Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị người dân yên tâm, bình tĩnh không dao động, không mua hàng tích trữ. TP khẳng định đủ hàng hóa và không tăng giá.
Tại phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chiều 20/3, Chủ tịch UBND Thành phố nhận định, qua phân tích tình hình tại Việt Nam cho thấy đang diễn ra ngược với dịch bệnh tại Trung Quốc và Italy khi tại Trung Quốc có 80% người nhiễm và chết trên 60 tuổi. Tuy nhiên số người nhiễm tại Việt Nam tỷ lệ trẻ là 80 người, độ tuổi trung bình nhiễm là 34 tuổi cho thấy diễn biến của dịch bệnh khó lường, nguy cơ lây nhiễm ra nhiều độ tuổi, các nước có thời tiết nóng vẫn có nguy cơ lây lan và phát triển.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá từ khi công tác phòng, chống dịch bước vào giai đoạn 2 (từ 6/3) cho đến nay, sau 2 tuần, Thành phố thực hiện kiểm soát được tình hình lây nhiễm trên địa bàn. Tổng số xác minh từ ngày 6/3, có 554 trường hợp tiếp xúc gần (F1) đều đã được tổ chức cách ly, lấy mẫu, trong số này có 545 trường hợp âm tính, 1 trường hợp chưa có kết quả, 8 trường hợp còn lại đã xuất cảnh đi nước ngoài. 2.800 trường hợp F2, F3 được tổ chức cách ly tại cộng đồng cho đến giờ chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm chéo.
Bước đầu có thể thấy toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, các thông tin công khai, minh bạch nhận được sự đồng tình ủng hộ của mọi người dân trên địa bàn Hà Nội.
Theo chỉ đạo của Trung ương, từ 0h ngày 21/3, toàn bộ công dân Việt Nam đi học tập nước ngoài về sẽ tiến hành cách ly toàn bộ.
Tạm dừng miễn thị thực đơn phương cho công dân Nhật Bản, Nga và Belarus
Tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/3/2020, Chính phủ quyết nghị tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Nhật Bản, Nga và Belarus từ 12 giờ 00 phút ngày 21/3/2020.
Biện pháp này nhằm tăng cường hơn nữa việc phòng, chống dịch COVID-19, ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng.
* Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực cấp cho công dân Belarus, Nga, Nhật Bản gốc Việt Nam và thân nhân của họ.
Tuy nhiên, công dân Belarus, Nga và Nhật Bản mang hộ chiếu phổ thông vẫn được nhập cảnh Việt Nam nếu có thị thực phù hợp.
Quy định trên không áp dụng cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ được nhập cảnh Việt Nam không cần thị thực theo các hiệp định và thỏa thuận hiện có giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Belarus, Nga và Nhật Bản.
Ngoài ra, công dân Belarus, Nga và Nhật Bản nhập cảnh Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu về y tế dự phòng của Việt Nam theo quy định hiện hành.
Hàng nghìn lao động thất nghiệp
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ Hà Nội, từ tháng 1 đến giữa tháng 3, có khoảng gần 10.000 lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nửa đầu tháng 3 có gần 3.000 người, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lĩnh vực ngành nghề có số lượng đăng ký thất nghiệp gia tăng như du lịch, vận tải, chế biến, dệt may, da giày, siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ khách sạn lưu trú, ăn uống....
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cũng trong khoảng từ tháng 1/2020 đến đầu tháng 3/2020, có khoảng 670 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động với 7.150 vị trí việc làm, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành kinh doanh, cơ khí điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu nhà hàng, khách sạn chỉ đạt 9.300 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hủy tour, hủy phòng của đoàn khách đối với doanh nghiệp tương đối cao. Do đó, so với những tháng trước, ông Thành cho biết, doanh nghiệp không đăng ký tuyển dụng ở mảng du lịch, nhà hàng, lưu trú, vận tải...
Theo ông Vũ Quang Thành, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động. Từ sau Tết nguyên đán 2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, Trung tâm đã tạm dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, chuyển sang cung cấp thông tin thị trường lao động. Để tăng cường kết nối thị trường lao động, Trung tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp với những đơn vị thu thập nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, mong muốn tìm việc của người lao động theo vị trí ngành nghề. Đồng thời cung cấp cho người lao động các vị trí việc làm gắn với trình độ, nguyện vọng của họ.
Sau đó, trung tâm sẽ tập hợp, gửi danh sách ứng viên phù hợp đến các doanh nghiệp, kết nối giữa 2 bên thông qua hình thức phỏng vấn trực tuyến, qua email hoặc gặp trực tiếp.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và người lao động cài đặt phần mềm phỏng vấn trên máy tính và điện thoại để 2 bên được gặp nhau.
“Trong giai đoạn này, hoạt động trực tuyến đã đem lại tín hiệu rất tốt, được doanh nghiệp và người lao động ủng hộ. Chúng tôi xây dựng dữ liệu cung cầu lao động đồng bộ gắn kết giữa sàn chính với 14 sàn giao dịch vệ tinh đã được trung tâm thực hiện để phân tích và cung cấp thông tin thị trường lao động cho doanh nghiệp và người lao động kịp thời nhất. Trong đó, khâu quan trọng nhất là lọc hồ sơ, tư vấn cho doanh nghiệp và ứng viên những vị trí việc làm phù hợp”, ông Thành cho hay.
Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian này, để tìm kiếm những công việc phù hợp, người lao động có thể tự tìm kiếm thông tin doanh nghiệp tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau. Để tránh rủi ro, người lao động nên thông qua hệ thống sàn của Trung tâm để tìm kiếm công việc phù hợp.
Gần 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn
Bà con Tiền Giang xếp hàng nhận nước ngọt miễn phí.
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính gần 96.000 hộ dân ở các tỉnh, thành phố gồm: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh đang khó khăn về nước nguồn sinh hoạt do hạn mặn.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của mặn xâm nhập năm nay cao hơn nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt thấp hơn 114.000 hộ so với thời điểm hạn mặn diễn ra vào năm 2015-2016.
Theo Tổng cục Thủy lợi, trong tháng 3, mặn xâm nhập tiếp tục lên cao nhưng thấp hơn so với đợt mặn xâm nhập trong khoảng thời gian từ ngày 8/2 đến ngày 16/2.
Dự báo, từ nay đến giữa tháng 4, mặn xâm nhập vẫn ở mức cao nhưng sẽ ở mức thấp hơn so với đợt mặn xâm nhập cao điểm giữa tháng 2. Từ nửa cuối tháng 4 trở đi, mặn xâm nhập ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng sẽ giảm nhanh và đến đầu tháng 5, mặn xâm nhập ở vùng các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn sẽ bắt đầu giảm….
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: “Đây là vấn đề dự báo, đề nghị các địa phương theo dõi sát tình hình, đặc biệt là dự báo của các cơ quan khoa học để chúng ta ứng phó và có giải pháp phù hợp. Bởi vì trước diễn biến bất lợi của thời tiết, khí hậu, đặc biệt là biến đổi khí hậu thì thời tiết bất thường, cần phải theo dõi sát để chủ động phòng tránh, cũng không là xem nhẹ là thời gian tới là hạn mặn sẽ giảm bớt”.
Các doanh nghiệp tại Hà Nội dự trữ hàng hóa lên đến 300%
Chiều 19/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có cuộc họp với các doanh nghiệp cung ứng bán lẻ trên địa bàn TP để nghe báo cáo về tình hình dự trữ hàng hóa, cung ứng và ổn định trên thị trường trong đợt dịch Covid-19.
Tại cuộc gặp, đại diện các doanh nghiệp, các siêu thị vừa và nhỏ cho biết đã sẵn sàng các phương án dự trữ đến 300% so với bình thường nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân thành phố. Đại diện các doanh nghiệp tham dự cũng khẳng định trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp đã làm việc với nguồn cung cấp hàng hóa, đảm bảo ổn định nguồn cung để dự trữ đưa ra thị trường.
Chủ tịch UBND TP ghi nhận sự vào cuộc nhanh chóng của các doanh nghiệp, chung sức cùng Thành phố trong công cuộc chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP khẳng định, người dân cần bình tĩnh không hoang mang, không nên xuất hiện tại những nơi đông người, không cần cần đi mua hoặc tích trữ lương thực thực phẩm, hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố đã dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm đáp ứng đủ cung ứng dùng cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống với giá cả không tăng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo sở GT-VT tạo điều kiện tốt nhất để các phương tiện cung ứng chuyên chở thực phẩm vào thành phố một cách thuận lợi nhất. Sở Y tế sẽ hỗ trợ các phương tiện bảo hộ cho nhân viên các siêu thị, các doanh nghiệp đảm bảo anh toàn trong quá trình phục vụ nhân dân và người dân cần thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan y tế để làm tốt công tác phòng chống dịch trên toàn thành phố.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.