Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 10 năm 2017 | 11:29

Sự kiện 24/7: Khi niềm tin bị “khủng hoảng”

Tuần qua ghi nhận nhiều sự kiện “nóng” liên quan tới chính trị, kinh tế, trong đó phải kể đến việc thay đổi nhân sự cấp cao, việc xử lý kỷ luật nhân sự cấp tỉnh và câu chuyện “khủng hoảng niềm tin” của thương hiệu Khaisilk.

Tuần họp đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

* Ngay trong tuần họp đầu tiên, QH đã bỏ phiếu kín để phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa và Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu.

Kết quả, 465/465 ĐB có mặt (94,7%) đồng ý miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT với ông Trương Quang Nghĩa. Có 463/465 ĐB có mặt (94,3%) đồng ý miễn nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu.

Quốc hội cũng đã biểu quyết, thông qua nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm này với 88,19%.

Đồng thời, ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu và ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng được Thủ tướng giới thiệu để QH phê chuẩn làm Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng GTVT thay ông Phan Văn Sáu và ông Trương Quang Nghĩa.

Kinh phí xây dựng sân bay Long Thành dự kiến lên tới 23.000 tỷ đồng. 

* Công tác đền bù, giải phóng đất để xây dựng sân bay Long Thành cũng được các đại biểu QH hết sức lưu tâm. Đa số ý kiến cho rằng cần phải làm tốt công tác dân vận để cử tri hiểu và ủng hộ chủ trương này của Nhà nước, tránh tình trạng chủ đất “làm giá” và các cán bộ ký hồ sơ mua bán đất nhằm hưởng tiền đền bù… Bên cạnh đó, kinh phí để xây dựng sân bay Long Thành cũng được các đại biểu bàn tới, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho rằng, cần một quy hoạch tổng thể, hiện đại, phù hợp với văn hoá, cuộc sống của nhân dân tại chỗ. Vấn đề vốn để giải phóng mặt bằng, lên đến 23.000 tỷ như dự toán đã đề cập. Hiện nay mới dành được 5.000 tỷ từ ngân sách. Còn lại thiếu từ 15.000-18.000 tỷ đồng, nhưng giải pháp chưa rõ.

“Hiện nay chúng ta chi thường xuyên tới 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với giai đoạn trước. Việc tăng chi chủ yếu vào chi lương và phụ cấp (chiếm tới hơn 58%), còn lại là chi hành chính. Dự kiến chi năm 2017 là gần 1 triệu ngàn tỷ”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nói. Theo ông, nếu tiết kiệm được 1% thì chúng ta đã có 10.000 tỷ rồi.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái mất chức

Khu biệt thự khủng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý.

Phó chủ tịch tỉnh Yên Bái Nguyễn Chiến Thắng đã ký văn bản báo cáo việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về chấp hành quy định minh bạch tài sản thu nhập của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo, Tỉnh ủy, UBND Yên Bái đã họp, thống nhất kỷ luật những cá nhân liên quan đến kiến nghị trong kết luận thanh tra. Ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bị cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền, cho thôi các chức vụ: Giám đốc Sở Tài nguyên, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở. Ông Quý bị điều động đảm nhiệm chức Phó văn phòng HĐND tỉnh.

Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch và ông Nguyễn Yên Hiền, Phó chủ tịch UBND thành phố Yên Bái bị khiển trách về mặt Đảng và chính quyền. Các quyết định kỷ luật, điều động cán bộ có hiệu lực từ ngày 27/10.

Trước đó, chiều 23/10, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận: “ông Quý đã vi phạm quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, vì theo Luật này thì ông không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.

Khaisilk thừa nhận 50% khăn lụa là hàng Trung Quốc

Mấy ngày nay, cộng đồng mạng và nhiều khách hàng của thương hiệu Khaisilk vừa băn khoăn lẫn bất bình khi một sản phẩm của công ty này bán ra bị phát hiện có tới 2 nhãn mác là “KHAISILK - Made in Việt” và “made in China”.

Khaisilk đã lợi dụng niềm tin của khách hàng hơn 30 năm qua.

Ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận bán khăn lụa Trung Quốc, đồng thời xin lỗi khách hàng vì điều này. Ông Khải cam kết: “Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn. Sau khi thu hồi toàn bộ hàng, chúng tôi cam kết sẽ thay đổi việc tách bạch trong hoạt động ghi nhãn xuất xứ của hai loại riêng biệt, gồm sản xuất tại VN và Trung Quốc theo hướng kinh doanh của các thương hiệu lớn. Với việc này, tôi biết thương hiệu đã bị ảnh hưởng và đây là cái giá phải trả. Chúng tôi sẽ cố gắng để thay đổi và vực dậy, lấy lại niềm tin của khách hàng.

Trong ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin phản ảnh của khách hàng. Trường hợp nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý và báo cáo lại với Bộ trưởng.

Trưa 26-10, đội 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và lực lượng chức năng đã đi kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí đã đăng tại cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai.

Tại buổi kiểm tra cửa hàng Khaisilk, lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ 52 mẫu sản phẩm gồm: khăn, quần áo, caravat... để kiểm tra dấu hiệu vi phạm, giả nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cái mất lớn nhất ở đây không phải là vật chất mà là thương hiệu, gắn liền với hình ảnh quốc gia, và đặc biệt là niềm tin của khách hàng, những người đã ưu ái lựa chọn lụa tơ tằm Khaisilk...

Sử dụng thanh toán bằng tiền ảo Bitcoin, Đại học FPT sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng?

Trước việc Đại học FPT tuyên bố dự kiến thử nghiệm cho phép sinh viên nước ngoài thanh toán học phí bằng tiền ảo Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông tin liên quan đến việc này. Theo NHNN, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

NHNN cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Theo đó, NHNN cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đồng thời phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.

NHNN khẳng định: ”Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước".

Còn theo NHNN các quy định của pháp luật đã dẫn, phương tiện thanh toán không hợp pháp bị cấm (khoản 6, Điều 6, Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ) cho thấy: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Về chế tài xử lý vi phạm, cơ quan này nêu rõ: theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Bộ Y tế vẫn khẳng định: H- Capita chỉ là thuốc... kém chất lượng

Bộ Y tế vừa có công văn trả lời 11 câu hỏi của TAND cấp cao tại TPHCM, liên quan đến vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Công văn do ông Đỗ Văn Đông - Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, ký thay cho Cục trưởng theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng bật khóc tại tòa.

Trong nội dung này, câu hỏi quan trọng nhất của tòa liên quan đến việc xác định tội danh của các bị cáo là: “Hội đồng giám định của Bộ Y tế xác định lô thuốc này có tạp chất không đủ điều kiện chữa bệnh cho người thì là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng?”.

Bộ Y tế viện dẫn quy định của Luật Dược 2005 (luật chuyên ngành áp dụng tại thời điểm giám định) và cho rằng thuốc H-Capita không đạt chỉ tiêu “Tạp chất liên quan, phần tạp không định danh lớn nhất” là thuốc kém chất lượng và không được lưu hành, sử dụng”.

Trước đó, chiều 23/10, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã đọc quyết định bắt tạm giam 2 bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường 90 ngày để điều tra vụ án. Sau khi nhận quyết này, bị cáo Hùng ngất xỉu ngay tại tòa.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top