Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 5 năm 2020 | 13:15

Sự kiện 24/7: Phát hiện nhiều sai phạm đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính vừa công bố kết quả kiểm tra việc tổ chức và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Trước đó, 24 doanh nghiệp (DN) trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 năm 2020 đã từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

mua-gao.jpg

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính đã thành lập Đoàn Kiểm tra để tiến hành kiểm tra việc tổ chức và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 tại Tổng cục DTNN (DTNN) và 22 Cục DTNN khu vực.

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) được giao mua 190.000 tấn gạo. Kết quả mở thầu ngày 12/3 tổng cộng có 28 DN trúng thầu cung cấp gạo DTNN đợt 1 năm 2020 với số lượng 178.000 tấn.

Tuy nhiên, hết thời hạn phải ký Hợp đồng chỉ có 2 DN ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn; chỉ có 2 DN đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn. Trong khi đó, đã có 24 DN từ chối ký hợp đồng, với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn.

Đối với nhà thầu từ chối ký hợp đồng, các Cục DTNN khu vực đã nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đảm bảo dự thầu của nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu số tiền gần 28 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính tại các điểm kho dự trữ của 22 Cục DTNN khu vực cho thấy: Có 7/22 Cục DTNN khu vực đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của Nhà nước không đúng với qui định của Luật DTNN và văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia của Tổng cục DTNN, gồm: Cục DTNN khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đã quyết liệt, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai ngay các nội dung đồng bộ.

Thứ nhất, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra các sai phạm nêu trong kết quả kiểm tra: Lãnh đạo Tổng cục DTNN và các Vụ chức năng của Tổng cục trong việc thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra các sai phạm trên; tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các Cục trưởng, Chi cục trưởng DTNN cho gửi hàng vào Kho DTNN trái quy định; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân của các Cục DTNN và Chi cục DTNN có liên quan đến các sai phạm trên.

Như vậy, sau đợt kiểm tra, Bộ Tài chính khá “mạnh tay” siết chặt kỷ luật hoạt động ngành dự trữ với 7 Cục trưởng DTNN khu vực và các cán bộ liên quan để các công ty sử dụng kho sai với quy định trong luật DTNN, phải bị điều tra và xử lý.

Thứ hai, tiến hành rà soát các quy trình, quy chế quản lý Kho DTNN để sửa đổi bổ sung đảm bảo công tác giám sát, quản lý tập trung, hiện đại hóa. Xây dựng kế hoạch trang bị, lắp đặt hệ thống camera tại tất cả các điểm Kho DTNN để phục vụ công tác giám sát, quản lý đảm bảo an toàn Kho DTNN.

Thứ ba, đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra - Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Mưa lốc ở Ngọc Chiến, Sơn La làm gần 400 ngôi nhà bị tốc mái

Chiều 8/5, tại xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã xảy ra trận mưa lốc mạnh làm gần 400 nhà bị tốc mái.

 

mua-loc.jpg

Trận mưa lốc làm gần 400 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái.

 

Chiều 8/5, tại xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã xảy ra trận mưa lốc mạnh làm gần 400 nhà bị tốc mái, 3 điểm trưởng mầm non và tiểu học bị sập đổ, hư hỏng. Công tác khắc phục hậu quả trận mưa lốc nhanh chóng được chính quyền địa phương triển khai trong đêm.

Theo thống kê, có 13/15 bản của xã Ngọc Chiến bị mưa lốc làm ảnh hưởng, trong đó bản Lướt và bản Mường Chiến 2 có số hộ bị hư hỏng nhiều nhất, hầu hết nhà cửa bị tốc mái, trong đó có 60 nhà bị thiệt hại nặng. Điểm trường mầm non tại bản Mường Chiến bị sập đổ hoàn toàn, phải mất nhiều thời gian để xây dựng lại. Tại điểm trường mầm non và tiểu học Mường Chiến 2, toàn bộ mái và khung kèo bị bay và hư hỏng.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến cho biết, ngay sau khi trận mưa lốc xảy ra, xã đã phối hợp với điện lực huyện Mường La cắt điện để đảm bảo an toàn cho bà con, đồng thời huy động các lực lượng như công an xã, dân quân, đoàn viên thanh niên hỗ trợ bà con thu dọn, che chắn đồ đạc. Sáng 9/5, các tổ công tác của xã đến các bản rà soát, thống kê thiệt hại, hỗ trợ, hướng dẫn bà con mua tấm lợp để che chắn lại nhà cửa. 

"Ngay đêm 9/5, đối với những hộ bị thiệt hại nặng về nhà cửa không thể ở trong nhà, chúng tôi đã kêu gọi và huy động những gia đình không bị thiệt hại cho bà con ở nhờ. Đồng thời huy động lực lượng chuyển toàn bộ các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh dễ bị hư hỏng do mưa lũ đã được chuyển đi kịp thời. Đối với 2 điểm trường mầm non và một điểm trường tiểu học, trước mắt chúng tôi chỉ đạo các lực lượng tập trung khắc phục. Phương án đưa các cháu trở lại lớp vào thứ 2 này, chúng tôi đã chỉ đạo các trường và các bản sử dụng các nhà văn hóa bản để học tập đợi đến khi khắc phục xong các điểm trưởng"- ông Bùi Tiến Sỹ cho biết.

Cách đây chưa đầy 1 tháng, xã Ngọc Chiến đã phải hứng chịu trận mưa đá lớn làm 49 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả chuẩn bị thu hoạch.

Buộc tái xuất gần 1.100 container phế thải

Gần 1.100 container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái đã được Cục Hải quan TPHCM kiểm tra, kết luận không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định. 

 

rac.jpg

Mặc dù hơn một năm nay, các cảng biển ở TPHCM không tiếp nhận phế liệu nhựa nhập khẩu, nhưng theo Cục Hải quan TPHCM, tính đến ngày 24/4, số lượng container phế liệu còn tồn đọng lưu tại kho, bãi cảng trên 90 ngày kể từ ngày cập cảng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại là trên 2.100 container. Trong đó, phế liệu chủ yếu nhập khẩu qua cảng Cát Lái, với 2.029 container.

Trong số 2.029 container này, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với các đơn vị phân loại để xử lý là 1.528 container, với kết quả hơn 70% là phế thải, không đủ điều kiện nhập khẩu theo các quy định hiện hành. Số phế liệu này chủ yếu là màng nhựa, bao bì các loại chưa băm cắt lẫn tạp chất, vỏ xe cũ, rác thải có mùi hôi thối, dơ bẩn.  

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho Báo Hải quan biết, sau khi phân loại phế liệu tồn đọng, đối với gần 1.100 container phế liệu không đạt tiêu chuẩn buộc phải tái xuất theo quy định, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng Cát Lái đang yêu cầu khoảng 10 hãng tàu vận chuyển số phế liệu trên phải có trách nhiệm tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.  

Trong thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM đã chủ động phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý nhanh hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, nhất là mặt hàng phế liệu. Trong đó, liên tục thống kê, phân loại tìm chủ sở hữu hoặc có liên quan đến các lô hàng phế liệu; yêu cầu các doanh nghiệp đến chi cục hải quan xác nhận, hoặc xác nhận bằng văn bản chính thức việc làm thủ tục nhận hàng và bổ sung thông tin liên quan.

Cùng với đó, để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu nhập, do đó đã giảm được hàng nghìn container. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 2.000 container phế liệu như nêu trên đang được Hội đồng xử lý hàng tồn đọng cảng Cát Lái xử lý.

Năm 2019, cả nước có hơn 900 người chết vì tai nạn lao động

Năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động, làm 927 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 10.500 tỷ đồng.

 

tnld.jpg

So với năm 2018, điều kiện lao động trong năm 2019 đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể tỷ lệ người có sức khỏe tốt tăng. Số lượt người được huấn luyện vệ sinh an toàn lao động khoảng gần 5 triệu người. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động được tăng cường, các hoạt động tư vấn cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động.

Mặc dù tình hình tai nạn lao động năm 2019 giảm ở nhiều chỉ số, trong đó giảm số vụ tai nạn lao động chết người và số người bị thương nặng nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động, làm 927 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 10.500 tỷ đồng. Về bệnh nghề nghiệp, khám và phát hiện hơn 7.200 trường hợp bệnh nghề nghiệp, tăng 2% so với năm 2018. Những mất mát về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động là rất lớn, để lại những nỗi đau cho nhiều gia đình, tăng gánh nặng cho xã hội và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban chỉ đạo Tháng an toàn vệ sinh lao động, cho biết trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, tất cả các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người lao động cần phải vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, đồng thời góp sức bảo đảm an toàn tại nơi làm việc, tạo ra môi trường an toàn bền vững, cải thiện quan hệ lao động...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: “Tôi đề nghị tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, công nhân và người lao động trong cả nước tuyệt đối tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; chủ động và tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ trong đánh giá kiểm soát các nguy cơ. Chúng ta sẽ nói không với rủi ro và mất an toàn; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, các sáng kiến cải thiện điều kiện lao động. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng với trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, điều kiện lao động chắc chắn sẽ được cải thiện”.

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top