực hiện triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH chính thức từ ngày 3/4/2019.; trong đó, có nội dung cá nhân, đơn vị tự tra cứu thông tin về BHXH, BHYT theo đầu số 8179, phí dịch vụ tra cứu theo thông báo của đơn vị cung cấp dịch vụ là 1.500 đồng/tin nhắn (phí dịch vụ này do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, nhà mạng được hưởng phí này từ tin nhắn của thuê bao di động cá nhân/đơn vị tra cứu).

Do đó, để giảm chi phí tra cứu cho cá nhân/đơn vị khi tra cứu thông tin, Trung tâm CNTT đã bổ sung thêm đầu số tra cứu 8079 với mức phí dịch vụ là 1.000 đồng/tin nhắn bắt đầu từ ngày 16/4/2019 và dừng đầu số tra cứu 8179 từ ngày 1/8/2019. Trường hợp người dân gửi tin nhắn tra cứu tới đầu số 8179 sẽ nhận được tin nhắn hướng dẫn tra cứu tới đầu số 8079 (khi triển khai, các tin nhắn sẽ được chuyển sang dạng tin nhắn tiếng Việt không dấu).

Hạn hán khốc liệt tại Huế, thiếu nguồn nước tưới trầm trọng

Hiện, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã cạn kiệt, gây khó khăn trong điều tiết nước phục vụ sản xuất. 

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều kênh mương ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền khô cạn. Nhiều cánh đồng thiếu nước, chân ruộng nứt nẻ, hàng trăm héc ta lúa đang trổ bị khô cháy. Ông Nguyễn Nghĩa, ở đội 1, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cho biết, 6 tháng nay trời không mưa, hồ thủy lợi cạn trơ đáy: "Nắng hạn lâu ngày khiến khe cũng khô, hồ cũng cạn. Khó khăn là lúa có thể mất mùa, lúc đó đời sống người dân sẽ rất cơ cực".

 

han-han.jpg

Ruộng đồng tại Thừa Thiên Huế nứt nẻ do nắng hạn.

 

Ông Trần Lợi, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền cho biết: Từ tháng 3 đến nay, nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho các hồ nước khô kiệt. UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo các xã, các đơn vị sản xuất, tập trung mọi nguồn lực, huy động tất cả máy bơm và nhân lực nạo vét, bơm nước ở các ao hồ, chạy đua cùng thời gian và thời tiết để cứu lúa.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 1.600 ha lúa vụ hè thu bị khô hạn, hơn 3.000 ha cây trồng khác thiếu nước tưới, nguy cơ mất trắng. Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý và Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi thì một nửa số hồ chứa hiện mực nước ngang mực nước chết, số còn lại mực nước ở mức rất thấp. Ông Đỗ Văn Đính cho biết thêm, Công ty đã phối hợp với các địa phương lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chuyền nước từ các hồ đập thủy lợi đến các diện tích lúa thiếu nước.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top