Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 5 năm 2018 | 13:59

Sự kiện 24/7: Mất bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm?

TP. HCM nói "thất lạc" tấm bản đồ, Sở Quy hoạch cho rằng chưa từng thấy, còn Bộ Xây dựng khẳng định tồn tại nhiều bản đồ về Thủ Thiêm...

 

Chuyện gì xảy ra với bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm?

ban-do-thu-thiem.jpg

Thông tin bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm (ĐTTT) bị thất lạc vừa được TP. HCM chính thức lên tiếng. Đây là việc được cho là khá kỳ lạ, bởi bản đồ và Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4/6/1996 là văn bản pháp lý để quy hoạch siêu dự án của thành phố (giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời).

Tấm bản đồ này cũng là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua. Họ cho rằng đất của mình không nằm trong khu vực quy hoạch nhưng lại bị giải tỏa. Người dân đòi chính quyền TP. HCM phải đưa ra bản đồ 1/5.000 Khu ĐTTT để xác định nhưng không được đáp ứng.

Bản đồ 1/5.000 Khu ĐTTT có hay không tồn tại?

Nói trong cuộc họp báo về kinh tế - xã hội TP. HCM hôm 2/5, Chánh văn phòng UBND TP. HCM Võ Văn Hoan khẳng định, bản đồ "chưa tìm thấy trong hồ sơ lưu chứ không phải không có", các bộ ngành cũng đang cố gắng tìm.

Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, Khu đô thị Thủ Thiêm có tổng diện tích 657ha được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP. HCM. Khu đô thị có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

Trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2015, UBND TP. HCM cho biết tổng vốn đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỷ đồng.

"Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, mới được phê duyệt… Thành phố đang chỉ đạo phải truy bằng được, nghe nói cũng đã tìm thấy được bản photo, bản sao chứ không phải bản gốc, bản màu. Như vậy không phải là không có", ông Hoan nói.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành rà soát từng nguồn, các đơn vị tư vấn trước đây nhưng không thấy bản đồ 1/5.000.

Sở là nơi quản lý dữ liệu quy hoạch của thành phố, nhưng từ đó đến nay chưa từng thấy tấm bản đồ này. Thành phố cũng đã liên hệ tất cả các đơn vị liên quan từ Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III tại TP. HCM, Chi cục Lưu trữ thành phố, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng... nhưng các cơ quan này trả lời "không lưu trữ", hoặc "Văn bản phát hành (Quyết định 367) đang lưu trữ tại Kho lưu trữ Văn phòng Chính phủ không có bản đồ kèm theo". Hiện, thành phố đã báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến.

Không có bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm

Không đồng ý quan điểm của TP. HCM, ông Nguyễn Hồng Điệp (Vụ trưởng, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ) nói rằng, nếu "thất lạc" bản đồ 1/5.000 ở thành phố thì tại các cơ quan, đơn vị liên quan phải còn, "làm gì có việc thất lạc mãi mà không tìm thấy".

Vì vậy, theo ông Điệp, TP. HCM nên trả lời thẳng thắn với người dân khiếu kiện là "không có bản đồ gốc" và giải quyết thoả đáng lợi ích, quyền lợi của họ.

Về nguyên tắc, khi trình dự án để thu hồi, giải phóng mặt bằng... phải có bản đồ gốc để có căn cứ để triển khai. Nhưng ở dự án này TP. HCM đã nhiều năm không trả lời được cho người dân là có bản đồ quy hoạch gốc hay không, dẫn đến sự hoài nghi và khiếu kiện vượt cấp của cả trăm hộ dân ở dự án.

Bản đồ 1/5.000 bị thất lạc không còn giá trị pháp lý

Lùm xùm về tấm bản đồ tiếp tục "nóng" tại buổi họp báo của Chính phủ chiều 4/5. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Khu ĐTTT được triển khai theo hai bước là quy hoạch chung năm 1996 (bản đồ 1/5.000), sau đó là điều chỉnh quy hoạch năm 2005 (quy hoạch chi tiết, bản đồ 1/2.000) -  cụ thể hoá và phân giới cắm mốc trên thực địa. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước.

 

do-thi-thu-thiem-1.jpg
KĐT Thủ Thiêm

 

Theo ông Hùng, như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ. Tất cả bản đồ có căn cứ pháp lý từ 2005 như bản đồ quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới đang được giữ đầy đủ. Việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này.

"Còn bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005", ông Hùng nói. "Việc thất lạc tài liệu gây ảnh hưởng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai, liên quan đến triển khai chi tiết của quy hoạch trước ra sao, tất cả sẽ được cơ quan chức năng xem xét làm rõ".

Người dân Thủ Thiêm có bản đồ 1/5.000

Là một trong số hàng trăm người khiếu nại TP HCM, ông Lê Văn Lung (nhà số 9 Trần Não, khu phố 1, quận 2, đã bị giải tỏa) đang giữ tấm bản đồ màu quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 có dấu đỏ xác nhận của Văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị… Bản vẽ có ký hiệu KT- 06, ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1:5.000. Trên bản đồ có ghi: TP HCM, Quy hoạch xây dựng Trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm, Tổng mặt bằng…

Đây được cho là bản đồ mà thành phố đã trình Thủ tướng khi đề xuất phê duyệt quy hoạch Khu ĐTTT.

 

Cách hết chức vụ, đề nghị bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, đề nghị xem xét bãi nhiệm ĐBQH.

phan_thi_my_thanh_jiqx.jpg

Ngày 4/5/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 111-TTr/UBKTTW, ngày 27/4/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Ban Bí thư nhận thấy trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1/2009, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai.

Khi chuyển công tác, bà Thanh đã không bàn giao Dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.

Với cương vị Phó Chủ tịch UBND (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà Thanh đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND, ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Ngoài ra, bà Thanh còn ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực bà phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi DN của gia đình mình.

Ban Bí thư cũng cho rằng bà Phan Thị Mỹ Thanh thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế về công tác đối ngoại; nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí có lần xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định.

“Những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân bà” – Ban Bí thư kết luận.

Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Đại án Oceanbank: Y án tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm

HĐXX tuyên y án tử hình với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, chung thân với Hà Văn Thắm, tuy nhiên cũng kiến nghị giảm hình phạt nếu bị cáo khắc phục hậu quả.

 

vov_luan_toi_ptck.jpg

Sau khi đánh giá toàn bộ nội dung vụ án, chiều nay, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án bị cáo Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank - mức án tù chung thân về 4 tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. 

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc OceanBank - bị tuyên án tử hình về 3 tội: cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ Oceanbank bị tuyên 22 năm tù và Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó TGĐ Oceanbank lĩnh 20 năm tù.

Các bị cáo là giám đốc khối hội sở được giảm từ 6 tháng đến 2 năm. Trong khi với các bị cáo là Giám đốc chi nhánh thì không thay đổi hình phạt như án sơ thẩm đã tuyên.

HĐXX cấp phúc thẩm buộc Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn phải liên đới bồi thường cho Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương số tiền hơn 990 tỷ đồng. Trong đó, Hà Văn Thắm phải bồi thường hơn 790 tỷ đồng, Nguyên Xuân Sơn bồi hoàn 200 tỷ đồng.

HĐXX kiến nghị giảm từ tử hình xuống chung thân với bị cáo Sơn sau khi khắc phục 3/4 hậu quả; kiến nghị giảm từ chung thân xuống tù có thời hạn với bị cáo Thắm sau khi cải tạo tốt cũng như khắc phục hậu quả, sau 12 năm được xem xét giảm hình phạt.

HĐXX phúc thẩm nhận định số tiền trên 69 tỷ mà Công ty BSC thu phí ngoài lãi suất hợp đồng tín dụng và ngoài tỷ giá hợp đồng mua bán ngoại tệ của 801 tổ chức, cá nhân là trái quy định. HĐXX tuyên buộc Nguyễn Xuân Sơn phải nộp lại để sung công quỹ.

Số tiền 49 tỷ được xác định do Sơn tham ô của PVN, HĐXX buộc bị cáo bồi thường cho PVN.

Tại tòa phúc thẩm, Sơn khai đưa cho Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN). Tuy nhiên, Quỳnh mới nhận 20 tỷ nên tòa tách riêng để giải quyết sau.

Về việc Nguyễn Xuân Sơn và vợ Võ Thị Thanh Xuân có nhiều tài sản chung. Bà Xuân muốn dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả cho chồng nhưng nhiều tài sản đang bị kê biên. Thấy nguyện vọng này là chính đáng, HĐXX kiến nghị cơ quan thi hành án xác nhận số tài sản hợp pháp để bị cáo được khắc phục hậu quả.

Tương tự số tiền 20 tỷ bị cáo Sơn đưa bị cáo Quỳnh, HĐXX kiến nghị sau khi kết thúc phiên tòa, nếu xác định khoản tiền trên thuộc 49 tỷ tham ô thì trừ cho bị cáo Sơn.

Đối với kháng cáo của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty TNHH VNT, HĐXX bác yêu cầu của hai công ty này về việc yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn bồi thường mỗi bên 49 tỷ đồng như PVN. HĐXX cho rằng OGC và VNT nếu không đồng tình với quyết định này thì có thể khởi kiện trong một vụ án khác.

Theo HĐXX, từ vai trò của các bị cáo Hội sở cho thấy vai trò của ông Trần Thanh Quang- cựu Phó TGĐ Oceanbank. Bị cáo Khôi Trang và Thu Ba nhận chỉ đạo và báo cáo khi thực hiện nhiệm vụ với Phó TGĐ Trần Thanh Quang. Các bị cáo cũng khẳng định buộc thực hiện công việc từ ông Quang.

Do có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm, HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố ông Trần Thanh Quang để điều tra làm rõ.

Theo cáo buộc, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống Oceanbank. Các thuộc cấp Nguyễn Minh Thu (cựu Tổng giám đốc), Lê Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Thị Minh Phương (cựu Phó tổng giám đốc) đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội sở ngân hàng và 34 giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước thực hiện việc chi lãi ngoài khi huy động vốn.

Từ 2010 đến cuối 2014, tổng số tiền Oceanbank chi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.500 tỷ. Trong đó, số tiền hơn 246 tỷ chi cho Nguyễn Xuân Sơn (cựu TGĐ Oceanbank) và bị ông này chiếm đoạt; tham ô hơn 49 tỷ đồng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỷ.

Cựu Tổng giám đốc Oceanbank còn bị quy kết lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 69 tỷ của BSC - công ty sân sau của Hà Văn Thắm. BSC bị cho không có hoạt động kinh doanh mà mở ra nhằm lấy tư cách pháp nhân ký các hợp đồng dịch vụ với khách hàng của Oceanbank để thu phí trái luật. Mục đích chính nhằm thu thêm tiền để chi cho Nguyễn Xuân Sơn chăm sóc khách hàng.

Tháng 11/2012, ông Thắm chỉ đạo cấp phó Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank) cho ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh) vay 500 tỷ đồng thông qua công ty Trung Dung trong khi không đủ điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo vay, khách sử dụng vốn không đúng mục đích. Hành vi này bị quy kết làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay khiến Oceanbank thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.

Kỷ luật nhiều cá nhân trong vụ bò chính sách vào nhầm nhà cán bộ xã

Theo đó, tập thể Đảng ủy xã Triệu Độ và nhiều cá nhân liên quan đến việc cấp bò giống theo chính sách không đúng đối tượng đã bị kỷ luật.

 

bo.jpg

 

Tập thể Đảng ủy xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Đối với cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Triệu Phong tiến hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Hồ Quốc Bảy, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Độ; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ; cách chức Đảng ủy viên đối với ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ.

Đồng thời, UBND huyện Triệu Phong cũng đang xem xét, thực hiện các quy trình để có hình thức xử lý về mặt chính quyền đối với những cá nhân này.

Theo ông Lê Minh Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Triệu Phong, trong vụ cấp phát bò giống sai đối tượng, ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ sai phạm về thiếu trách nhiệm của người trực tiếp quản lý. Sau khi có kết luận, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Triệu Phong đề nghị UBND huyện Triệu Phong chỉ đạo UBND xã Triệu Độ khẩn trương khắc phục hậu quả.

Cụ thể, đối với những hộ dân đã bán bò giống chính sách phải nộp lại số tiền Nhà nước đã hỗ trợ là 14 triệu đồng/con. Ông Lê Minh Khánh cho biết thêm, hiện nay có 4 hộ xin được hoàn lại tiền, 2 hộ xin được mua bò theo đúng quy trình, thủ tục và con giống, chất lượng theo yêu cầu.

"Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ vi phạm nặng về trách nhiệm. Sau khi tiếp nhận bò về thì đồng chí không báo cáo với đồng chí Chủ tịch UBND xã cũng như bên Đảng ủy xã mà tự ý giải quyết. Trong tự ý giải quyết thì không thông báo rộng rãi cho quần chúng nhân dân mà chỉ thông báo cho một số anh em cán bộ và thân nhân cán bộ đăng ký nhận bò. Quá trình triển khai không theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo để hướng dẫn cụ thể nên một số hộ nhận thức không đúng, một số hộ bán bò. Khi phát hiện thì không kịp thời ngăn chặn và xử lý"- ông Lê Minh Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Triệu Phong nói.

Đại úy công an thuê đất làm nhà kho nhưng lại xây biệt thự hoành tráng

Hiện nay UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đang làm rõ vụ việc một cán bộ công an huyện thuê đất để làm nhà kho nhưng lại xây căn biệt thự hoành tráng.

biet-thu.jpg

Theo tìm hiểu PV, ông Phạm Văn Công (42 tuổi, đại úy thuộc Công an huyện Vĩnh Lộc) được UBND huyện Vĩnh Lộc cho thuê đất 50 năm để làm nhà kho, xưởng thu mua nông sản. Nhưng ông Công đã xây dựng một căn biệt thự rộng hàng trăm mét vuông trong khu đất rộng hơn 5.000m2 cạnh quốc lộ 217, thuộc địa bàn xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc).

Ông Lê Văn Thao - phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc - cho biết qua kiểm tra, hiện ông Phạm Văn Công đã xây dựng nhà trong khu đất rộng khoảng 5.115m2. Trong đó có 523m2 đất đã được UBND huyện Vĩnh Lộc cho thuê 50 năm để xây dựng khu nhà kho kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp, còn 4.592m2 đất để thực hiện dự án trồng cây lâu năm. 

Phòng Tài nguyên - môi trường huyện phối hợp với UBND xã Vĩnh Thành vừa đến nhà ông Công đo đạc, làm rõ ranh giới hai diện tích đất nêu trên để có hướng xử lý.

"Đối với hai gian nhà nhỏ của gia đình ông Công xây dựng sát quốc lộ 217 vi phạm hành lang an toàn giao thông, UBND huyện đã yêu cầu gia đình tháo dỡ. Các hạng mục công trình còn lại, UBND huyện sẽ kiểm tra, xem xét nghiêm túc, nếu vi phạm pháp luật sẽ xử lý, yêu cầu tháo dỡ"  - ông Lê Văn Thao cho biết thêm.

Được biết, hồi tháng 11-2017, khi gia đình ông Công tiến hành xây dựng, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện và UBND xã Vĩnh Thành phát hiện vi phạm nên đã lập biên bản, xử phạt 3 triệu đồng, yêu cầu gia đình dừng thi công. 

Sau đó, do ngành chức năng của huyện và UBND xã Vĩnh Thành thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý nên gia đình ông Công vẫn tiếp tục xây dựng nhà cho đến khi công trình hoàn thành.

Theo ghi nhận của PV, ngôi biệt thự của gia đình ông Công nằm cạnh quốc lộ 217, chiều dài mặt đường khoảng hơn 50m, nằm giữa khu đất rộng hàng ngàn mét vuông có tường bao xung quanh. Trong khuôn viên ngôi biệt thự có hòn non bộ, vườn cây cảnh, hồ bơi...

Được biết, những năm qua gia đình Công có làm thêm việc kinh doanh khai thác cát. Vợ ông Công là cán bộ khuyến nông của UBND huyện Vĩnh Lộc.

Hiện nay, dư luận tại huyện Vĩnh Lộc đang đặt ra câu hỏi ai là người "chống lưng" cho ông Công để gia đình ông xây dựng ngôi biệt thự trên khu đất được cấp phép làm nhà kho? Đến khi nào UBND huyện Vĩnh Lộc mới giải quyết dứt điểm vụ việc này để trả lời trước công luận?

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

Top