Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2019 | 10:56

Sự kiện 24/7: Gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc

Gần 300 giáo viên hợp đồng cả cấp Tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có người đã cống hiến trong ngành gần 30 năm, vừa viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước nguy cơ họ sắp bị mất việc làm.

Theo đơn kiến nghị của gần 300 giáo viên hợp đồng , sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Sóc Sơn ký hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, đã có giáo viên công tác trong ngành giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm.

 

giao-vien.jpg

Nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang lo lắng trước nguy cơ có thể bị mất việc làm (Ảnh: Thanh niên)

 

Nhiều giáo viên hợp đồng từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Có thầy cô được tặng bằng khen các cấp, tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, các giáo viên đang lo lắng là có thể trong kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, trong số họ sẽ khó có thể đỗ vì họ có tuổi rồi, rất khó cạnh tranh với những ứng viên trẻ tuổi với chương trình đào tạo mới. Khi trượt viên chức có nghĩa là sẽ bị mất việc làm và sẽ làm cho cuộc sống gia đình bị đảo lộn, ảnh hưởng đến thu nhập, danh dự của bản thân...

Được biết, UBND huyện Sóc Sơn đã mời gần 300 giáo viên hợp đồng trong toàn huyện để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các giáo viên hợp đồng. Cuộc họp cho thấy, họ đều mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển vì đã cống hiến cho ngành Giáo dục Sóc Sơn từ năm 1995 đến nay. 

Trước sự việc trên, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, chính sách thi tuyển viên chức là của thành phố theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ. Huyện cũng đã có đề xuất lên UBND TP về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Việc muốn xét đặc cách cho các giáo viên hợp đồng thì không thuộc thẩm quyền của huyện nữa mà phải từ thành phố.

“Nếu cấp trên tạo điều kiện để có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các giáo viên hợp đồng thì tốt quá. Về phía địa phương cũng mong muốn làm sao để có thể giải quyết được cho anh chị em giáo viên hợp đồng lâu năm”, ông Lê Hữu Mạnh nói.

Lý giải việc có tới gần 300 giáo viên hợp đồng, trong đó có người tuổi đã cao mà vẫn chưa thi tuyển viên chức, bà Trần Thị Toàn, Phó trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện nay không chỉ Sóc Sơn, ở các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có tình trạng này.

Những năm chưa có Luật Viên chức ra đời, thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng cho các quận, huyện căn cứ vào nhu cầu, công việc. Khi Luật Viên chức ra đời, không thể một phát "áp" toàn bộ số giáo viên vào tuyển dụng. Đây là năm thứ 4 thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển dụng. Sở Nội vụ đề xuất cho Hà Nội cơ chế đặc thù là dùng biên chế trong chỉ tiêu định mức được giao mà chưa thể bố trí ngay được biên chế.

 

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông nhiều chỗ hư hỏng, Bộ GTVT nói gì?

Một trong những vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm tại buổi họp báo quý I/2019 của Bộ GTVT diễn ra chiều tối 28/3 liên quan đến những e ngại về khả năng đảm bảo tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nhất là khi những hình ảnh một số hạng mục đã hư hỏng, kính nứt vỡ, lan can thang cuốn hư hỏng, nhiều lớp vữa chát đã bong tróc để hở nhiều ốc vít… vừa được báo chí đăng tải.

 

cat-linh-ha-dong.jpg

Thẳng thắn thừa nhận có tình trạng trên, song ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt cho biết, dự án vẫn đang trong quá trình thi công và chưa được nghiệm thu. “Tổng thầu vẫn đang rà soát lại toàn bộ và chịu trách nhiệm sửa chữa trước khi bàn giao”, ông Phương nói.

Về tiến độ dự án, ông Phương cho biết vẫn còn khoảng 1% công việc chưa được hoàn tất, tuy nhiên chủ yếu chỉ là những hạng mục phụ như: mái che, thang cuốn, hệ thống cảnh quan cây xanh. Ban QLDA đang chỉ đạo tổng thầu, quyết tâm hoàn thành trong tháng 4.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để dự án đi vào khai thác thương mại còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, có việc đánh giá an toàn hệ thống, đăng kiểm các phương tiện, thiết bị, nghiệm thu, bàn giao.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành trong tháng 4

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định với báo chí, sẽ hoàn thiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đồng thời cam kết sẽ đưa vào vận hành trong tháng 4 tới.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt cho hay: hiện dự án đã hoàn thiện 99%, số còn lại chủ yếu liên quan tới mái che thang cuốn, hệ thống an toàn, cây xanh. Các hư hỏng do đang trong quá trình thi công, sẽ được nhà thầu khắc phục, hoàn thiện đầy đủ trước khi nghiệm thu, bàn giao.

“Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu quyết tâm hoàn thành dự án trong tháng 4”, ông Phương nói.

 

 

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ ray 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Các đoàn tàu khai thác khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016, nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ nhiều lần.

Vĩnh Phúc: Xe khách gây tai nạn làm 7 người tử vong, 3 người bị thương

Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam lái xe khách gây tai nạn làm 7 người tử vong, 3 người bị thương tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc xảy ra ngày 27/3.

 

tai-xe.jpg
Tài xế Phan Thanh Phú

 

Sáng 29-3, thượng tá Bùi Minh Tiến, trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng tài xế Phan Thanh Phú (43 tuổi, quê tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để làm rõ về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Trước đó, ngày 28-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nói trên.

Theo kết quả xét nghiệm của cơ quan giám định, không phát hiện nồng độ cồn và các chất ma túy trong máu đối với tài xế Phan Thanh Phú - người lái chiếc xe khách gây tai nạn khiến 7 người tử vong ở xã Trung Nguyên. 

 

tai-nan.jpg
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.

 

Trước đó, khoảng 5h sáng 27/3, tại ngã tư tuyến đường nối quốc lộ 2C đi Mả Lọ (địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc) xảy ra vụ tai nạn giữa xe khách chạy tuyến Vĩnh Phúc - Điện Biên với đoàn người đưa tang của thôn Trung Nguyên (xã Trung Nguyên) làm 7 người chết, 3 người bị thương. 

Theo dữ liệu giám sát hành trình gắn trên xe khách được Tổng cục Đường bộ trích xuất lúc 5h38 phút 22 giây (thời điểm xe gây tai nạn) xe có vận tốc 78km/h, sau đó về 0km/h. Trước đó 20 giây, xe chạy với vận tốc 67km/h. 

Gần 4.000 hồ sơ tồn đọng, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu xin lỗi dân

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các sở ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố... yêu cầu phải công khai xin lỗi người dân vì đã để gần 4.000 bộ hồ sơ quá hạn giải quyết của người dân và doanh nghiệp.

 

thanh-hoa.jpg

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

 

Báo cáo mới đây của Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2018, tỉnh Thanh Hóa có gần 4.000 trên tổng số 2.400.000 hồ sơ quá hạn. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc công khai xin lỗi, thông báo lý do quá hạn, gia hạn thời gian trả kết quả kịp thời, đầy đủ cho tổ chức, công dân theo quy định; không được để xảy ra tình trạng chậm trả kết quả và chậm văn bản trả lời, xin lỗi. Các kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải được công khai đầy đủ, thường xuyên cho tổ chức, công dân biết.

Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố sáng nay (28/3), Thanh Hóa đứng thứ 25 toàn quốc, tăng 3 bậc so với năm 2017.

Trước đó, tại buổi làm việc với VCCI ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, nghiêm túc thực hiện việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực và đồng thời quyết tâm loại bỏ cán bộ đạo đức xấu ra khỏi bộ máy hành chính.

Từ 1/6, cập nhật danh sách tài xế vi phạm giao thông lên mạng

Trong buổi họp báo quý I được Bộ Công an tổ chức mới đây, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất cao trong việc chia sẻ dữ liệu tài xế vi phạm giao thông và giấy phép lái xe bị tạm giữ. 

"Chậm nhất đến ngày 1/6 chúng tôi sẽ kết nối dữ liệu với Tổng cục Đường bộ và cập nhật trên mạng", ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, khi kết nối, thông tin vi phạm của tài xế cả về bằng lái, vi phạm giao thông và sử dụng ma túy đều sẽ được cập nhật thường xuyên, hai Bộ có thể sử dụng dữ liệu của nhau.

Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ nhập dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước bằng lái, cố tình báo mất để làm lại thì sẽ không được cấp mới.

Trước đó, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải cho phép công an gửi số liệu tước giấy phép lái xe. 

Tuy nhiên, thông tư lại chưa quy định việc phải gửi dữ liệu về tạm giữ bằng lái xe, nên một số đơn vị không gửi thông báo tạm giữ về các sở giao thông vận tải. 

Việc này dẫn đến cơ quan quản lý về giao thông không nắm được vi phạm của tài xế khi họ đến làm thủ tục xin cấp lại giấy phép lái xe.

Ngoài ra, việc gửi thông tin bằng văn bản có thể thất lạc hoặc chậm nên ảnh hưởng đến quá trình cập nhật dữ liệu.

 

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top