Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 9 năm 2019 | 14:18

Sự kiện 24/7: Khởi tố nhiều bị can vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”...

hoa-binh.jpg

Bộ Công an cho biết, ngày 12/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”, ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can, Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can thuộc vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ và nhận hối lộ”.

Cụ thể như sau:

Đối với nhóm tội đưa, nhận hối lộ:

Khởi tố bổ sung đối với bị can Đỗ Mạnh Tuấn, sinh năm 1979, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ Luật hình sự.

Khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự đối với Hồ Chúc, sinh năm 1975, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Thanh Hà, tình Hòa Bình; nơi cư trú: xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”:

Ra Quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 06 bị can cùng về tội “Lợi dụng, chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ Luật hình sự gồm:

Đào Ngọc Thuật, sinh năm 1980, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Mường Bi, tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Lê Thị Hồng, sinh năm 1969, Hiệu  trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình; nơi cư trú: phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Nguyễn Đức Hoàng, sinh năm 1979, Thanh tra viên Phòng Thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Nguyễn Tân Hưng, sinh năm 1979, Cán bộ Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Phùng Văn Thụ, sinh năm 1966, Trường Phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Quách Thanh Phúc, sinh năm 1969, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông 19/5, Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. 

Trong đó, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đào Ngọc Thuật, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư  trú đối với 05 bị can còn lại.

Ngày 13/9/2019, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hồ Chúc và Đào Ngọc Thuật; khám xét chỗ ở, nơi làm việc và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Hồng, Nguyễn Đức Hoàng, Nguyễn Tân Hưng, Phùng Văn Thụ, Quách Thanh Phúc.

Hiện, vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

* Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử này, ngày 13/9, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình tiến hành kỷ luật 15 đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trước đó Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kim Bôi (Hoà Bình) cũng thi hành mức kỷ luật “khiển trách” đối với 4 đảng viên có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Cụ thể, 15 đảng viên này có khuyết điểm để con được can thiệp, sửa chữa, nâng điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, sau đó sử dụng kết quả thi không hợp pháp để được xét tuyển trái pháp luật vào học các trường đại học và học viện.

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình xác định, những đảng viên này đã vi phạm Khoản 8, Điều 3, Quy định 08 ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình đã thi hành mức kỷ luật “khiển trách” đối với 15 đảng viên này vì vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 30, Quy định số 102, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm. 

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kim Bôi thi hành mức kỷ luật “khiển trách” đối với 4 đảng viên có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Như vậy, đến nay, tại Hòa Bình có 19 đảng viên bị kỷ luật vì có con được nâng điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018. 

Khởi tố vụ án bắn pháo sáng trúng nữ phóng viên tại sân Hàng Đẫy

Ngày 14/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố vụ án "Gây rối trật tự công cộng" và "Chống người thi hành công vụ". Đồng thời triệu tập một số đối tượng là CĐV Nam Định để điều tra, làm rõ.

 

phao-sang.jpg

Việc khởi tố vụ án để điều tra các hành vi liên quan đến trận đấu giữa Hà Nội FC và Nam Định trên sân Hàng Đẫy tối 11/9. Trong cơn quá khích, các CĐV của Nam Định đã bắn nhiều pháo sáng xuống sân, xô xát với công an và thậm chí bắn pháo sáng vào người một nữ phóng viên, khiến nạn nhân phải đi cấp cứu.

Đại diện công an quận Đống Đa cho biết đơn vị đang tiến hành rà soát, thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức lấy lời khai của các nhân chứng, nhân viên bảo vệ, bị hại, những người liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.

Lực lượng chức năng đang lập nhiều mũi trinh sát để truy tìm tung tích người bắn quả pháo sáng trúng nữ phóng viên, đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật.

Nạn nhân là chị Huyền Anh (SN 1985, phóng viên báo Nhi Đồng) bị pháo sáng bắn trúng đùi. Chị Huyền Anh sẽ phải tiến hành phẫu thuật lần hai để điều trị vết thương, loại bỏ phần da thịt rách.

Công an điều tra vụ mất 1.200 ha rừng ở Gia Lai

 

rung.jpg

Hiện trường phá rừng ở rừng phòng hộ Ia Puch. Ảnh: VOV

 

Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang công an tỉnh xử lý vụ việc liên quan đến trách nhiệm của BQL rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để mất hơn 1.200 ha rừng.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Gia Lai, từ năm 2008 đến ngày 29/8/2019, BQL rừng phòng hộ Ia Puch đã để mất hơn 1.200 ha rừng thuộc 20 tiểu khu trong lâm phần quản lý.

Tổng diện tích đất tự nhiên mà BQL rừng phòng hộ Ia Puch được UBND tỉnh Gia Lai giao quản lý là hơn 32.000 ha từ năm 2002, trong đó có hơn 13.000 ha diện tích đất lâm nghiệp phòng hộ. Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra kiểm tra thực tế rừng tự nhiên và rừng trồng do đơn vị này quản lý thì phát hiện rằng từ năm 2008 đến nay có 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm đất để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp; 359 ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cao su.

Ngoài ra, qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí hành lang 100 m dọc theo Quốc lộ 14C và thống kê của BQL rừng phòng hộ Ia Puch thì có 110 hộ gia đình (chủ yếu là công nhân của Công ty Quốc Cường, Công ty Bình Dương và một số hộ di dân tự do) lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nhà ở, làm vườn với diện tích 12,4 ha dọc theo Quốc lộ 14C.

Mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm hơn 1.200 ha, nhưng BQL rừng phòng hộ Ia Puch chỉ lập biên bản vi phạm hơn 62 ha. Diện tích còn lại không phát hiện kịp thời, không lập biên bản vi phạm, không có thống kê, không báo cáo diện tích rừng bị mất lên cơ quan có thẩm quyền, cấp trên để xử lý.

Mặt khác, trong khi một số diện tích đất lâm nghiệp đã có quyết định tạm giao đất, quyết định giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su nhưng khi kiểm kê vào năm 2014 BQL rừng phòng hộ Ia Puch vẫn đưa vào diện tích diện tích rừng trồng do mình đang quản lý khiến con số được đẩy lên hơn 2.000 ha nhưng thực tế đơn vị này chỉ trồng hơn 200 ha rừng.

Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định trách nhiệm để mất hơn 1.200 ha rừng thuộc về lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Ia Puch qua các thời kỳ, UBND huyện Chư Prông, UBND các xã có rừng để mất và Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn xác định BQL rừng phòng hộ Ia Puch có sai phạm về quản lý tài chính gần 38 triệu đồng (thanh toán sai khối lượng về các công trình cổng, hàng rào và nhà làm việc cơ quan). Thanh tra tỉnh Gia Lai yêu cầu BQL phải nộp lại số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.

Từ những sai phạm nói trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra (Công an tỉnh Gia Lai) để xử lý vụ việc liên quan đến trách nhiệm của BQL rừng phòng hộ Ia Puch để mất hơn 1.200 ha tại 20 tiểu khu xảy ra từ năm 2008 đến nay.

Đã thu gom được 12 tấn phế thải nhiễm thủy ngân ở công ty Rạng Đông

Trong 2 ngày 12 và 13/9, đã thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường do Đại tá Nguyễn Xuân Đỉnh, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học làm chỉ huy.

 

rang-dong.jpg

Các đơn vị đã tổ chức quan trắc trinh sát toàn bộ khu vực nhà máy và khu vực liên quan, tiến hành thu gom được 12 tấn phế thải nhiễm thủy ngân trên diện tích 300m2. Đồng thời rải 3,7 tấn hóa chất chống phát tán, lan tỏa thủy ngân ra môi trường bên ngoài diện tích 2.500m2 và phối hợp với các lực lượng liên quan dọn dẹp hiện trường giải phóng mặt bằng, bảo về an ninh khu vực.

Bộ tư lệnh Hóa học phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì 108 cán bộ chiến sỹ tham gia thực hiện nhiệm vụ xử lý sự cố ô nhiễm tại Công ty Cổ phần Bóng đền Phích nước Rạng Đông.

Về nhiệm vụ tiếp theo, các đơn vị tiếp tục duy trì quan trắc, cảnh báo môi trường tại hiện trường, tổ chức trinh sát môi các khu vực lân cận; Triển khai các biện pháp chống sự lan tỏa của hóa chất; Tổ chức thu gom, tiêu tẩy các khu vực sau khi Công ty Urenco 10 dọn mặt bằng.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top