Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo ngành y tế đã công bố những thông tin rất phấn khởi trong công tác phòng chống dịch bệnh do virus nCoV gây ra.
Ngày 7/2, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã họp triển khai công tác phòng chống dịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê: Hiện ở Việt Nam chưa có người tử vong vì dịch bệnh do nCoV gây ra, chưa có ai bị lây nhiễm chéo. Trong số các ca mắc bệnh, chúng ta đã điều trị khỏi bệnh cho 3 người. Các trường hợp còn lại, tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển khả quan.
Điều đáng chú ý là, Bộ Y tế cũng đang tính đến việc tổ chức điều trị cho người bị mắc bệnh này ngay tại tuyến huyện,… Và lãnh đạo Bộ Y tế một lần nữa khẳng định rằng: Ngành y tế Việt Nam đủ năng lực để phòng chống dịch bệnh này.
Điều đặc biệt là, các nhà khoa học của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona (nCoV) trong phòng thí nghiệm.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus nCoV. Với việc này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết (hiện nay, Việt Nam đang có trên 1000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm).
Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ: Đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng chống loại virus này trong tương lai và cũng giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Còn đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn đảm bảo cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm.
Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã họp, thẩm định kinh phí để triển khai các đề tài: Nghiên cứu chế tạo Bộ Sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus nCoV-2019; nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc nCoV; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu, thành viên Ban Chỉ đạo đã nêu, trao đổi và thống nhất một số giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh như: Tổ chức đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp cách ly tại cộng đồng nhất là ở cấp cơ sở; tổ chức các đoàn kiểm tra của Trung ương để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng chống dịch; vấn đề bảo đảm chương trình, chất lượng đào tạo và an toàn dịch tễ trong các trường học; bảo đảm lưu thông hàng hóa, không bị đình trệ,…
Xác nhận ca nhiễm corona thứ 13 là nữ công nhân Vĩnh Phúc
Tối 7/2, Bộ Y tế xác nhận trường hợp thứ 13 nhiễm virus corona mới (nCoV) tại Việt Nam.
Bệnh nhân là chị N. T. N, nữ, 29 tuổi. Nghề nghiệp: công nhân. Địa chỉ: xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh nhân N. là 1 trong 8 công nhân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc trên cùng một chuyến bay, trong đó, 5 trường hợp đã xác định mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Chị N. là 1 trong 3 người còn lại không có biểu hiện bệnh, không sốt, không ho và cũng đã được cách ly tại cơ sở y tế từ trước.
Ngày 3/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm xác định nCoV mặc dù bệnh nhân không có triệu chứng nhiễm bệnh. Hiện tại, trường hợp này đang được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo và có tình trạng khỏe mạnh, không có biểu hiện sốt hoặc ho.
Như vậy, tính đến thời điểm này Việt Nam đã có 13 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, riêng tại Vĩnh phúc đã có 8 người mắc bệnh. Chính quyền địa phương, ngành y tế các nơi có các ca bệnh do nCoV đang triển khai chặt chẽ công tác giám sát, theo dõi các trường hợp đã tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
Đã có 56 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học đến ngày 16/2
Bộ GD&ĐT cho biết đến 19h30 ngày 7/2, đã có 56 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm 1 tuần (đến 16/2) để phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Các tỉnh/thành phố nói trên bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Lai Châu, Vĩnh Phúc, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hải Dương, Hà Giang, Vĩnh Long, Yên Bái, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Long An, Bình Định, Bình Phước, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hòa Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Nam, Nam Định, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hải Phòng, Lâm Đồng, Hưng Yên, Phú Yên, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Thuận, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Tiền Giang, Sơn La, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam.
Trước đó, đã có 4 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo tiếp theo là: Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên và Nghệ An.
Riêng tỉnh Quảng Bình trước đó đã quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 11/2.
Chiều 7/2, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới các Sở GD&ĐT hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi, tiếp nhận thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn để đánh giá đúng tình hình dịch bệnh, bảo đảm thông tin chính xác và chỉ đạo kịp thời đến các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để chủ động các biện pháp phòng, chống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để đón học sinh trở lại trường học theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực.
Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị đồng bộ các biện pháp để đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần của tất cả học sinh, giáo viên theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học.
Xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Thời gian học bù được sử dụng từ quỹ thời gian dự phòng đã được quy định tại Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của Bộ GDĐT. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng cơ cở vật chất của nhà trường để tổ chức học bù cho học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trường hợp cần thiết, tổ chức một số buổi học bù vào thứ bảy hoặc chủ nhật để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định việc điều chỉnh một số mốc thời gian trong Quyết định 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả.
724 người chết, 2.084 người được chữa khỏi
Theo cập nhật của trang Worldometers vào sáng hôm nay (8/2/2020), toàn thế giới đã có 724 người tử vong do dịch virus corona chủng mới (nCoV), tăng thêm 86 trường hợp so với con số cập nhật của hôm trước (với tổng cộng 638 ca tử vong). Mức tăng thêm của ngày hôm trước chỉ là hơn 70 người.
Cảnh sát Trung Quốc đeo khẩu trang đứng gác ở khu vực Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, trong bối cảnh dịch virus corona chủng mới bùng phát ở nước này. Ảnh: AP.
Các ca tử vong mới đều xảy ra tại Trung Quốc, vẫn theo số liệu thống kê của Worldometers.
Thông tin từ Worldometers cho hay: Tổng số ca nhiễm nCoV trên toàn cầu hiện nay là 34.878 người, trong đó có 4.826 trường hợp nguy kịch. Số lượng người qua khỏi bệnh nCoV tính tới nay là 2.084 người.
Trung Quốc tiếp tục là địa bàn nóng của đợt dịch virus corona, với tổng số ca nhiễm là 34.067 (trong đó có 723 trường hợp tử vong và 4.821 người đang trong tình trạng nguy kịch). Số ca phục hồi tại Trung Quốc là 2.051 trường hợp.
Trong khi đó, theo cập nhật đến sáng nay của trang Channel News Asia, tổng số ca tử vong do nCoV là 719. Bảng thống kê mới nhất của Channel News Asia cũng mới nêu tổng số ca nhiễm là 34.322 người, thấp hơn con số của Worldometers.
Cả 2 nguồn tin đều khẳng định số ca tử vong do nCoV ngoài đại lục Trung Quốc hiện vẫn là 2, bao gồm 1 trường hợp ở Hong Kong (Trung Quốc) và 1 trường hợp nữa ở Philippines.
Cuộc chiến chống dịch virus corona chủng mới vẫn đang hết sức cam go nóng bỏng.
Ngày 7/2, bác sỹ Trung Quốc đại lục Lý Văn Lượng – người cảnh báo sớm về dịch virus corona đã qua đời tại bệnh viện ở Vũ Hán cũng do nhiễm virus này, để lại niềm tiếc thương trong cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.