Bên cạnh hàng loạt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, việc Thủ tướng thị sát và chỉ đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa thực hiện nghiêm quy định đảm bảo môi trường, hay thực trạng ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; công nhân Việt tử nạn tại Lào; sập dầm công trình cao tốc Hạ Long – Vân Đồn… là những tin nổi bật trong tuần qua.
Thủ tướng thị sát Forrmosa: Nếu tái phạm sẽ đóng cửa
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Formosa, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), doanh nghiệp gây sự cố môi trường nghiêm trọng năm 2016 tại khu vực miền Trung - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự cố môi trường xảy ra ở Formosa Hà Tĩnh năm 2016 là rất nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh trong vùng, kể cả chủ đầu tư đã chỉ đạo quyết liệt để khắc phục sự cố này và hơn một năm qua đã đạt một số kết quả quan trọng.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát nhiều hạng mục của Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh như khu xử lý nước thải, bể nuôi cá sinh thái chứa nước thải đã xử lý, khu sản xuất, nghe FHS báo cáo quy trình sản xuất của xưởng lò cao và đánh giá cao sự cố gắng khắc phục nghiêm túc của Formosa, như nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam, khắc phục 52/53 lỗi và đang lắp đặt thiết bị hiện đại nhất để chuyển từ công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô.
Các tỉnh miền Trung cũng đã tạo điều kiện khi Formosa tiếp thu, sửa chữa, bảo đảm môi trường trong quá trình sản xuất tại Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Các cấp, các ngành ở đây đã xử lý đồng bộ giữa vấn đề đầu tư và vấn đề môi trường, trong đó có dự án Formosa.
Thủ tướng yêu cầu Formosa tiếp tục hoàn thiện công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất để khắc phục 100% lỗi vi phạm. Formosa tiếp tục coi môi trường là vấn đề sống còn với nhà máy, với dự án quy mô lớn này. Ý thức về môi trường phải được quán triệt đến mọi lãnh đạo và người lao động của Formosa và Formosa cần coi sự cố vừa qua là bài học cho hoạt động xây dựng, đầu tư.
“Tinh thần lớn là không an toàn, không sản xuất”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tôi cũng xin nói rõ rằng nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có cầu vượt, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ùn tắc nghiêm trọng
Ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Mặc dù cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) vừa được khánh thành nhưng phía dưới giao thông vẫn rối loạn, ùn tắc kéo dài. Điều đáng nói là tình trạng này diễn ra liên tục, còn các cơ quan quản lý lại lúng túng trong việc giải quyết triệt để.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết: Việc đưa vào khai thác cầu vượt đường Trường Sơn ngày 3/7 vừa qua chỉ phần nào làm giảm áp lực giao thông chứ không thể giải quyết triệt để nạn ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020 thì sản lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất mới đạt 25 triệu lượt. Để đáp ứng nhu cầu này, TPHCM phải hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng trong và ngoài sân bay với 22 dự án.
Tuy nhiên, thực tế sản lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất năm 2016 đã lên tới 32,5 triệu lượt và dự báo đến cuối năm 2017 là 36 triệu lượt. Hạ tầng giao thông không đáp ứng được sự tăng trưởng “nóng” nên dẫn đến ùn tắc giao thông.
“Tôi khẳng định là không thể giải quyết triệt để nạn ùn tắc, chỉ cố gắng kéo giảm vì tốc độ tăng trưởng của sân bay quá nóng. Trong khi đó, theo quy hoạch, đến năm 2020, TPHCM phải đưa vào khai thác tuyến tàu điện ngầm (metro) số 2 và tuyến đường trên cao số 1 song đến nay tuyến metro số 2 đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Tuyến đường trên cao số 1 chưa triển khai và mới đưa vào khai thác tuyến đường Phạm Văn Đồng”, ông Cường nói.
Theo Giám đốc Sở GTVT, nếu TPHCM sớm tháo gỡ nút thắt về giải phóng mặt bằng khu vực Lăng Cha Cả và tăng làn xe lưu thông ở khu vực này thì sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc rất nhiều.
Nổ khí gas, 8 lao động Việt Nam thương vong tại Lào
Dự án nhà máy thuộc Công ty Sông Đà 5 tại tỉnh Bôlykhămxây.
Theo thông tin ban đầu, một vụ nổ khí gas tại nhà máy thuộc Công ty Sông Đà 5 khi đang thi công công trình tại Lào đã khiến 8 công nhân thương vong. Trong đó, có 1 người quê tỉnh Phú Thọ, còn lại quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Các công nhân này đang làm việc tại bản Hạt Dưn, huyện Bô ly khăn, tỉnh Bôlykhămxây (Lào).
Các nạn nhân đầu tiên được xác định là anh Trần Văn Sáng (SN 1988, trú xóm 4, xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương); anh Hà Cao Kỳ (SN 1993, trú xóm Trường Long, xã Thanh Tùng); anh Nguyễn Văn Phương (SN 1991, trú xóm 8, xã Thanh Thịnh, Thanh Chương) cũng được xác định tử vong. Nạn nhân còn lại tiếp tục được xác định danh tính.
Vào lúc 15h30 chiều 29/7, đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh xác nhận 2 công nhân người Việt bị thương nặng và thi thể 6 người Việt thiệt mạng trong vụ nổ khí gas kinh hoàng xảy ra tại Lào đã trở về nước.
Ông Hải cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và lực lượng biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã tạo mọi điều kiện cho các tổ chức và gia đình nạn nhân ở Lào và Việt Nam làm thủ tục nhanh nhất để đưa 2 người lao động Việt Nam bị thương về nước điều trị và đưa 6 thi thể về nước lo hậu sự.
Đại tá Võ Trọng Hải nói: "Đến thời điểm hiện tại, 2 công nhân người Việt bị thương nặng cũng như thi thể 6 người Việt thiệt mạng trong vụ nổ khí gas tại Lào tối 28.7 đang trên đường trở về nước, cách cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo 15km".
Khoảng 16h ngày 28/7, khi đơn vị thi công đang lao dầm cầu thuộc cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đoạn qua phường Việt Hưng, TP Hạ Long, bất ngờ dầm gãy thành nhiều khúc, rơi xuống đất. Dầm cầu gãy dài khoảng 50 m, rơi từ độ cao 30 m. May mắn không có người bị thương.
Ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chiều qua đơn vị đang thi công thì gặp sự cố. “Tôi đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và phía Công ty cổ phần BOT Biên Cương kiểm tra để xác định rõ nguyên nhân và sẽ công bố thông tin”, ông Diện nói.
Theo thiết kế, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km, điểm đầu tại quốc lộ 18 thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long, điểm cuối giao với đường trục chính vào sân bay Vân Đồn. Tốc độ thiết kế của cao tốc là 100 km/h, chiều rộng nền đường 24,5 m, hạng mục này do công ty Cầu 14 thi công.
Danh Hùng (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.