Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2019 | 13:30

Sự kiện 24/7: Mưa, lũ gây thiệt hại nặng tại Nam Bộ, Tây Nguyên

Sáng 10/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết đã có 10 người chết, hơn 3.700 ngôi nhà bị ngập nước do ảnh hưởng mưa, lũ tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ.

 

10 người chết

Tính đến 23h00 ngày 9/8, đã có 10 người chết (Gia Lai: 1 người; Đắk Lắk: 1 người; Đắk Nông: 5 người; Kom Tum: 2 người; Lâm Đồng: 1 người) và 1 người mất tích tại Đồng Nai.

 

phu-quoc.jpg

Chiếc sỹ Vùng 5 Hải quân đưa dân ra khỏi vùng ngập sâu nguy hiểm về nơi ở an toàn.

 

Có 3.717 nhà bị ngập nước, 789 nhà phải di dời; 18.382ha lúa, hoa màu bị ngập; 703ha cây trồng lâu năm, 2.558ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có 10 tuyến đường giao thông bị sạt lở; 05 cống bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại 992,5 tỷ đồng.

Tại Phú Quốc, mưa lớn ngày 9/8/2019 đã làm 8.424 nhà bị ngập; 1.985 người phải sơ tán; 63km đường bị ngập. Ước tổng thiệt hại 107 tỷ. Về thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3 tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có 9 người chết, 7 người mất tích.

Tại tỉnh Bình Phước, sau khi xảy ra sự cố tại đập thủy điện Đắk Kar (tỉnh Đắk Nông) chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 4.000 người dân bốn xã Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà từ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn. Trước đó, vào tối 8/8 Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đăng cũng đã tổ chức di dời 200 hộ dân với gần 1.000 người đến khu vực an toàn.

 

binh-phuoc.jpg

Nước ngập sâu tại huyện Bù Đăng.

 

Thông tin từ huyện Bù Đăng, hiện tại sự cố tại đập thủy điện Đắk Kar vẫn chưa được khắc phục xong. Trong đêm 8/8 và sáng 9/8 lượng mưa trên địa bàn hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước giảm nên nước ở đập thủy điện Đắk Kar đã trở về mức an toàn. Tuy nhiên, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước vẫn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và sự cố đập để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo diễn biến nước lũ.

Tại 2 huyện miền núi Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai) đã xảy ra mưa lớn gây ngập lụt, thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

 

be-ca-o-dn.jpg
Nhiều lồng bè cá nuôi trên sông bị vỡ ở Đồng Nai.

Các xã Ngọc Định, Thanh Sơn của huyện Định Quán, mưa lớn khiến nước sông Đồng Nai dâng cao, gây ngập nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa của người dân.

Đặc biệt, rất nhiều lồng bè cá nuôi trên sông bị vỡ, thiệt hại nặng về tài sản. Chỉ trong một đêm, gia đình chị Hòa Thị Hương ở xã Thanh Sơn đã mất trắng 80 bè cá, một lượng lớn cá thoát ra sông do bè bị vỡ, một số thì chết nổi ngay trong bè.

Theo thống kê sơ bộ, mưa lớn, nước lũ lên cao đã làm cho 30 hộ dân tại khu vực ấp 1 và ấp 8 xã Thanh Sơn bị ngập, mực nước lên đến trên nửa mét. Đã có khoảng 15ha hoa màu, cây ăn trái bị ngập. Ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Định Quán cho biết, dự báo nước có thể tiếp tục lên cao nên UBND xã đã huy động lực lượng sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng

 

nha-kinh-lam-dong.jpg

 

Khu vực lũ quét khiến 41 người bị mắc kẹt nhiều giờ liền là khu vực hàng chục hecta nhà kính nằm trong một thung lũng nhỏ. Đây cũng là khu vực đồi núi đã bị san gạt để làm nông - Ảnh: M.VINH

 

Sau gần một ngày lũ lớn tràn về bất ngờ, người dân huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã bắt tay vào khắc phục hậu quả của “cơn đại hồng thuỷ” hung hãn gây thiệt hại nặng cho nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Ghi nhận trong chiều 9/8, dọc bên bờ suối Đạ Nghịt (xã Lát - nơi vừa có trận lũ quét qua vào rạng sáng 8/8) người dân liên tục đến thăm vườn rau, hoa công nghệ cao để thống kê thiệt hại cũng như bắt đầu công tác khắc phục hậu quả. Trận lũ quét bất ngờ đã ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề cho hàng chục nhà kính nằm dọc bờ suối kéo dài nhiều km.

Phía trong khu sản xuất thuộc thôn Păng Tiêng (xã Lát), nhiều nhà kính ven suối đã bị xiêu vẹo hoặc đổ sập, cạnh đó là những cột điện gãy đổ nằm ngổn ngang trên đường. Để đảm bảo an toàn, ngành chức năng phải cắt điện tạm thời nên mọi hoạt động sản xuất dường như ngưng trệ.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Lạc Dương, tình hình mưa ngập và lũ quét trên địa bàn trong ngày 8/8 ước tính gây tổng thiệt hại gần 20 tỷ đồng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng trên 100 ha, trong đó nhà kính nông nghiệp công nghệ cao khoảng 75ha. Đây hầu hết là diện tích trồng rau, hoa công nghệ cao tập trung tại thị trấn Lạc Dương và xã Lát. Riêng tại xã Lát, do hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng, một trang trại cá tầm rộng 1ha đã bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại 300 tấn cá, ước tính mất trắng 45 - 50 tỷ đồng.

 

hoa-mau.jpg

Vườn hoa của người dân huyện Lạc Dương bị mất trắng sau khi nước lũ quét qua. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN.



Hiện tại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã và thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ diện tích các loại cây trồng bị thiệt hại, đồng thời đánh giá đúng mức độ thiệt hại để tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo giải quyết, nghiên cứu đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết thêm, do mưa lớn kéo dài trên địa bàn đã khiến tình hình mưa lũ trong ngày 8/8 diễn ra hết sức phức tạp. Đặc biệt trận lũ tràn về thôn Đạ Nghịt (xã Lát) khiến 41 người bị mắc kẹt và may mắn được giải cứu kịp thời. Ngoài ra, toàn huyện có 65 căn nhà bị ngập, 15 căn nhà hư hỏng hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người. Đây là cơn lũ với lượng nước cực lớn mà trong gần 10 năm nay mới xuất hiện. Đối với thiệt hại lớn của nhân dân, UBND huyện đang cho thống kê để hỗ trợ. Tuy nhiên, nguồn ngân sách huyện không đảm bảo đủ và sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm.

Mưa nhỏ nhưng lũ xảy ra ở Lâm Đồng rất lớn. Điều này có vẻ khác lạ nhưng đúng với thực trạng đang diễn ra ở Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt và khu vực xung quanh.

Từ các số liệu của các cơ quan tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia nhìn nhận Lâm Đồng đang gánh hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao. Hai tác nhân này khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng. 

 

lam-dong.jpg

 

Theo các số liệu mới nhất từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000ha nhưng có đến 10.000ha nhà kính (tỉ lệ hơn 50%). 

Diện tích nhà lưới, nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh… Đây là diện tích thống kê được, chưa kể những diện tích nằm "ngoài sổ" như lấn chiếm rừng.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người thường xuyên có những phản biện chuyên môn cho các dự án phát triển Lâm Đồng và là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan - trăn trở rằng Đà Lạt là nơi có khí hậu ôn hòa nên khi nhà kính mọc lên tràn lan, mọi người chỉ thấy cảnh quan bị phá vỡ mà ít cảm nhận đến một sự thay đổi về nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái ở đây. 

"Tôi cho rằng đối với một vùng khí hậu đặc biệt như Đà Lạt thì đó là sự thay đổi nghiêm trọng, có thể dùng từ khủng khiếp và đến lúc khó vãn hồi. Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và và 'sức khoẻ' hệ sinh thái của Đà Lạt", ông Long nói.

Những so sánh khác cho thấy diện tích nhà kính hiện nay đã gấp 5 lần so với 5 năm trước đó. Hiện trạng xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào "sức mạnh" của từng hộ gia đình. Cơ quan địa phương dường như không có ý định quản lý việc phát triển nhà kính tại khu vực vườn của giai đoạn hay đất thuê mướn. 

Theo tiến sĩ Long, biến đổi cảnh quan, xuất hiện lũ là những hậu quả nhãn tiền của lạm dụng nhà kính. Chuyên sâu hơn, một tiểu khí hậu tiêu cực đã hình thành tại Đà Lạt. Như hiện nay, vành đai xanh đã lùi quá xa thành phố, vùng trắng nhà kính càng lúc càng lớn. 

Ở vùng trung tâm mật độ xây dựng tăng nhanh. Sự thay đổi kiến trúc chung trong lòng thành phố và vùng vành đai đã tạo nên một cơ hội để những ảnh hưởng tiêu cực "tấn công" vùng trung tâm thành phố.

"Những hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính tôi nói ở trên như thay đổi nhiệt độ, ô nhiễm nước, không khí không chỉ khu trú trong phạm vi những khu nhà kính. Hậu quả đó đổ dồn vào khu trung tâm như tôi đã phân tích về mặt địa hình và quy hoạch. Tất cả tạo ra một hậu quả mới là vùng tiểu khí hậu tiêu cực hình thành.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cho biết thêm: "Tôi cho rằng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá lại toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị và cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá sẽ cho những cơ sở quan trọng để phòng chống lũ lụt".

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top