Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 12 năm 2018 | 10:54

Sự kiện 24/7: Ông Mai Vũ Tuấn làm Giám đốc TTTH Quảng Ninh

Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh là cơ quan mới được hợp nhất từ 4 đơn vị báo chí truyền thông của tỉnh này.

bo-nhiem.jpg
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu trở thành Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh.

 

Ngày 21/12, tỉnh Quảng Ninh vừa điều động, bổ nhiệm người đứng đầu Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh - cơ quan hợp nhất từ 4 đơn vị báo chí truyền thông của tỉnh này. Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh là ông Mai Vũ Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Liêu.

Trước đó, được sự đồng ý của Ban Bí thư, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hợp nhất 4 đơn vị là Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh) và Cổng thông tin điện tử (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh) thành Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình Trung tâm Truyền thông. Vì vậy, người đứng đầu Trung tâm Truyền thông phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực báo chí, có đạo đức trong sáng, tâm huyết với nghề, có bề dày kiến thức xã hội và kinh nghiệm thực tiễn. Đây là tiền đề để Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh bắt đầu vận hành từ 1/1/2019 đồng bộ, hiệu quả.

Cũng trong hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định điều động, chỉ định ông Dương Mạnh Cường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hạ Long tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bình Liêu nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Giữ giá trị cho từng lá phiếu tín nhiệm

Nhiều địa phương đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, thể hiện thước đo đánh giá của nhân dân đối với cán bộ.

Nhìn vào kết quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại các kỳ họp HĐND diễn ra trong tháng 12 này, có thể thấy, các lá phiếu tín nhiệm phần nào đã phản ánh được thực tế hoạt động của từng ngành tại địa phương, cũng như trước đó đã từng thể hiện được phần nào những đánh giá về kết quả công tác của từng bộ, ngành trên cả nước.

 

bo_phieu-tin-nhiem.jpg

Các đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái bỏ phiếu tín nhiệm.

 

Trong đó, những ngành mà hoạt động liên quan đến đời sống dân sinh, an ninh trật tự sẽ được đánh giá khắt khe hơn. Do đó, các cơ quan như Sở GTVT, Sở Thông tin truyền thông, Sở Giáo dục, Sở Công an... với mức phiếu tín nhiệm thấp đạt 25% - 30%. Cá biệt, Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre, có tới 51%, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La có 54,93% số phiếu tín nhiệm thấp...

Đánh giá về kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp bầu ra, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: Việc Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 ra Quy định 262/QĐ-TW Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một bước tiến rất quan trọng trong công tác cán bộ và xây dựng Nhà nước ta.

Tuy nhiên, PGS.TS Đào Duy Quát cũng bày tỏ băn khoăn trước những thông tin cho rằng, đã có tình trạng “chạy phiếu tín nhiệm” và cho rằng điều này thể hiện sự đối phó, không trung thực, từ chạy bằng cấp, chạy tuổi đến chạy phiếu tín nhiệm thì chạy chức và cuối cùng là chạy tội không phải là không thể xảy ra.

Cùng quan điểm đó, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cho rằng: Chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm thể hiện có tính chất công khai minh bạch và mỗi Nhà nước lành mạnh phải thực hiện được điều đó. Đấy là hoạt động cần thiết xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, trước tình trạng một số cán bộ đạt số phiếu tín nhiệm thấp lên tới trên 50%, các chuyên gia và dư luận không khỏi băn khoăn: cần ứng xử với những trường hợp này như thế nào?

Với những trường hợp 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm đều đạt số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao thì nên có cách xử lý như thế nào? Điều 11 Quy định 262/QĐ-TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nêu rõ: “Những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. 

Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”. Quy định là như vậy, nhưng cho đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý.

Metro Hà Nội đội vốn 16.000 tỷ: Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội

 

metro.jpg

Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng xem xét báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long — Trần Hưng Đạo. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án kiến nghị từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng; tăng 16.123 tỷ đồng.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện dự án. Dự án này được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, là dự án nhóm A. Đến tháng 3/2018, UBND thành phố Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Dự án với tổng mức đầu tư là 35.678 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Bộ Tài chính xin ý kiến về cơ chế tài chính, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án và xin ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Báo cáo trình Quốc hội về tình hình triển khai dự án.

“Đến nay, chúng tôi nhận được đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan. Về cơ bản, các ý kiến nhận được thống nhất với dự thảo báo cáo và có một số nội dung UBND thành phố Hà Nội cần phải tiếp thu trong quá trình thực hiện”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Sau khi có đầy đủ ý kiến, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Dự thảo Báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó, có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia đã được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan phối hợp.

BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài: Dân muốn dừng thu, Bộ GTVT than khó

Người dân và chuyên gia cho rằng, cần dừng thu phí tại trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài vì đặt nhầm chỗ nhưng Bộ GTVT lại cho rằng “khó giải quyết”.

Từ ngày 18/12 vừa qua, tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (TP.Hà Nội) xuất hiện hàng chục tài xế đưa xe tới tập trung tại các làn thu phí để phản đối việc thu phí và yêu cầu di chuyển trạm BOT này đi khỏi vị trí khác.

 

bot.jpg

Ngày 21/12 tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, nhiều lái xe vẫn vây trạm thu phí và trạm này vẫn đang phải xả.

 

Các lái xe đưa nhiều loại phương tiện khác nhau như xe ô tô con, xe tải, xe taxi cùng treo băng rôn đi đến trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài rồi cho xe dừng tại đây yêu cầu chủ đầu tư di dời trạm về tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cách trạm này gần 60km.

Đến chiều 21/12, tại trạm thu phí này vẫn còn nhiều lái xe và xe ô tô tập trung tại đây để phản đối và yêu cầu di rời trạm thu phí đi nơi khác và trạm thu phí này vẫn đang phải xả trạm.

Trước thực trạng đó, Bộ GTVT có công điện gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty Cổ phần BOT Viettracimex 8, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo an ninh trật tự và ATGT tại trạm thu phí.

Đến năm 2020, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 4%

Hiện, có 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo. Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 4%.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước hiện còn khoảng 6%, tỷ lệ tái nghèo được kiềm chế nhưng giảm nghèo chưa đồng đều. Hiện nhiều xã nghèo vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, thậm chí có xã có 60-70% hộ nghèo. Đây là con số được đưa ra tại hội nghị giao lưu trực tuyến “để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống” về giảm nghèo tổ chức sáng 21/12, tại Hà Nội.

Theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 7% (năm 2017). Ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6%. Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,1% (năm 2017). Đặc biệt, có 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 52% tổng số hộ nghèo trong cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nguồn lực thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số.

Thiên tai khiến 218 người chết, thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng trong 2018

Thông tin được nêu ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2019 của Tổng cục phòng chống thiên tai vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

thien-tai.jpg

Năm 2018, các loại hình thiên tai xảy ra khắp các vùng miền trên cả nước, nhưng với chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và sự chủ động tích cực của chính quyền địa phương các cấp, người dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tình hình thiên tai năm 2018 diễn ra bất thường so với giai đoạn 10 năm trở lại đây. Cụ thể là mưa, lũ sớm và rất lớn ở miền núi phía Bắc đã làm 32 người chết; Tháng 8 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện lũ sớm; Diễn biến phức tạp của bão số 9 vào tháng 11 vừa qua khi hướng vào các tỉnh, thành phố ở Nam Trung bộ…

Năm 2019, Tổng cục phòng chống thiên tai tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành, địa phương về đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình, đề án trong ứng phó thiên tai. Nâng cao năng lực ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai…

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top