Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 1 năm 2019 | 15:34

Sự kiện 24/7: Thu giấy phép lái xe với tài xế sử dụng ma túy

Cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra nồng độ cồn và ma túy tại các thành phố lớn, phát hiện tài xế sử dụng ma túy là thu giấy phép lái xe.

tai-nan.jpg

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã yêu cầu như vậy tại cuộc họp với các bộ, ngành về các biện pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông chiều 17/1.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các chủ phương tiện, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải, chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, chủ phương tiện.

Đồng thời, đưa ra xét xử các vụ án điểm liên quan đến vi phạm an toàn giao thông trước Tết Nguyên đán để răn đe, tập trung xử lý một số "điểm đen", các đường ngang dân sinh.

Đối với việc đào tạo, sát hạch lái xe dư luận lâu nay xôn xao việc "chống trượt", Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT phải kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, xử lý nghiêm cơ sở sai phạm, nếu lái xe gây TNGT thì kiểm tra quá trình đào tạo, sát hạch, trung tâm kiểm định, chủ doanh nghiệp vận tải.

"Ngay trong dịp Tết Nguyên đán, phải xử lý nghiêm việc không đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn khi tham gia giao thông, nhất là các đô thị lớn", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết thời gian gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đường bộ liên quan đến kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe container, xe ben chở vật liệu, xe hợp đồng chở khách.

Theo ông Khuất Việt Hùng, trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này, ngoài các hành vi trực tiếp là vi phạm của lái xe, còn có nhiều nguyên nhân gián tiếp khác dẫn đến TNGT như sự buông lỏng và thiếu trách nhiệm của một bộ phận chủ xe, đơn vị kinh doanh xe vận tải.

Nhiều chủ xe chỉ quan tâm đến lợi nhuận, khoán trắng cho lái xe hoạt động, tạo sức ép buộc lái xe phải làm việc quá thời gian quy định, không thực hiện quy định tổ chức lao động, khám sức khỏe định kỳ với lái xe, không theo dõi, giám sát, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông đối với lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình.

Đề xuất xả trạm BOT quốc lộ 1 Bình Thuận trong 2 ngày Tết

Công ty TNHH BOT quốc lộ 1A Bình Thuận vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho tạm ngừng thu phí tại trạm thu phí ở km 1.661+600 quốc lộ 1 qua Bình Thuận từ 14h ngày 4-2 đến 6h ngày 6-2 (tức từ 30 đến mùng 2 Tết Kỷ Hợi).

 

bot.jpg

Theo ông Đinh Văn Tiếp, Tổng giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 1A Bình Thuận, đơn vị quản lý, khai thác dự án mở rộng quốc lộ 1, đoạn km 1.642 đến km 1.692, việc xả trạm trong thời gian trên nhằm cảm ơn người dân đã sử dụng đường bộ suốt một năm qua và tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên thu phí được nghỉ Tết.

Trong đề xuất gửi Bộ Giao thông vận tải, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1A Bình Thuận cho biết sẽ không tính doanh thu các ngày tạm ngưng thu phí vào doanh thu, phương án tài chính của dự án.

Trước đó, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất xả trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong 3 ngày Tết, từ 0h ngày 4-2 đến 23h30 ngày 6-2. 

Mục đích không thu phí trong 3 ngày trên là để cảm ơn khách hàng và để nhân viên công ty được nghỉ Tết.

Tuy nhiên, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ đề xuất đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn phải thu phí liên tục 24/24 giờ theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Đường bộ đề xuất như trên là do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không đề cập đến việc xin kéo dài thời gian thu phí để bù hay tự bỏ tiền để bù vào doanh thu trong 3 ngày đó.

TP.HCM chủ động đối phó dịch tả heo Châu Phi dịp Tết Nguyên đán

UBND TP.HCM đã yêu cầu các ngành chức năng, các hộ chăn nuôi, chủ trang trại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại; không vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

 

lon.jpg

Nếu phát hiện trường hợp giết mổ gia súc trái phép và vận chuyển heo sống, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc thịt heo không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, sẽ áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật được phát hiện.

Trong trường hợp xảy ra bệnh dịch, phải xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh; khoanh vùng ổ dịch; giám sát và cảnh báo dịch bệnh...

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi Cục trưởng- Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu Ủy ban ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp để đối phó với tình hình dịch bệnh heo Châu Phi. Giả định những trường hợp xảy ra ở kịch bản nào thì chúng ta có những giải pháp tương ứng để phòng chống. Hiện nay, chúng tôi vẫn tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển và vận động các hộ chăn nuôi, các trang trại thực hiện tiêu độc khử trùng theo định kỳ 1 lần/ tuần”.

Hiện, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, trong đó số heo chăn nuôi trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 18-20%, còn lại là nhập từ các địa phương khác.

Giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, trong năm 2018, ngành đã đạt kết quả tích cực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%. Còn tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thì giảm xuống còn 3,1%.

 

lao-dong.jpg

Để giảm tỷ lệ thất nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.

Bên cạnh đó, ngành lao động thương binh và xã hội triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ...

Ngành đã đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng; duy trì và phát triển thị trường ngoài nước lao động; thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Năm 2018, cả nước ước thực hiện tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,5 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch; đưa hơn 142.800 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bộ LĐTB&XH đã rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

“Ước tuyển sinh năm 2018 khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 545 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,665 triệu người, đạt 100,3% kế hoạch. Ước tốt nghiệp khoảng 2,1 triệu người; trong đó tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp khoảng 440 nghìn người. Đây là năm thứ 2, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hoàn thành và vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này góp phần không nhỏ cung cấp thị trường lao động nguồn nhân lực phù hợp, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp”, ông Doãn Mậu Diệp đánh giá.

Bộ trưởng Công an: Tiết kiệm cả nghìn tỷ sau khi bỏ 6 tổng cục

 

bo-ca.jpg

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 (Ảnh: Bá Thắng)

 

Về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trên cơ sở nghiên cứu kết quả Đề án 106 về sắp xếp bộ máy nhằm giải quyết 2 vấn đề cốt lõi: bỏ cấp trung gian và tăng cường cấp cơ sở, Đảng uỷ Công an Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị Nghị quyết 22 tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 01 về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Bộ Công an.

Theo đó, ở địa phương tổ chức công an 4 cấp chính quy, và bước đầu bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã.

Việc sắp xếp bố trí cán bộ cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu công tác, thực hiện nghiêm nguyên tắc Giám đốc Công an tỉnh, trưởng công an cấp huyện không phải người địa phương.

Ông Tô Lâm cũng cho biết, theo thông báo của Bộ Tài chính, việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm 1.000 tỷ đồng, không chỉ là hiệu quả về mặt kinh tế, mà quan trọng hơn là việc sắp xếp bộ máy và nguồn lực đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng theo ông Tô Lâm, tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của công an các cấp, không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ.

Để có được những kết quả bước đầu, quá trình thực hiện, ngành Công an phải giải quyết không ít khó khăn. Quá trình sắp xếp phát sinh bất cập về cơ sở pháp lý, nếu giải quyết không khéo sẽ trở thành vấn đề cản trở, chậm triển khai. Việc bố trí, sắp xếp, thu gọn đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy gặp rất nhiều khó khăn vì bộ máy lớn. Việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ chiến sĩ ở những đơn vị sắp xếp, giải thể. Ở những đơn vị mới, với cách tư duy mới, khi chuyển đổi ngay vào mô hình đó cũng gặp không ít khó khăn.

Thông tin tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, nhằm đảm bảo tốt nhân sự công an tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, trong giai đoạn 2019-2020, khoảng 55 Giám đốc Công an tỉnh được chuẩn bị tốt để chuẩn bị cho tổ chức Đại hội các cấp, sẽ tiến hành từ đầu 2020.

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top