Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 12 năm 2018 | 16:54

Sự kiện 24/7: Gần 500 tỷ đồng xây 7 hồ điều tiết tại TP.HCM

UBND TP.HCM vừa đồng ý thông qua chủ trương xây 7 hồ điều tiết chống ngập cho thành phố, theo đề xuất của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập)

xay-ho.jpg

Mô đun tiêu nước được lắp đặt ở hồ điều tiết ngầm tại Q.Thủ Đức

 

Sáng 8.12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã đồng ý chủ trương xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết (6 hồ ngầm theo công nghệ Cross Wave và 1 hồ hở) theo đề xuất của Trung tâm chống ngập mới đây.

Cụ thể, dự án "Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave (theo công nghệ Nhật Bản) khu vực TP.HCM (giai đoạn 1) do Trung tâm chống ngập đề xuất có tổng mức đầu tư dự kiến 475, 269 tỉ đồng, thực hiện xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết với quy mô từ 1.500 - 20.000 m3.

7 hồ điều tiết được phân bổ tại 5 quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và quận 10, trong đó hồ điều tiết ngầm có dung tích lớn nhất 20.000m3 được đặt tại công viên Làng Hoa - quận Gò Vấp, kết hợp cùng trạm bơm công suất 4.000m3/h, cổng điều tiết, mương thu nước và cải tạo, mở rộng 35 miệng thu gom nước.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trong năm 2019 - 2020, Trung tâm chống ngập kiến nghị UBND TP cho phép phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở GTVT để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án và có thể báo cáo UBND TP trình trong đợt họp HĐND TP này.

Theo ông Tuyến, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương, phải chờ tới đầu năm 2019, nếu HĐND TP thông qua mới có thể triển khai. "Để giải quyết ngập cho TP.HCM cần kết hợp nhiều giải pháp, phù hợp với từng khu vực. Hồ điều tiết ngầm là giải pháp rất hiệu quả đã được nhiều nước áp dụng. Diện tích chiếm dụng mặt bằng gần như bằng không, tận dụng được nguồn nước cho mục đích khác, góp phần bổ sung nguồn nước ngầm cho các khu vực khan hiếm nước... là những ưu điểm nổi bật của phương pháp này" - Phó chủ tịch UBND TP nhận định.

Cô giáo Hà Nội phải kiểm điểm sau vụ học sinh bị tát

Báo cáo của Sở Giáo dục cho thấy cô giáo trường Tiểu học Quang Trung không chủ đích yêu cầu học sinh tát bạn, mà chỉ nói dọa. 

Chiều 6/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi báo cáo tới Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục) về kết quả xác minh ban đầu việc học sinh lớp 2A5 trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa) bị cô giáo phạt cho bạn tát.

 

truong-quang-trung.jpg

 

Trong văn bản, Sở khẳng định "có sự việc nêu trên". Cụ thể, giờ hướng dẫn học sinh chiều thứ hai 3/12, tại lớp 2A5, cô giáo Nguyễn Hà Trang đang hướng dẫn học sinh làm bài thì bé Minh Đức ở cuối lớp thưa rằng "bạn Lê Phong trêu con".

"Trong lúc nghe học sinh phát biểu, cô Trang nói dọa tát cho bạn cái, rồi quay ra hướng dẫn bài cho các em khác. Học sinh Minh Đức quay xuống bàn và tát bạn Phong. Khi phát hiện, cô Trang đã xuống cho dừng sự việc. Sau đó mọi hoạt động học tập của lớp vẫn diễn ra bình thường", báo cáo nêu. 

Tối cùng ngày, cô Trang điện thoại tới gia đình học sinh Phong để thông báo và trao đổi sự việc, nhưng không liên lạc được. Chiều 4/12, cô giáo cùng Ban Giám hiệu nhà trường đến nhà thăm hỏi học sinh Phong và xin lỗi về sự việc đáng tiếc. Ngày 5/12, bé Phong trở lại trường học tập bình thường.  

Chiều 5/12, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung đã quyết định đình chỉ công tác đối với cô giáo Nguyễn Hà Trang trong 15 ngày để xác minh sự việc. Cô giáo phải làm kiểm điểm, giải trình rõ và tự nhận mức kỷ luật. Lớp 2A5 được giáo viên khác dạy thay.

"Xác định đây là sự việc liên quan đến phương pháp giáo dục và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, cần xử lý nghiêm, UBND quận Đống Đa đã thành lập đoàn thanh tra công vụ làm rõ", báo cáo nêu. 

Trước ngày 15/12,  phải báo cáo hình thức kỷ luật giáo viên. 

Nhà máy đốt rác phát điện hơn 1.000 tỷ đồng ở Cần Thơ hoạt động

Được xây trên diện tích 5,3 ha, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải và phát ra lượng điện 150.000 kWh mỗi ngày.

 

nha-may-rac.jpg

Nhà máy đốt rác phát điện chạy thử nghiệm giữa tháng 10. Ảnh: Cửu Long.

 

Ngày 8/12, sau hơn một năm xây dựng, nhà máy đốt rác thải sinh hoạt - phát điện có vốn đầu tư hơn 1.050 tỷ đồng tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) khánh thành.

Công trình do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, được xây trên diện tích 5,3 ha, sử dụng công nghệ hiện đại độc quyền của chủ đầu tư, công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát ra lượng điện 150.000 kWh mỗi ngày.

Tất cả chỉ số về không khí, khói bụi, môi trường đều được thể hiện online và gửi về cho các đơn vị chủ quản (trạm quan trắc) theo dõi với tần suất 15 phút một lần.

Hiện, mỗi ngày TP Cần Thơ có khoảng 600-650 tấn rác thải được thu gom; đưa đến các Khu xử lý chất thải rắn ở quận Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ với công nghệ chôn lấp và đốt không thu hồi năng lượng.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đánh giá, Nhà máy đốt rác phát điện là dự án đầu tiên tại địa phương đưa công nghệ tiên tiến xử lý rác thải sinh hoạt, tạo nguồn năng lượng mới, giảm ô nhiễm và cải thiện môi trường sống...

Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam bị rải đinh dày đặc

 

cau-vuot.jpg

Chưa đầy 20 m có đến gần 30 cây đinh dài 5-7 cm nằm trên mặt cầu. Ảnh: Giang Chinh

 

Từ ngày 2 đến ngày 4/12, nhiều người đi qua cầu cao tốc Tân Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) tiếp tục phát hiện nhiều đinh sắt suốt dọc 5 km.

Ghi nhận của P.V, trên quãng đường chưa đầy 20 m có gần 30 chiếc đinh các loại, nhiều chiếc dài 5-7 cm, có chiếc đã qua sử dụng cong queo. Chiều từ Đình Vũ (quận Hải An) sang thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải) số lượng đinh rải dày hơn chiều ngược lại và cả bốn làn xe đều có đinh. Với tốc độ lưu thông cho phép 70 km/h, nguy cơ tai nạn nghiêm trọng khi xe cán đinh là rất cao.

Hầu hết phương tiện qua cầu, đặc biệt là xe máy phải chạy chậm để tránh đinh. Một số lái xe thậm chí dừng lại, nhặt đinh vứt đi tránh tai nạn cho mình và xe khác.

Đầu giờ sáng 4/12, công nhân của Xí nghiệp quản lý bảo dưỡng đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện (đơn vị bảo dưỡng, vận hành cầu) đã gom được khoảng 0,3 kg. "Đơn vị bảo trì cầu đã dùng xe phun nước rửa trôi đinh và xe hút đinh nhưng không xuể", lãnh đạo Xí nghiệp cho hay. 

Nhận định "có người chủ đích rải đinh", Xí nghiệp đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng của Hải Phòng đề nghị phối hợp điều tra. Trước mắt, để đảm bảo an toàn tính mạng người tham gia giao thông, đơn vị cũng cắt cử 10 nhân viên đi dọn vệ sinh và thu gom đinh hằng ngày. 

Đây là lần thứ ba trong vòng nửa tháng qua, cây cầu này bị rải đinh. Hôm 19-20/11, đơn vị vận hành cầu đã gom được khoảng 2 kg đinh, đến ngày 28/11 đinh tiếp tục xuất hiện, đã có xe máy dính đinh phải dắt bộ. 

Trung tá Lê Anh Sơn, Đội trưởng đội 4, Phòng CSGT Công an Hải Phòng cho biết, ban giám đốc đã giao công an quận Hải An điều tra. Đội cảnh sát giao thông sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, mật phục để ngăn chặn hành vi xấu tái diễn. Phía doanh nghiệp cũng dự kiến lắp camera an ninh hai đầu cầu, bố trí phương tiện cứu hộ xe gặp nạn.

Cầu Tân Vũ - Cát Hải là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trên tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện nối nội thành Hải Phòng với đảo Cát Hải. Tuyến đường dài hơn 15 km, trong đó riêng cầu dài 5,4 km.

Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh chưa sáp nhập sở, ngành

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban). 

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện nghị quyết Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ đã xây dựng các dự thảo Nghị định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện trình Chính phủ. Đây sẽ là cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp, tổ chức các cơ quan chuyên môn trên địa bàn, do vậy trong khi Chính phủ chưa ban hành hai Nghị định nói trên thì việc sáp nhập sở, ngành tạm dừng.

Trước đó trong tháng 4, Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành để lấy ý kiến.

Trong dự thảo ban đầu, với 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là 4 Sở được đề xuất giữ nguyên gồm Tư pháp, Tài nguyên Môi trường, Lao động Thương binh Xã hội và Y tế.

Nhóm thứ hai là 10 sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông.

Nhóm thứ ba là các cơ quan cũng được đề xuất giao cho cấp tỉnh chủ động giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất, cụ thể: Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh, thành ủy; Thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra tỉnh, thành ủy; Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương, trong đó có Sở Quy hoạch – Kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội và TP HCM; 3 sở khác do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch (căn cứ vào tiêu chí, các tỉnh chủ động thành lập hoặc không).

Nghệ An phải truy thu hơn 100 tỷ đồng từ các thương binh giả

Chiều 5/12, tại cuộc họp báo chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Nghệ An khóa 17, bà Hồ Thị Châu Loan, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết Sở đã đình chỉ chế độ của 568 trường hợp hưởng sai chế độ thương binh. Số tiền thương binh giả hưởng là hơn 118 tỷ đồng. Trung bình mỗi người nhận từ 100 đến 200 triệu đồng trong 10 năm qua.

"Đến nay tỉnh đã truy thu được hơn 2,2 tỷ đồng. 66 người hưởng sai đã qua đời nên không thể thu hơn 6 tỷ đồng", bà Loan nói và cho biết việc truy thu gặp khó khăn. Người hưởng chế độ trợ cấp nhiều năm, trong khi số tiền truy thu phải từ lúc bắt đầu hưởng cho tới lúc dừng. Nhiều trường hợp đã cao tuổi, thu nhập thấp. 

Nghệ An chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 77.000 người có công với số tiền gần 115 tỷ đồng mỗi tháng. Ba tháng trước, qua thanh tra ngẫu nhiên hàng nghìn hồ sơ thương binh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát hiện 568 trường hợp hưởng sai chế độ thương binh.

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top