Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 1 năm 2018 | 6:2

Sự kiện 24/7: Nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh, Vũ “nhôm” bị bắt

Thông tin “nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trong tuần qua là vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh khiến 2 người tử vong, nhiều ngôi nhà bị san phẳng, chủ kho phế liệu bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam...

Khởi tố bắt tạm giam chủ kho phế liệu vừa nổ ở Bắc Ninh

Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến - chủ cơ sở phế liệu vừa nổ ở Bắc Ninh - để điều tra về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Tại cơ quan Công an, ông Nguyễn Văn Tiến khai nhận từ tháng 12/2016 có mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5  để tháo dỡ phế liệu. 

Vụ nổ kho phế liệu đã san phẳng nhiều ngôi nhà ở làng Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong - Bắc Ninh).

Số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và ngày 3-1 đã nổ, làm 2 cháu bé là Nguyễn Tiến Nam và  Đặng Thuỳ Trang thiệt mạng cùng 7 người khác bị thương nặng phải đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội cấp cứu.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định vụ nổ làm căn nhà cấp 4 ông Tiến bị sập hoàn toàn, tạo hố sâu 3m; 6 căn nhà ở gần đó bị sập và hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, có khoảng 100 căn nhà dân tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng, hư hỏng như vỡ cửa kính, nứt tường, trần nhà...

Trước đó, vào khoảng 4h10 sáng nay 3/1 tại một kho phế liệu ở làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) Ông Nguyễn Văn Bang - chủ tịch UBND huyện Yên Phong - cho biết theo thông tin ban đầu, vụ nổ làm 2 trẻ em tử vong, 7 người bị thương và 5 ngôi nhà bị sập.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, nguyên nhân vụ nổ ban đầu được xác định là do người dân mua vật liệu nổ về nhà để chế xuất phế liệu, dẫn đến nổ.

"Chúng tôi đã chỉ đạo công an tỉnh, quân đội trên địa bàn tỉnh, khẩn trương làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ nổ và xác minh vật liệu nổ này là gì và mua từ đâu về", ông Quỳnh nói. "Nếu vụ nổ có dấu hiệu vi phạm hình sự, chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố".

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định tình hình trong khu dân cư, vì vụ nổ này khá lớn.

Thanh tra toàn bộ việc sử dụng đất quốc phòng trên cả nước

Một thông tin kinh tế khác cũng được đông đảo dư luận quan tâm là việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai.

Trong đó, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và đặc thù chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2018.

"Bộ Quốc phòng phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước", Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.

Với trường hợp có dấu hiệu sai phạm về sử dụng đất, hoặc để bị lấn, bị chiếm đất, Bộ Quốc phòng phải kiên quyết xử lý theo quy định. Bộ có trách nhiệm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2018.

Vũ “nhôm” bị bắt

Theo thông báo của Bộ Công an, ngày 04/01/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 2/1, thông tin bắt giữ Phan Văn Anh Vũ được đăng tải trên website của Cục Di trú Singapore (ICA). Theo đó, giới chức nước này đã bắt giữ một người có tên Phan Van Anh Vu vào ngày 28/12/2017 vì vi phạm Đạo luật Di trú của Singapore.

Bức thư mà ICA gửi cho luật sư riêng của ông Phan Văn Anh Vũ ngày 4/1 cho biết, phía Việt Nam đã thông báo cho cơ quan này về việc hộ chiếu ông Vũ dùng để nhập cảnh vào Singapore là “giả”. Và Singapore đã quyết định trục xuất đối với ông Phan Văn Anh Vũ do vi phạm Luật Di trú của nước này.

Phan Văn Anh Vũ bị trục xuất khỏi Singapore về Việt Nam trên chuyến bay VN662 của Vietnam Airlines, xuất phát từ Changi lúc 13h25 và hạ cánh lúc 15h40 tại Hà Nội trong ngày 4/1.

Bộ Giao thông Vận tải công nhận hợp đồng điện tử của Uber, Grab

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Đánh giá sau 2 năm thí điểm hợp đồng điện tử, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, cần thiết có quy định cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và du lịch.

Trong dự thảo nghị định có đề cập quy định hợp đồng vận tải điện tử là việc ứng dụng phần mềm trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động, ứng dụng mở khác để thực hiện việc kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa với người thuê vận tải.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông), các xe đang hoạt động có ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, không còn hoạt động theo mô hình thí điểm mà chính thức hóa hoạt động.  Theo đó, đơn vị cung cấp phần mềm phải đăng ký kinh doanh phù hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư các địa phương, đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công Thương, đồng thời đăng ký với Bộ Giao thông và Tổng cục Thuế để quản lý thuế rõ hơn.

“Các cơ quan thuế sẽ kết nối với các đơn vị công nghệ, mỗi chuyến đi đều nắm bắt được số tiền qua phần mềm, quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch hơn”, ông Ngọc nói.

Lãnh đạo Vụ Vận tải khẳng định, dự thảo nghị định sẽ có thêm các điều kiện với xe hợp đồng và hợp đồng điện tử như phải đăng ký chất lượng dịch vụ, niêm yết đầy đủ thông tin ở 2 cửa xe, dán logo, phù hiệu của Sở Giao thông Vận tải.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu cơ quan tham mưu đề xuất quy định quản lý Uber, Grab đúng quy định, bình đẳng với các loại hình vận tải khác. 

Bộ trưởng cũng đặt vấn đề mỗi năm Uber báo lỗ nghìn tỷ đồng, nhưng thực sự có lỗ không hay "do cạnh tranh không sòng phẳng, giảm giá tối đa để cạnh tranh với taxi truyền thống". Uber muốn hoạt động tại Việt Nam cần tuân thủ đúng loại hình kinh doanh để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, an toàn cho người dân. 

Gia đình Trịnh Xuân Thanh và 2 đồng phạm nộp 5,3 tỷ khắc phục hậu quả vụ PVC

Ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, gia đình 3 bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN và Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC đã chủ động tới cơ quan này nộp tổng cộng 5,3 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Cụ thể, gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chủ động nộp khắc phục hậu quả số tiền 2 tỷ đồng, gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh nộp 2 tỷ đồng và gia đình Nguyễn Anh Minh nộp 1,3 tỷ đồng.

Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội chưa nhận được cáo trạng vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và tội Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì hồ sơ, quyết định... mới được chuyển tới cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án, thu hồi tài sản của các đương sự liên quan.

“Nhưng đây là số tiền mà gia đình các đương sự chủ động, tự nguyện nộp nên cơ quan thi hành án dân sự chúng tôi cũng tạo điều kiện cho họ khắc phục hậu quả”, ông Tiến cho hay.

Lo ngại khi nhiều loại xe không phù hợp với xăng E5

Từ 1/1/2018, ngành xăng dầu chính thức “khai tử” xăng Ron 92 và thay thế hoàn toàn bằng xăng E5. Nhiều cây xăng ở TPHCM đã không còn bán xăng Ron 92 và thay vào đó là xăng E5. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn còn tâm lý ái ngại khi các chuyên gia quốc tế “điểm mặt” các loại xe không nên dùng xăng E5.

Xăng E5 được cho là không phù hợp với nhiều loại xe.

Các loại ô tô, xe máy không phù hợp với xăng E5 như: Audi A3 1.8L đời 2000 về trước. Ford Laser sản xuất từ năm 1986 trở về trước và một vài mẫu xe sản xuất trong khoảng năm 2002 – 2004; Tất cả các xe GM Daewoo; Tất cả các xe Mazda ngoại trừ Mazda2 sản xuất tháng 2/2005, Mazda3, Mazda6, RX8, MX-5 sản xuất tháng 7/2005 và từ tháng 4/2006 trở đi; Tất cả xe Suzuki sản xuất trước năm 2008; Toyota Camry động cơ phản lực sản xuất trước tháng 7/1989 hay Toyota Hilux, Toyota Hiace sản xuất trước tháng 8/1997.

Đối với mô tô, xe máy, nhiều mẫu xe cũ của Honda, Yamaha cũng nằm trong danh sách không tương thích với xăng E5. Nhiều mẫu xe máy của Kawasaki cũng có kết quả tương tự.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng".

  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Top