Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 9 năm 2018 | 15:0

Sự kiện 24/7: Tai nạn thảm khốc ở Lai Châu, 13 người chết

Sáng nay (15/9), vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa xe bồn và xe khách tại Lai Châu đã cướp đi sinh mạng của 13 người.

tai-nan.jpg

Vào khoảng 9h30 sáng nay, trên Quốc lộ 4D thuộc khu vực thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe bồn và xe khách. Thông tin từ Lãnh đạo UBND huyện Tam Đường, đến trưa nay đã có 13 người chết và 3 người bị thương. Công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn đang được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương triển khai.

Trong số 13 nạn nhân bị chết có cả 2 lái xe, 1 trẻ em. Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường và các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường đưa người bị thương đi cấp cứu; đồng thời đưa thi thể các nạn nhân về bệnh viện đa khoa huyện Tam Đường để xác định danh tính. Đến cuối giờ trưa nay đã có một số gia đình đến nhận thi thể người thân đưa về mai táng.

Do hai xe đang xuống dốc vào khúc cua, khi xe bồn đâm vào xe khách đã lao xuống suối có nhiều đá tảng nên cả hai xe bị biến dạng hoàn toàn, vì thế con số thương vong cao.

Được biết khi xuất bến từ thành phố Lai Châu đi huyện Than Uyên, trên chiếc xe khách có 14 người, cả lái xe. Trên xe bồn chỉ có 1 người là lái xe.

Đến trưa nay, công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn tiếp tục được lực lượng chức năng tiến hành khẩn trương, nhanh chóng xác định danh tính người đã chết để thông báo đến gia đình người thân.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Bây giờ tất cả các lực lượng điều tra, kỹ thuật, giao thông đang phối hợp để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Đồng thời khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và cứu hộ cứu nạn. Bước đầu xác định xe bồn bị mất phanh lao từ trên xuống, đến khu vực này thì đâm vào xe khách và cả hai xe lao xuống suối”.

Ông Nguyễn Vương Chiến, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lai Châu cho biết: Đến đầu giờ chiều nay, lực lượng chức năng đã xác định được danh tính của 12/13 nạn nhân bị chết và thông báo tới gia đình. Các nạn nhân đa số nhà ở cách xa hiện trường vụ tai nạn, nên tỉnh Lai Châu hỗ trợ phương tiện để đưa thi thể nạn nhân về.

Ông Nguyễn Vương Chiến nói: "Ban an toàn giao thông tỉnh cũng đã hỗ trợ mỗi gia đình là 5 triệu đồng. Hội chữ thập đỏ, các cơ quan ban ngành khác trên địa bàn cũng đã hỗ trợ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện chuẩn bị quần áo, hỗ trợ 100% phương tiện để chở nạn nhân về tại nhà".

Khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình

Theo Cổng thông tin Bộ Công an,  ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Quang Vinh về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

 

nguyen_quang_vinh.jpg

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình. Ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với:

Nguyễn Quang Vinh, sinh ngày 20/11/1966; nghề nghiệp: Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: tổ 1B, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đang khẩn trương điều tra làm rõ toàn bộ vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Báo cáo Ban Bí thư xem xét xử lý cán bộ liên quan vụ Mobifone mua AVG

Tại kỳ họp 29 (diễn ra từ ngày 10-12/9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Dương về trách nhiệm liên quan đến các vi phạm xảy ra đối với Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

 

mobifone_mua_avg.gif

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan và địa phương nêu trên chỉ đạo xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Bí thư chỉ đạo xem xét, xử lý đối với một số cán bộ diện Trung ương quản lý.

Liên quan đến vi phạm trong việc mua cổ phần AVG, trước đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Bộ Chính trị cũng quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Bộ Chính trị cũng kết luận ông Nguyễn Bắc Son,nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thôngchịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 – 2016. Những vi phạm của ông Nguyễn Bắc Son là rất nghiêm trọng nên Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh theo thẩm quyền.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên BCH Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Mobifone và ông Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mobifone.

Ngày 10/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Mobifone Lê Nam Trà và Phạm Ðình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT về tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến nay, vụ án đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ những vi phạm và trách nhiệm từng cá nhân trong thương vụ AVG.

WEF ASEAN 2018 lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo để phát triển

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra tại Hà Nội từ 11-13/9 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0" đã khép lại sau gần 60 phiên thảo luận chuyên đề, nhiều đề xuất được đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững.

 

wef-2018.jpg

Trên cương vị chủ nhà của WEF ASEAN 2018, Việt Nam đã thực hiện thành công trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Đánh giá về Hội nghị, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - ông Klaus Schwab cho hay, WEF ASEAN 2018 là sự kiện thành công nhất trong 27 năm tổ chức diễn đàn khu vực về ASEAN.

Nội dung của Hội nghị được đánh giá phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam, trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc CMCN 4.0, nếu không sẽ bị tụt hậu.

ASEAN là khu vực đang trong quá trình xây dựng cộng đồng đoàn kết, gắn kết, phát triển thịnh vượng bền vững, do đó việc tổ chức hội nghị này thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ các nước. Có 9 lãnh đạo cao nhất của khu vực Đông Nam Á và ngoài khu vực và hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu, là thành viên của WEF, tham dự hội nghị. Điều đó thể hiện sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế tới ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende nhận định Hội nghị WEF ASEAN năm nay được tổ chức khi ASEAN chứng tỏ đây là khu vực năng động và phát triển nhanh. Riêng Việt Nam đã cho thấy chặng đường phát triển phi thường. Từ năm 2010 đến nay, GDP của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, tỷ lệ người nghèo chưa đến 3%, so với mức 50% hồi đầu thập niên 1990. Việt Nam cũng là điểm đến của các doanh nghiệp thế giới, thu hút nhiều vốn FDI.

Qua Diễn đàn chính thức và các phiên thảo luận cho thấy, đã có nhiều đề xuất, sáng kiến, giải pháp đã được đưa ra tại Hội nghị nhằm tận dụng các cơ hội lớn từ CMCN 4.0, đồng thời vượt qua thách thức mà kỷ nguyên số mang lại.

Vì một ASEAN "phẳng"

Phát biểu tại WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo về kỷ nguyên ASEAN không còn là công xưởng của thế giới nhưng có thể trở thành nơi khởi nguồn đổi mới.

Thủ tướng nêu sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao…

Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam đưa ra một số đề xuất cụ thể: Một là, kết nối số, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả các hình thức kết nối, hỗ trợ thương mại điện tử, chính phủ điện tử... Hai là, hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics…cần phải hoạt động ở quy mô khu vực. Ba là, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo. Bốn là, tìm kiếm phát huy tài năng. Năm là, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông của Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến và chia sẻ ý tưởng về "một ASEAN thống nhất". Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập 3 sáng kiến vì một ASEAN thống nhất.

Một là, về "một ASEAN phẳng" (flat ASEAN), không cần có cước chuyển vùng dữ liệu để tất cả mọi người du lịch dễ dàng.

Thứ hai, thiết lập một Đại học Công nghệ Thông tin – Truyền thông (ICT) ASEAN bởi theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong CMCN 4.0, điều quan trọng nhất là kỹ năng cho tương lai - kỹ năng ICT.

Sáng kiến thứ ba là việc thành lập trung tâm chia sẻ thông tin về an ninh mạng trong ASEAN.

Tận dụng mọi lợi thế của CMCN 4.0

Tại WEF ASEAN 2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra góc nhìn tích cực, những lợi thế mà cuộc CMCN 4.0 mang lại. Khác với những lo lắng con người bị lệ thuộc robot, mất việc làm vì nhiều ngành ứng dụng máy móc tự động hóa, ông Joko Widodo cho rằng sự tiến bộ của công nghệ cho phép sử dụng tài nguyên tiết kiệm hơn, hiệu suất lao động cao hơn. Sản phẩm từ nghiên cứu khoa học giúp các nền kinh tế trở nên nhẹ nhàng, tiên tiến hơn. Đó là sự xuất hiện của những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, những turbine điện gió và tấm pin mặt trời...

Con người dần tiến tới kiến tạo sự phát triển không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên hữu hạn mà bằng tài năng, thứ mà ông Joko Widodo gọi đó mới là tài nguyên vô hạn. Tài năng của con người đang thúc đẩy CMCN 4.0.

Tổng thống Indonesia tin rằng, trong dài hạn cuộc cách mạng này sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn chứ không phải là cướp đi việc làm của con người, đồng thời giúp người thu nhập thấp có khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ do giá rẻ hơn.

Ông Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF cho biết, WEF đã mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Trung Quốc, Singapore và sẽ xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ tịch điều hành WEF đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập cơ chế chính sách tiếp cận CMCN 4.0, thúc đẩy môi trường kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Klaus Schwab đặc biệt nhấn mạnh tới môi trường sẵn sàng cho sự thay đổi, làm chủ và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot.

Phát biểu bế mạc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, chỉ có đổi mới sáng tạo với nhiều tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay. 

Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.

Cùng với đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top