Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 10 năm 2017 | 9:59

Sự kiện 24/7: Kết thúc “đại án” OceanBank, nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10

Tuần qua, trước những thông tin trái chiều về hai đơn vị giáo dục ngoài công lập ở Hà Nội khiến nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng thì hành động cúi chào bác bảo vệ của học sinh trường THPT.Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh) như một giọt nước mát lành xoa dịu rất nhiều hoài nghi, thậm chí cả sự giận dữ. Bên cạnh đó vẫn là các thông tin mang tính hệ thống đã được Kinh tế nông thôn tổng hợp từ nhiều tuần trước như: vụ xét xử đại án OceanBank; sai phạm của lãnh đạo TP.Đà Nẵng…

Tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm

Sau 1 tháng xét xử và nghị án, sáng nay 29/9, TAND TP.Hà Nội tuyên bản án với Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn cùng các đồng phạm trong đại án thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng tại OceanBank.

Tổng cộng 51 bị cáo trong vụ án tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử từ ngày 28/8 về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, vi phạm trong cho vay.

Hà Văn Thắm được dẫn giải về trại giam sau khi nghe tuyên án - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sau khi đánh giá toàn bộ nội dung vụ án, lúc 10h30, TAND TP Hà Nội đã tuyên án bị cáo Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank - mức án tù chung thân về 4 tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. 

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc OceanBank - bị tuyên án tử hình về 3 tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Về số tiền thiệt hại tại OceanBank, theo hội đồng xét xử, trách nhiệm bồi hoàn thuộc về Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc OceanBank) và Nguyễn Xuân Sơn. Trong đó, sau khi đã giảm trừ, Hà Văn Thắm phải bồi thường 847 tỉ đồng, Nguyễn Xuân Sơn khoảng 200 tỉ đồng.

Các bị cáo khác liên quan đến bị cáo cũng phải chịu hình phạt nghiêm khắc, bị cáo Nguyễn Minh Thu: 22 năm tù về tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, cựu phó tổng giám đốc: 22 năm tù về tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay tại các tổ chức tín dụng.

Bị cáo Phạm Công Danh bị phạt 14 năm tù về tội vi phạm quy định trong cho vay, tổng hợp với hình phạt trong vụ án trước đó, phải chấp hành hình phạt chung 30 năm tù. Bị cáo Hứa Thị Phấn bị phạt 17 năm tù về tội vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bị cáo Trần Văn Bình, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung: 4 năm tù về tội vi phạm về quy định cho vay. Tổng hợp với bản án trước đó mà TAND TP.HCM đã xử, Bình chấp hành hình phạt chung là 8 năm tù.

Đề nghị xem xét kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ

Tại kỳ họp 18, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét việc thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về các vi phạm, khuyết điểm như đã kết luận tại Kỳ họp 17 của UBKT Trung ương.

Việc kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân nêu trên tại các tổ chức Đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng theo kế hoạch của UBKT Trung ương.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và các cá nhân được kiểm tra thống nhất với kết luận của UBKT Trung ương, cho rằng việc kiểm tra của UBKT Trung ương đối với Đà Nẵng là đúng đắn, kịp thời; những vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra là bài học sâu sắc cho công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố.

UBKT Trung ương nhận thấy, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ đã được kết luận tại Kỳ họp 17 của UBKT Trung ương là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền thành phố, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau khi xem xét, cân nhắc nhiều mặt, căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ.

UBKT Trung ương cũng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Nguyễn Xuân Anh theo thẩm quyền.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10

Thay số thẻ bảo hiểm y tế

Từ 1/10, số sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế mới sẽ thống nhất một dãy số gọi là mã số bảo hiểm xã hội trên toàn quốc.

Mã số bảo hiểm xã hội là 10 ký tự cuối của thẻ bảo hiểm y tế, không thay đổi trong suốt quá trình tham gia, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khi thay mã thẻ bảo hiểm y tế bằng mã số bảo hiểm xã hội, dữ liệu, trường thông tin sẽ được cập nhật đầy đủ về thời điểm tham gia bảo hiểm y tế. Từ đó, cơ quan quản lý xác định thời điểm được miễn hoặc chi trả phí khám chữa bệnh.

Từ 1/10, số sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế mới sẽ thống nhất một dãy số gọi là mã số bảo hiểm xã hội trên toàn quốc

Dán nhãn xuất bản phẩm cho trẻ em

Theo Thông tư 09/2017 của Bộ Thông tin Truyền thông hiệu lực từ ngày 1/10, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em cần phải ghi rõ độ tuổi ở trang bìa. Xuất bản phẩm có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải có dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa.

Khi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh hoạ, nhà xuất bản phải tuân thủ quy định: trẻ dưới 7 tuổi cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, trẻ trên 7 tuổi cần sự đồng ý của trẻ và của cha mẹ, hoặc người giám hộ.

Giảng viên Y phải có chứng chỉ khám - chữa bệnh

Hiệu lực từ ngày 23/10, Thông tư 22/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đã hoặc đang làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, thuộc nhóm ngành đào tạo.

Ngoài ra, mỗi môn học thuộc kiến thức cơ sở hoặc chuyên ngành của chương trình đào tạo phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng, luận văn, luận án phù hợp với môn giảng dạy. Trong đó, ngành Y đa khoa phải có tối thiểu hai tiến sĩ (TS) thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, sáu TS y học lâm sàng và một TS y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

Ngành Y học cổ truyền phải có tối thiểu hai TS khoa học y sinh, ba TS y học cổ truyền và một TS y học dự phòng (hoặc y tế công cộng)...

Được mua ngoại tệ kinh doanh trò chơi có thưởng

Thông tư 11/2017 của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/10 quy định doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này.

Việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác cần phải có chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.

Đơn giản hóa 46 thủ tục hành chính của Bộ LĐ-TBXH

Chính phủ vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TBXH.

Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến thủ tục hành chính trong 7 lĩnh vực: 1- An toàn lao động (4 thủ tục); 2- Bảo trợ xã hội (11 thủ tục); 3- Giáo dục nghề nghiệp (8 thủ tục); 4- Lao động - tiền lương và quan hệ lao động (2 thủ tục); 5- Phòng chống tệ nạn xã hội (6 thủ tục); 6- Quản lý lao động ngoài nước (5 thủ tục); 7- Việc làm (10 thủ tục).

46 thủ tục hành chính của Bộ LĐ- TBXH sẽ được đơn giản hóa trong thời gian tới.

Trong đó, với lĩnh vực bảo trợ xã hội, đơn giản hóa thủ tục "Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm cả đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng". Cụ thể, bỏ bản sao sổ hộ khẩu của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc văn bản xác nhận của công an cấp xã về việc cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013.

Sửa đổi Tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng (mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014) gồm: Bỏ các thông tin về chủ hộ (ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, giấy CMND, ngày cấp, nơi cấp, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại; bổ sung số định danh cá nhân; bỏ các thông tin về người đứng ra nhận chăm sóc nuôi dưỡng (ngày, tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi ở hiện tại; bổ sung só định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).

Bỏ các thông tin về vợ hoặc chồng của người đứng ra nhận chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng: Ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi ở hiện tại; bổ sung số định danh cá nhân; sửa đổi Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội.

Với lĩnh vực việc làm, đơn giản hóa thủ tục "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp". Cụ thể, sửa đổi Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015) gồm: Bỏ thông tin ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, dân tộc, tôn giáo, nơi thường trú, chỗ ở hiện nay; bổ sung mã số định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).

Cũng trong lĩnh vực việc làm, đơn giản hóa thủ tục "Cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". 

Cụ thể, sửa đổi Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Mẫu số 3a và 3b ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, dân tộc, giới tính, số chứng minh nhân dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp); sửa đổi Giấy xác nhận thân nhân người có công với cách mạng (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú đối với thông tin của thân nhân người có công với cách mạng; bổ sung số định danh cá nhân.

Ngày 30/9, báo cáo việc thực hiện lời hứa khi trả lời chất vấn ở phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua ông và cán bộ của mình đã làm việc với "quyết tâm cao nhất". 

Theo ông Dung, trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu lao động dù có vi phạm, không đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng không bị xử lý. Sáu tháng qua, Bộ đã ra tay chấn chỉnh việc này. 

"Có 9 doanh nghiệp bị đình chỉ, thu hồi giấy phép, cùng với đó là phạt tiền hàng chục tỷ đồng. Kiện cáo tung trời, nhưng tôi bảo Bộ trưởng sẵn sàng ra toà nếu Bộ trưởng sai, nhưng chắc chắn tôi không sai. Tất cả vì đảm bảo quyền lợi cho người lao động", ông nói.

Học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ

Mới đây, một video clip ghi lại cảnh các học sinh cúi chào người làm nhiệm vụ bảo vệ trước khi vào trường được chia sẻ lên mạng xã hội, thu hút nhiều sự quan tâm. 

Sau một ngày đăng tải, video clip đã có gần 1.800 lượt chia sẻ.

Người đăng video clip là chị Nguyễn Phước An Uyên, sống tại TP.HCM. Chị Uyên cho biết đã ghi lại cảnh này vào sáng thứ sáu (ngày 29/9) khi đưa con đi học. Chị có một con gái đang học lớp 12 và con trai học lớp 10 tại trường.

Nhiều em đã cúi đầu lễ phép chào bác bảo vệ, một hành động đẹp của học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong

Theo chị Uyên, chị thường xuyên chứng kiến cảnh này khi đưa các con đi học. Khi thấy bác bảo vệ đứng ở cổng, hầu hết học sinh đều cúi chào. Chứng kiến hành động đáng khen, vị phụ huynh này cảm thấy rất hài lòng. 

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được thành lập năm 1927, là một trong ba trường trung học đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn. Đây là ngôi trường có bề dày thành tích về dạy và học.

Năm 2017, trường đứng thứ 2 trong tốp 100 trường THPT trên toàn quốc có kết quả thi tuyển sinh đại học - cao đẳng tốt nhất cả nước. 

Năm học 2017-2018, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng là trường có mặt bằng điểm chuẩn cao nhất so với các trường trong thành phố.

Nguyễn Tố (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top