Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2019 | 14:55

Sự kiện 24/7: Hà Nội chính thức tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế

Hà Nội chính thức điều chỉnh giá của gần 2.000 dịch vụ y tế, trong đó nhiều dịch vụ tăng từ 50.000-200.000 đồng.

dich-vu-y-te.jpg

Ngày 1/5, Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đối với cơ sở KCB công lập trên địa bàn Hà Nội chính thức có hiệu lực.

Theo đó, các cơ sở KCB công lập của Hà Nội bắt đầu áp dụng giá viện phí mới cho người bệnh không có thẻ BHYT, với 10 dịch vụ KCB, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.

Trong số gần 2.000 dịch vụ được điều chỉnh, chỉ có một số ít giảm, còn lại phần lớn là tăng do cơ sở tính giá điều chỉnh theo mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng tăng lên 1.390.000 đồng.

Điển hình, giá giường nằm điều trị tính theo ngày hồi sức tích cực của bệnh viện hạng I (Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang...) tăng từ 632.000 đồng/ngày lên 678.000 đồng/ngày; giá ngày giường hồi sức cấp cứu từ 336.000 đồng/ngày lên 411.000 đồng/ngày; khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa, khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) tăng từ 120.000 đồng lên 145.000 đồng...

Những người bệnh vào điều trị tại bệnh viện của Hà Nội từ trước ngày 1/5 và ra viện sau 1/5 vẫn được áp dụng mức viện phí cũ.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 86,7% dân số đã tham gia BHYT, chỉ có 13,3% người dân chưa tham gia. Các đối tượng chưa tham gia BHYT có mức sống ổn định, thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Vì thế, việc tăng giá dịch vụ y tế có thể được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của thành phố, cũng như không tạo sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn.

Việc tăng giá KCB chỉ tác động đến đối tượng chưa tham gia BHYT, về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua, hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT và được BHYT thanh toán phần lớn chi phí khi KCB.

Việc tăng giá cũng sẽ khuyến khích người dân mua thẻ BHYT, vì nhiều dịch vụ kỹ thuật đắt tiền như chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có giá gần 20,5 triệu đồng, với người có thẻ BHYT sẽ được quỹ thanh toán tối đa 80%, chỉ còn cùng chi trả 4 triệu đồng.

Triệt phá các đối tượng, cơ sở đưa tạp chất vào tôm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn điều tra, triệt phá dứt điểm các đối tượng, cơ sở đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

 

tom.jpg

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về báo cáo kết quả triển khai Đề án kiểm soát, ngăn chặn tạp chất trong tôm. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyên truyền về tác hại của tôm chứa tạp chất, về công tác phòng, chống tình trạng đưa tạp chất vào tôm, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương thường xuyên, định kỳ tổ chức các đợt thanh tra liên ngành về hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất và hướng dẫn xử lý theo Bộ Luật hình sự. Trường hợp không xác định được tội danh, chủ động đề xuất giải pháp với cơ quan có thẩm quyền.

Tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn điều tra, triệt phá dứt điểm các đối tượng, cơ sở đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất; các đối tượng nước ngoài thực hiện các hoạt động mua, bán, thuê gia công, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm tôm trái quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, lưu thông và phân phối sản phẩm tôm có chứa tạp chất; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm tạp chất trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối sản phẩm trên thị trường.

Lập 3 đoàn kiểm tra thực hiện tăng giá điện

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra về thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

 

gia-dien.jpg

Theo quyết định này, Trưởng đoàn là lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực. Thành viên đoàn gồm đại diện các đơn vị: Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện Quyết định 648, công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện, kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng.

Đối tượng kiểm tra là các tổng công ty điện lực và một số khách hàng sử dụng điện. Thời gian kiểm tra từ ngày 8-10/5.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 3/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về các thông tin liên quan đến điều chỉnh giá bán điện.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và việc thu tiền điện gây bức xúc cho người dân.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.

Gần 9.800 ca TNGT phải nhập viện dịp nghỉ lễ 30/4

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 40 sở y tế và một số bệnh viện (BV) Trung ương, trong dịp nghỉ lễ từ 27/4-15/5, cả nước có 9.798 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT).

 

tn.jpg

Ngày 1/5, Khoa Câp cứu của BVViệt Đức vẫn đông bệnh nhân bị tai nạn được chuyển đến. Ảnh: VOV

 

Trong gần 9.800 trường hợp này có 3.417 người ở mức độ nhẹ, xử trí và cho về trong ngày; 2.906 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị nội trú; 492 trường hợp chuyển tuyến trên; 52 trường hợp bị TNGT đã tử vong tại BV, tử vong trước khi đến BV và tiên lượng tử vong xin về - Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin.

Cũng theo số liệu thống kê từ 40 sở y tế và một số BV Trung ương, trong 5 ngày nghỉ lễ đã có 273.876 trường hợp đến khám, cấp cứu; 56.622 bệnh nhân được ra viện và đón 5.413 trẻ chào đời.

Trong 5 ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ cả nước xử lý gần 12.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tạm giữ 138 ô tô, 2.288 mô tô và 2.274 giấy tờ các loại. Về đường thủy, đã xử lý 2.342 trường hợp vi phạm TTATGT.

Nguyên nhân là lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn; vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường; chở quá số người quy định; chuyển hướng không báo  hiệu; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Tăng nặng xử phạt đối với tài xế uống rượu bia

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có Chỉ thị 04 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

 

tai-nan-gt.jpg

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong thời gian qua, trên toàn quốc đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong xã hội.

“Nguyên nhân ban đầu của một số vụ tai nạn giao thông cho thấy có tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia dẫn đến trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GTVT chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị trong ngành giao thông không được sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác trong thời gian làm nhiệm vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông và các đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Tổng cục Đường bộ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng công chức thanh tra giao thông, Thanh tra giao thông của Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, các đơn vị nêu trên phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẩn trương phối hợp với các đơn vị là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân năm 2020.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp tài liệu (video clip, tờ rơi, thông điệp…) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia-Không lái xe” cho các cơ quan, đơn vị thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top