Sau rất nhiều ý kiến phản hồi cũng như những bất cập nhìn thấy rõ từ thực tế, Bộ Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư đã cùng nhau ngồi lại bàn phương án điều chỉnh giá một loạt các dự án BOT. Cũng nhờ sự phản hồi từ các phương tiện truyền thông mà rất có thể vùng biển Bình Thuận sẽ không phải đón nhận khối lượng bùn cần nhận chìm của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xem xét điều chỉnh điểm ưu tiên trong tuyển sinh CĐ-ĐH… và đây cũng là những tin nổi bật nhất trong tuần qua.
Giảm thu phí hàng loạt tuyến đường BOT
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các Nhà đầu tư dự án BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) vừa rà soát, đàm phán để điều chỉnh giá được 35 dự án; 27 dự án có mức vé thấp hơn mức bình quân. Nhiều bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cũng được xử lý.
Theo Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ GTVT đã xúc tiến trên cơ sở rà soát điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.
Việc điều chỉnh giá các trạm thu phí BOT nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Về bất cập tại các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, Bộ GTVT và các Nhà đầu tư dự án BOT đã nghiêm túc rà soát, đàm phán để điều chỉnh giá được 35 dự án; 27 dự án có mức vé thấp hơn mức bình quân; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn so với phương án tài chính.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã thỏa thuận quyết toán 51 dự án BOT, đã đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án và đang tính toán điều chỉnh phương án tài chính của 28 dự án theo hướng ưu tiên giảm mức phí so với dự kiến trước đây.
Về xử lý bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đến ngày 31/7, Bộ GTVT đã xử lý bất cập về giá của 4 dự án với 5 trạm thu phí.
Cụ thể, Dự án xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình; Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Hà Tĩnh, Trạm Cầu Rác; Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xây dựng phương án giảm giá, đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp thuận đối với 5 dự án với 4 trạm thu phí, gồm: Dự án ĐTXD công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063+877-Km1092+577, tỉnh Quảng Ngãi;
Dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Đồng Hới; Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn Km672+600-Km704+900, tỉnh Quảng Bình; Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549-Km605+000 và đoạn Km617+000-Km641+000, tỉnh Quảng Bình; Dự án ĐTXD công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức BOT.
Để tiếp tục xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ, Bộ GTVT yêu cầu các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ nghiên cứu đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tham gia ý kiến, xây dựng phương án giải quyết các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ GTVT xem xét, quyết định.
Bộ GTVT giao các Ban Quản lý dự án chỉ đạo Nhà đầu tư các dự án đã quyết toán nhưng chưa ký phụ lục Hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí của dự án khẩn trương cập nhật lưu lượng thực tế, giá trị quyết toán công trình để tính toán lại phương án tài chính, giảm giá dịch vụ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trình Bộ thống nhất để ký phụ lục Hợp đồng điều chỉnh theo quy định.
Trên cơ sở các nguyên tắc việc giảm giá vẫn phải đảm bảo khả thi về phương án tài chính của các dự án; giá phí trên cùng tuyến đường phải có mức tương đồng; Ưu tiên giảm mức tăng phí đối với những dự án có mức tăng phí cao cho phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và mức lạm phát trong thời điểm hiện nay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất không nhận chìm bùn xuống biển Bình Thuận
Thay vì nhận chìm một triệu mét khối chất nạo vét xuống biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề xuất phương án đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Theo đó, chất thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có các thông số cơ lý tốt, chịu được tải cao, có thể sử dụng để san lấp biển.
Đề xuất không nhận chìm bùn ở vùng biển Bình Thuận sẽ đảm bảo an toàn cho môi trường biển.
Dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141ha mặt nước, trong đó khoảng 51ha dùng để san lấp xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng và dịch vụ cảng; khoảng 90ha để làm khu mặt nước của cảng (gồm công trình thủy công, khu quay trở tàu…). Đại diện Cảng cho biết khu vực lấn biển có thể tiếp nhận ngay một triệu mét khối vật chất nạo vét.
Nguồn tin từ Bộ TN&MT cho biết Bộ đã trình Thủ tướng phương án sử dụng gần một triệu mét khối vật chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vào khu vực thuộc dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đây cũng là đề xuất của tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, Bộ đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Thời gian thực hiện từ tháng 6-10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30ha, cách Hòn Cau 8km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là 31-36m.
Đại diện Bộ khẳng định giấy phép nhận chìm mới là căn cứ để chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các khâu chuẩn bị khác, chưa phải giao biển cho doanh nghiệp.
Quyết định này vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học và tổ chức liên quan, vì cho rằng có thể xảy ra "thảm họa môi trường". Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá mức độ tác động môi trường nếu thực hiện phương án nhận chìm.
Tỉnh Bình Thuận sau đó có văn bản gửi một số cơ quan Trung ương và Bộ Tài nguyên đề xuất dùng chất nạo vét san lấp công trình kè biển chống sạt lở ở Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận cao của giới khoa học. Theo tiến sĩ Tô Văn Trường, chủ đầu tư cần chấp thuận giải pháp này dù tốn kém về kinh tế hơn rất nhiều so với phương án nhận chìm ra biển Bình Thuận.
Xét tuyển ĐH,CĐ: Sẽ xem xét điều chỉnh điểm ưu tiên
Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập sau kỳ thi THPT 2017 quốc gia như việc xuất hiện “mưa điểm 10”, nhiều ngành sư phạm lấy chuẩn thấp chỉ từ 9 điểm hay việc ưu tiên cộng điểm trong xét tuyển đại học bất cập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng xã hội cần nhìn nhận một cách bình tĩnh, thấu đáo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, về hiện tượng “mưa điểm 10”, 30 điểm vẫn trượt đại học, 9 điểm/3 môn đỗ cao đẳng Sư phạm, có hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không nhập học đợt 1, dư luận xã hội cần nhìn nhận các hiện tượng trên một cách bình tĩnh, thấu đáo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ xem xét điều chỉnh điểm ưu tiên sao cho hợp lý.
Theo Bộ trưởng, phương thức thi trắc nghiệm khách quan nhìn một cách tổng thể thì chúng ta được nhiều hơn. Nếu như năm ngoái, điểm 10 thường rơi vào trường hợp rất giỏi hoặc học tủ thì năm nay có thay đổi một chút. Bởi lẽ, đề thi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức rộng, trải dài sẽ tạo cơ hội cho nhiều học sinh có cơ hội được điểm cao.
Bộ trưởng cho rằng, năm nay nội dung thi chỉ tập trung trong chương trình lớp 12, trong quá trình học tập học sinh có 3 lần được làm quen với dạng thức đề thi, tạo thuận lợi cho thí sinh ôn tập. Tuy kết quả có nhiều điểm tuyệt đối hơn nhưng theo số liệu thống kê, điểm 9-10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước.
Đây là năm đầu tiên chúng ta triển khai đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa, kết quả như vậy đã là một sự cố gắng lớn, tuy nhiên cần phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để năm sau đề thi có sự phân hóa tốt hơn nữa: “Ngành Giáo dục sẽ khắc phục bằng việc rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa rõ nét hơn nữa- Bộ trưởng nói.
Về vấn đề cộng điểm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là chủ trương tốt và đầy nhân văn, không chỉ ở nước ta mà nước khác cũng áp dụng.
“Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi, khu vực 1-2-3 sự chênh lệch điều kiện đã khác xưa thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Và Bộ sẵn sàng lắng nghe để có điều chỉnh phù hợp”- ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, trường nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn và ngược lại, có ngành chúng ta có năng lực đào tạo rất tốt nhưng thị trường không cần thì phải giảm, thậm chí đóng cửa.
Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái kê khai tài sản chưa đầy đủ
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, cho biết đoàn thanh tra đã hoàn tất dự thảo kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý.
Ông cho biết, đoàn thanh tra đã thông báo tới lãnh đạo tỉnh Yên Bái và chốt thời gian thông báo kết luận thanh tra này trong vài ngày tới. Sau khi công bố kết luận, Tỉnh ủy Yên Bái sẽ có trách nhiệm thực thi xử lý theo kết luận.
"Kê khai không trung thực là có biểu hiện gian dối. Còn trường hợp ông Quý là kê khai chưa đầy đủ, kê khai thiếu" - ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.
Nói về kết quả thanh tra, ông Đạt cho biết, ông Phạm Sỹ Quý kê khai tài sản trung thực nhưng chưa đầy đủ. "Kê khai không trung thực là có biểu hiện gian dối. Còn trường hợp ông Quý là kê khai chưa đầy đủ, kê khai thiếu. Theo quy định, việc kê khai tài sản của cán bộ vào tháng 12 hàng năm", ông Đạt giải thích.
Trước đó, ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTCP thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái, việc chấp hành pháp luật của UBND tỉnh Yên Bái về minh bạch tài sản thu nhập.
Đoàn thanh tra gồm 6 thành viên do ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng làm trưởng đoàn.
Theo quyết định này, đoàn sẽ thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái đối với thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có liên quan đến hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái); Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai liên quan đến thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân của gia đình bà Hoàng Thị Huệ.
Thời gian thanh tra 15 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2010 đến tháng 6/2017, khi cần thiết có thể xem xét đến trước và sau thời kỳ nêu trên.
Nguyễn Tố (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.