Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 11 năm 2018 | 12:10

Sự kiện 24/7: Nguyên Thứ trưởng, TGĐ BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng bị bắt

Nguyên Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam bị bắt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

ong-hong.jpg

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra mở vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty ALCII và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 72/C46-P13 ngày 26/12/2017.

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và chứng cứ thu thập được, ngày 09/11/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các Quyết định Khởi tố bị can, bắt tạm giam và Lệnh khám đối với ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Nguyễn Huy Ban, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trần Tiến Vỹ, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Hoàng Hà, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên, ngày 09/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành các Lệnh đối với bị can theo đúng quy định của pháp luật. 

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Thực hư “thuốc làm từ thịt người” của Trung Quốc

Cục Quản lý dược khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam các thuốc Trung Quốc “làm từ thịt người".

Dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người ở dạng viên con nhộng, có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh nan y giai đoạn cuối.

 

thuoc-lam-tu-thit-nguoi.jpg

Thuốc "chứa thành phần từ người" bị chính quyền Hàn Quốc tịch thu, lưu giữ tại Công an tỉnh South Chungcheong. Ảnh: EPA.

 

Cục Quản lý Dược cho biết, thời gian qua, báo chí thông tin về việc Nigeria báo động gấp hàng trăm nghìn viên thuốc Trung Quốc làm từ thịt người lưu hành tại nước này. Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria cũng xác nhận, có dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người.

Theo mô tả, các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối.

Các viên thuốc được buôn lậu trong va li qua đường vận chuyển thư quốc tế. Trước thông tin này, Cục Quản lý Dược có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thông tin thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục Quản lý Dược khẳng định đến nay, Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” đề cập trên tại Việt Nam.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan như: Hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Điều chỉnh lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

 

luong-huu.jpg

Nghị định này quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Theo đó, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cộng với mức điều chỉnh.

Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.

Mức lương hưu sau điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 57 Luật bảo hiểm xã hội.

Đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/6/2018 thì thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định tại nêu trên trước, sau đó được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Nghị định có hiệu lực từ 24/12/2018.

“Cuộc cách mạng” nhà vệ sinh?

Sự kiện thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đang được sự chú ý của cộng đồng vì tên gọi rất 'lạ', nhưng cũng thể hiện khát vọng của những người sáng lập muốn tạo ra một 'cuộc cách mạng' về nhà vệ sinh.

 

nha-ve-sinh.jpg

Ông Lê Văn Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VTA) - cho biết: Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt. Tới nay, hiệp hội có gần 100 thành viên là doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước.

Ngay sau khi thông tin đại hội thành lập hiệp hội được đăng tải, có rất nhiều ý kiến khác nhau về tên hiệp hội. Khi vận động thành lập hiệp hội, chúng tôi cũng có cân nhắc về tên gọi, nhưng cuối cùng quyết định chọn tên là Hiệp hội Nhà vệ sinh để nêu thẳng vào bản chất vấn đề.

Tuy vấn đề vệ sinh khá tế nhị, nhưng chúng ta cần có cái nhìn và cách tiếp cận nghiêm túc để tạo ra "cuộc cách mạng" cải thiện chất lượng nhà vệ sinh Việt Nam. Tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không sạch sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh tiêu chảy, làm tử vong 800.000 trẻ em mỗi năm.

Tại Việt Nam, nỗi ám ảnh về các nhà vệ sinh trong trường học không sạch sẽ, các địa điểm công cộng, du lịch có nhiều khách nước ngoài nhưng lại thiếu nhà vệ sinh... đã được nêu ra suốt nhiều năm nhưng cải thiện rất chậm.

Vấn đề đảm bảo chất lượng nhà vệ sinh đã được thế giới tiếp cận khá nghiêm túc. Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 19-11 hằng năm là Ngày toilet thế giới. Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới (World Toilet) cũng được thành lập tại Singapore và có nhiều hoạt động rất bài bản.

Cá nhân tôi đã làm đại diện cho World Toilet tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Tổ chức World Toilet tại Việt Nam đã phối hợp một số hoạt động như các "cuộc chạy khẩn cấp" để nâng cao ý thức cộng đồng nhân ngày vệ sinh...

Tuy nhiên, để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và huy động được nguồn lực xã hội, góp ý cải thiện cơ chế chính sách... thì cần một tiếng nói lớn hơn thông qua Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam.

Bộ Công Thương bàn giao 6 "ông lớn" tổng vốn 550 ngàn tỉ đồng về siêu ủy ban

Sáng nay 10/11, Bộ Công Thương đã ký biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban). 

 

bct.jpg

Theo đó, 6 "ông lớn" thuộc Bộ Công Thương chính thức về Ủy ban gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA).

Bộ Công Thương cho biết, đây đều là những doanh nghiệp có vốn hóa cao, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ hiện tại trên 555 ngàn tỉ đồng tại các doanh nghiệp này (bằng 1/2 ổng số vốn nhà nước mà Ủy ban nắm giữ trên tổng 19 doanh nghiệp chuyển về Ủy ban).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một sự thay đổi lớn, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng tin tưởng và kỳ vọng với cơ chế quản lý và điều hành mới, các Tập đoàn, Tổng Công ty sẽ có nhiều điều kiện, cơ hội phát triển hơn.

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top