Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 10 năm 2017 | 10:25

Sự kiện 24/7: Ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Tuần qua ghi nhận nhiều tin tức “tốt lành” như khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017; Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực trong công tác cải cách hành chính; các “ông lớn” xăng dầu thay đổi hình ảnh, cách phục vụ để cạnh tranh… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn khi báo chí không được quyền tự do tham dự họp Thường vụ Quốc hội, hay việc bác sĩ bị phạt tiền vì bôi nhọ Bộ trưởng Bộ Y tế trên mạng xã hội… gây nhiều tranh cãi.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC là sự kiện quan trọng trước thềm Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng (6-11/11)

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM 2017) đã chính thức khai mạc tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam vào sáng 21/10. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chào mừng.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, Chủ tịch FMM 2017 Đinh Tiến Dũng, trong các phiên họp diễn ra buổi sáng ngày 21/10, các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 có phiên thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, hợp tác tài chính trong khu vực và toàn cầu, bao gồm các vấn đề kinh tế nổi bật, thách thức với các nền kinh tế APEC và những chính sách ứng phó phù hợp. 

Tiếp đó, Bộ trưởng, Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các đại biểu tham dự FMM 2017 thảo luận về các chủ đề ưu tiên trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, và Tài chính bao trùm.

Buổi chiều cùng ngày, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC có phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) về một số vấn đề và khuyến nghị để tăng cường đóng góp của khu vực tư nhân vào Tiến trình Bộ trưởng Tài chính. Tiếp đó, các Bộ trưởng cùng thảo luận tình hình thực thi Chiến lược thực hiện Kế hoạch hành động Cebu và thảo luận những vấn đề khác.

Một nội dung quan trọng khác được các Bộ trưởng, Trưởng đoàn xem xét thông qua đó là Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC.

Bộ KH&CN nỗ lực cải cách hành chính

Tại buổi kiểm tra do Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 20/10, nhiều ý kiến bày tỏ ấn tượng trước những nỗ lực của Bộ.

Theo đó, Bộ này đã phối hợp với các Bộ, trình Thủ tướng bãi bỏ 114 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng theo Quyết định số 37 năm 2017 của Thủ tướng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh báo cáo những kết quả mà Bộ này đã thực hiện được trong cải cách hành chính.

Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành Thông tư 07 năm 2017, theo đó chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30.000 lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh thừa nhận kết quả đánh giá của nước ngoài, xã hội hóa toàn bộ hoạt động đánh giá sự phù hợp, ban hành Thông tư 02 năm 2017 để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với một số nhóm sản phẩm hàng hóa, đồng thời làm rõ cách thức tiền kiểm, hậu kiểm…

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong tháo gỡ khó khăn cho  hàng hóa xuất nhập khẩu và thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

“Bộ có quyết tâm rất cao, có thể nói là mẫu mực trong việc thực hiện cải cách theo yêu cầu của Chính phủ. Nhiều nơi còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm nghiệm, nhưng Bộ không vấp phải điều này, mà xã hội hóa rất mạnh, có thể nói là ưu việt nhất”, Tổ trưởng nói.

Ông Phan Văn Sáu xin thôi chức Tổng Thanh tra Chính phủ

Tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi xung quanh lý do miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.

Tổng thư ký Quốc hội cho hay, việc miễn nhiệm xuất phát từ lý do ông Phan Văn Sáu có đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ vì lý do sức khỏe, gia đình để chuyển sang nhiệm vụ, vị trí công tác khác cho phù hợp.

Ông Phan Văn Sáu xin thôi chức sau khi nắm giữ chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ chưa lâu.

Về lo lắng ông Phan Văn Sáu mới làm được một thời gian đã xin thôi thì có lãng phí trong công tác nhân sự, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng: “ Điều này khó nói trước. Cán bộ đang công tác ở địa phương được điều chuyển lên Trung ương có thể hồ hởi, phấn khởi. Tuy nhiên sau thời gian công tác, cán bộ đó có thể do sức khỏe, do vấn đề gia đình nên họ không đảm bảo được việc thực hiện nhiệm vụ và có đơn xin thôi thì nên ủng hộ".

Ông Phúc cho biết thêm việc phê chuẩn Tổng Thanh tra Chính phủ mới sẽ dựa trên danh sách nhân sự do Chính phủ trình ra Quốc hội, còn việc có phê chuẩn hay không là quyền của Quốc hội,

“Báo chí được quyền dự họp Thường vụ Quốc hội, nhưng là… khi được mời”

Giải thích về việc hạn chế báo chí theo dõi, đưa tin về các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội gần đây, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn giải, trong quy chế làm việc của cơ quan này có quy định báo chí được quyền tham dự phiên họp của Thường vụ nhưng “là khi được mời chứ không phải có quyền tham gia tất cả”…

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, nơi chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, đòi hỏi có thời gian và điều kiện để thành viên Thường vụ bàn sâu, bàn kỹ các vấn đề.

Vì thế, Tổng thư ký Quốc hội lý giải, công tác báo chí rất thận trọng. Văn phòng Quốc hội đã xin ý kiến lãnh đạo Thường vụ Quốc hội để có quy định về báo chí trong việc đưa tin các phiên họp trên cơ sở luật báo chí để thực hiện.

Đối chiếu với Điều 4 Nội quy làm việc của UB Thường vụ Quốc hội, ông Phúc dẫn giải, trong quy chế có quy định báo chí được quyền tham dự phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội nhưng quyền này là “khi được mời chứ không phải có quyền tham gia tất cả”.

Tổng Thư ký Quốc hội giải thích thêm, đối với dự án Luật trình lần đầu, cần xin ý kiến sâu thì Thường vụ hạn chế báo chí, thậm chí có nội dung không mời báo chí, còn các văn bản sau khi qua thảo luận tại UB thường vụ Quốc hội rồi, trình Quốc hội rồi thì đương nhiên nội dung đó công khai, không hạn chế báo chí đưa tin. Tổng Thư ký dẫn chứng với dự thảo luật An ninh mạng được trình xin ý kiến Thường vụ lần đầu vừa qua, không cơ quan báo chí nào được nghe.

Bộ Y tế: “Bác sĩ bị phạt tiền vì bôi nhọ Bộ trưởng là do địa phương”

Liên quan việc Thừa Thiên - Huế phạt tiền bác sĩ bôi nhọ Bộ trưởng, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, việc tài khoản Facebook của bác sĩ Hoàng Công Truyện, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bôi nhọ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đã xảy ra từ lâu. Bộ Y tế chỉ "nhắc nhở Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, đề nghị phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông làm rõ sự việc, xử lý theo vi phạm". 

Chánh Văn phòng Bộ cho biết ngành y tế rất cần những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, có thể gặp trực tiếp hoặc qua các kênh chính thức. Bộ thường xuyên tiếp nhận thư, ý kiến góp ý cả thư khen, chê, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý thông tin góp ý. Cũng theo ông Trường, văn bản nhắc nhở được ký khi có một cán bộ trong ngành phát ngôn chưa chuẩn hoặc có thái độ phục vụ chưa tốt từ phản ánh của người dân hay báo chí, là chuyện bình thường. Trong đó nội dung văn bản đều ghi rõ yêu cầu xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có và báo cáo về Bộ. 

"Quyết định xử phạt bác sĩ 5 triệu đồng là của Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế. Bản thân bác sĩ cũng đã nhận lỗi của mình", ông Trường nói. 

Trước đó, ngày 19/10, trong buổi họp thường kỳ do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh thông báo vừa ra quyết định xử phạt bác sĩ Truyện 5 triệu đồng. Kết quả xác minh, tối 14/7, ông Truyện đăng trên Facebook cá nhân “hoàng công truyện” nội dung: Bộ trưởng Y tế nên thôi chức, không về cơ sở; yếu kém công tác tham mưu an ninh ở bệnh viện...; kèm theo đó là hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ngày 15/7, Bộ Y tế gửi công văn yêu cầu Sở Y tế Thừa Thiên - Huế phối hợp với công an tỉnh kiểm tra và xác minh thông tin cá nhân của chủ tài khoản Facebook này. Bộ Y tế cho rằng nội dung trên là "bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y; ảnh hưởng uy tín ngành nói chung và tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của người dân với cá nhân bộ trưởng nói riêng".

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo báo cáo về việc phạt bác sĩ "nói xấu" Bộ trưởng Y tế, yêu cầu Cục trưởng PTTH&TTĐT kiểm tra, báo cáo; yêu cầu thanh tra Bộ xem xét quyết định xử phạt của Sở.

Phó Cục trưởng PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Chung cho biết, Cục đã nhận chỉ đạo của Bộ trưởng, có tiếp cận thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí về sự việc này. “Sau khi có thông tin cụ thể, xác định chính xác nội dung sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin cho báo chí”, ông Chung cho biết.

'Ông lớn' xăng dầu Việt đua thay đổi hình ảnh với khách hàng

Hình nộm nhân viên tươi cười giơ tay "Xin chào, cảm ơn quý khách" ở một số trạm xăng của doanh nghiệp Việt gây sự chú ý. 

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) bắt đầu đặt những hình nộm là nhân viên cây xăng kèm dòng chữ "Xin chào, cảm ơn quý khách" ở một số trạm xăng từ dịp lễ Quốc khánh 2/9.

Tuy nhiên, thời điểm ấy không nhiều khách hàng để tâm. Thay vào đó, sau khi hình ảnh "cây xăng cúi chào" của đại gia Nhật mới gia nhập thị trường với phong cách phục vụ thân thiện và độ chính xác 0,01 lít xuất hiện, những hình nộm này mới được người mua xăng chú ý hơn. Không ít người cho rằng đây là động thái cạnh tranh "đáp trả" của doanh nghiệp Việt.

Ông Cao Hoài Dương – Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) khẳng định ý tưởng này chỉ là một phần trong chiến lược tiếp cận gần hơn tới khách hàng của PV Oil, lãnh đạo đơn vị này cũng thừa nhận sự xuất hiện của IQ8 sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có PV Oil.  "Tôi rất hoan nghênh sự có mặt của đại gia ngoại này. “Càng nhiều nhà phân phối thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi nhiều”, ông nói.

Tương tự, một “ông lớn” khác là Petrolimex cũng ồ ạt đưa ra chiến dịch tiếp thị, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của các đối thủ. Ông Nguyễn Quang Dũng – Phó tổng giám đốc Petrolimex tự tin, với sự định vị chắc chắn của mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên khắp thị trường, Petrolimex sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch  trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.

Lâu nay bán lẻ xăng dầu vẫn được coi là "đất riêng" của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nội địa. Dù có tới 29 đơn vị đầu mối xăng dầu nhưng phần lớn thị phần lại nằm trong tay các đại gia lớn như Petrolimex, PVOil, Saigon Petro... Do đó, theo nhiều chuyên gia, khi chuỗi phân phối xăng dầu của Idemitsu Q8 (IQ8) hình thành, thị trường phân phối xăng dầu được phát tín hiệu cạnh tranh hơn.

Sự xuất hiện của người Nhật có thể khiến không ít kỳ vọng đây là làn gió mới “vẽ lại bản đồ trên thị trường bán lẻ xăng dầu”. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng chờ đợi nhất không chỉ vậy mà còn là một cách phục vụ văn minh đi kèm cam kết về chất lượng, độ chính xác trong đo đếm và được hưởng giá rẻ hơn…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói đến cuộc cạnh tranh về giá bán lẻ xăng dầu do giá cơ sở vẫn do Nhà nước quyết định chứ không phải thị trường.

Tuyển thủ nữ Việt Nam lọt Top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu

Theo hãng truyền hình quốc gia lâu đời nhất thế giới BBC (British Broadcasting Corporation), tuyển thủ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Dung đã được chọn vào trong danh sách 100 phụ nữ nổi bật toàn cầu năm 2017.

Tuyển thủ Tuyết Dung vinh dự lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu 2017.

BBC đã đến Việt Nam ghi hình Tuyết Dung, thực hiện phóng sự giới thiệu tiền vệ của ĐT nữ Việt Nam vào đầu tháng 10 vừa qua. BBC cũng ghi hình buổi tập của đội bóng nữ Hà Nam và đội tuyển nữ Việt Nam. Phóng sự về chân dung 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu của BBC chạy bằng tiếng Anh và 28 thứ tiếng trên thế giới.

Đây là lần đầu tiên một cầu thủ nữ Việt Nam vinh dự góp mặt trong danh sách các nhân vật nữ vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu của năm do BBC bình chọn.

Tuyết Dung cho biết cô rất bất ngờ khi được BBC liên hệ để ghi hình. Cô xem đây là một động lực lớn để cố gắng hoàn thiện bản thân và thi đấu tốt hơn và đóng góp cho tuyển nữ Việt Nam.

“Sau HCV SEA Games 29, tôi mong muốn tột cùng là giành vé dự World Cup. Tôi chưa bao giờ quên được lần thất bại trước Thái Lan ở sân Thống Nhất, qua đó mất vé dự World Cup”, cầu thủ xuất sắc nhất của tuyển nữ Việt Nam cho biết.

Tuyết Dung cũng là cầu thủ góp công lớn giúp trong việc đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự VCK Asian Cup và giành HCV SEA Games 29.

Hải quan Tân Sơn Nhất bác bỏ trách nhiệm trong vụ VN Pharma

Chiều 20/10, TAND Cấp cao tại TP HCM triệu tập ông Phạm Đình Chương (cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất) đến phiên xử Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) và đồng phạm.

Động thái này diễn ra sau khi VKS đề nghị xem xét trách nhiệm của hải quan làm thủ tục thông quan lô thuốc H- Capita cho VN Pharma nhập về.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Hùng thừa nhận trách nhiệm về những hành vi đã làm sai. Một lần nữa ông khẳng định "trong ý chí không muốn nhập thuốc không rõ nguồn gốc".

Trả lời tòa, ông Chương cho biết, về tính pháp lý và logic của hồ sơ, tại thời điểm đó ông không biết giấy này là giả nên làm thủ tục thông quan. Trong hồ sơ ngày ký hợp đồng có trước, hay giấy phép kinh doanh có trước, thì hải quan không đủ căn cứ để xác minh.

Kết luận giám định của Viện khoa học Hình sự Bộ Công an xác định, các tài liệu thông quan hàng do VN Pharma cung cấp. Khi làm thủ tục hải quan, các bị can đã ghi lùi ngày trên hợp đồng nhập khẩu để phù hợp với giấy chứng nhận hoạt động của Công ty Austin Hong Kong tại Việt Nam đã hết hạn. Vì vậy khi kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, ông Phạm Đình Chương cán bộ hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất không phát hiện hành vi gian dối của VN pharma.

Cuối phiên làm việc, tranh luận lại với ý kiến bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, những kiến nghị trước đó của cơ quan công tố không khẳng định hành vi của các bị cáo phạm tội gì, như thế nào. "Qua ý kiến của các luật sư và các bị cáo chúng tôi thấy cần thiết phải điều tra lại", đại diện VKS nêu.

VKS cũng đồng tình với các luật sư là phải làm rõ các tình tiết, trong đó có công văn của Cục Ngoại giao gửi công an xác minh Công ty Helix Canada là không có thật. Nhưng qua lời trình bày của các bị cáo công ty này là có thật nên cần làm rõ.

HĐXX cho biết sẽ tuyên án vào sáng 23/10.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top