Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 4 năm 2019 | 20:30

Sự kiện 24/7: Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển, quản lý BC

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

bao-chi.jpg

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.

Theo quy hoạch, đối với báo và tạp chí in, sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp bộ, ngành trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền.

Theo phương án sắp xếp, Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in.

Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 02 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí. Quân khu, quân chủng có 01 cơ quan báo hoặc 01 cơ quan tạp chí.

Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan tạp chí.

Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành. Các cơ quan tạp chí này thực hiện tự chủ theo quy định của pháp luật.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí.

Đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Các tạp chí của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hoạt động theo giấy phép đã được cấp; việc cấp lại giấy phép thực hiện theo quy định của Luật Báo chí.

Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 01 cơ quan tạp chí.

Mỗi tỉnh, thành phố có 1 đài phát thanh và truyền hình

Đối với phát thanh, truyền hình, quy hoạch nêu rõ: Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của từng kênh chương trình; việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh đó.

Đối với hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, số lượng kênh chương trình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.

Theo phương án sắp xếp, Đài Truyền hình Việt Nam là Đài Truyền hình Quốc gia. Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài Phát thanh Quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn Quốc gia.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội có kênh truyền hình.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 đài phát thanh và truyền hình. Mỗi đài chỉ có 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 01 đài phát thanh, 01 đài truyền hình. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Phương án sắp xếp đối với báo, tạp chí điện tử tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in như quy định ở trên thì được phép có báo, tạp chí điện tử. 

Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 12 quận, huyện của Hà Nội

Mặc dù các ban ngành, quận huyện đã tập trung mọi biện pháp để phòng chống, nhưng dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Như vậy, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 12 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, sau hơn một tháng phát hiện ổ dịch đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 122 hộ chăn nuôi, ở 32 xã phường thuộc 12 quận, huyện. Đó là Long Biên, Gia Lâm, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thanh Trì, Hoài Đức; với số lợn mắc bệnh, tiêu hủy trên 2.200 con. Trong đó, Thanh Trì và Hoài Đức là hai địa phương vừa xuất hiện ổ dịch.

 

dich_ta_lon_idru.jpg

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 12 quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội (Ảnh minh hoạ: KT)

 

Tại huyện Thanh Trì, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại xã Liên Ninh và Hữu Hòa. Để bảo vệ đàn lợn trên 15.000 con và đặc biệt là tại địa bàn có cơ sở giết mổ lợn tập trung ở xã Vạn Phúc (hàng ngày giết mổ khoảng 1800 con lợn), ngành chức năng huyện đang tập trung mọi biện pháp để chống lây lan dịch bệnh.

“Các địa phương có dịch đều lập các chốt kiểm dịch động vật. Việc kiểm soát được dịch tả lợn châu phi trong tình trạng mà địa bàn với cơ sở giết mổ Vạn Phúc với số lợn nhập vào nhiều như thế các lực lượng trực chốt tại Vạn Phúc thực hiện nghiêm ngặt của chi cục Thú y”, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết.

“Để làm tốt phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, chúng tôi mong muốn công tác tuyên truyền tại các địa phương phải bám sát hơn nữa thực tiễn sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Để từ đó các hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng hiểu đúng về dịch này và phòng chống. Chúng ta vẫn sử dụng tiêu dùng sản phẩm thịt lợn khi rõ được nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo được an toàn thực phẩm, được kiểm dịch hàng ngày”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói.

Thêm 8.000 tỷ đồng chống ngập ở TP.HCM

Năm 2019, TP.HCM đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng; khởi công mới 47 dự án, tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư 94 dự án, tổng kinh phí 819 tỷ đồng.

 

chong-ngap.jpg

Công trình cống kiểm soát triều Phú Định (Quận 8, TP.HCM). Ảnh: Báo SGGP

 

TP.HCM ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm Thành phố và 5 khu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam và một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị; góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, hoàn thành 2 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (Quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7); hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực trung tâm Thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều cường.

Duyệt thiết kế bản vẽ thi công 4 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các đường Tân Quý (quận Tân Phú); đường Bàu Cát, Trương Công Định (quận Tân Bình); đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam (quận Thủ Đức) và đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), công suất 469.000 m3/ngày, hoàn thành trong quý IV/2019. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày.

Ngoài các dự án trên, TPHCM cũng xử lý dứt điểm 38 vị trí lấn chiếm cửa xả thoát nước, 62 vị trí lấn chiếm hầm ga thoát nước, 74 trường hợp lấn chiếm tuyến cống thoát nước, 39 vị trí lấn chiếm kênh rạch thoát nước; 17 vị trí bị ảnh hưởng thoát nước do thi công các dự án.

Kiểm tra 51 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt lớn

Các cơ sở thuộc diện kiểm tra đều là những các cơ sở xử lý chất thải có công suất lớn, công nghệ điển hình, hoặc các địa phương có những vấn đề nổi cộm về quản lý chất thải.

 

chat-thai-ran.jpg

Tổng cục Môi trường sẽ kiểm tra 51 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt lớn. Ảnh minh họa

 

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) sẽ tổ chức 4 đoàn công tác để kiểm tra 51 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt lớn tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Đây là các cơ sở xử lý chất thải có công suất lớn, công nghệ điển hình hoặc các địa phương có những vấn đề nổi cộm về quản lý chất thải. Còn các cơ sở xử lý chất thải khác sẽ do sở TN&MT các tỉnh, thành phố kiểm tra, đánh giá.

Nội dung kiểm tra 51 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt lớn tập trung vào việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; các hồ sơ môi trường được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường...; sự phù hợp với quy hoạch của địa điểm cơ sở xử lý; công suất thiết kế so với lượng chất thải tiếp nhận thực tế. Bên cạnh đó là phương pháp, công nghệ, công suất xử lý đang áp dụng; xuất xứ của công nghệ; đơn giá đang áp dụng đối với từng phương pháp xử lý; hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, sẽ kiểm tra đối với các lò đốt chất thải; quy trình công nghệ, quy trình vận hành các thiết bị; vệ sinh công nghiệp liên quan đến công nghệ xử lý; các chính sách, hỗ trợ của địa phương đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, các đoàn công tác của Tổng cục Môi trường sẽ lấy mẫu phân tích để đánh giá hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường. Đối với các lò đốt chất thải sẽ được quyết định trong quá trình khảo sát, đánh giá tại cơ sở. Để đảm bảo tính chính xác, khách quan, việc lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường sẽ được thực hiện bởi 2 đơn vị độc lập.

Bộ TN&MT cũng đã yêu cầu các địa phương trên toàn quốc báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn, để bước đầu nắm bắt thông tin tổng quát, qua đó triển khai kế hoạch và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý.

Theo đó, UBND tỉnh, thành phố báo cáo các nội dung chính như số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, thu gom và xử lý; số lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế và phân loại tại nguồn; các cơ sở xử lý, bãi chôn lấp; việc tuân thủ quy hoạch về xử lý; các công nghệ xử lý đã triển khai; các đơn vị được giao thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn địa phương.

80% nhà thuốc đã kết nối liên thông cơ sở dữ liệu Dược quốc gia

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Đỗ Văn Đông, cho biết, tính tới hiện tại đã có 15.178 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược Quốc gia, chiếm trên 80% các nhà thuốc trên toàn quốc.

 

nha-thuoc.jpg

Các tỉnh thành đã cài đặt và cung cấp tài khoản liên thông cho 24.922 cơ sở bán lẻ thuốc. Ảnh: VGP/Hiền Min

 

Ông Đỗ Văn Đông cũng cho biết, hiện tại 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn.

Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, các tỉnh thành đã cài đặt và cung cấp tài khoản liên thông cho 24.922 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 15.178 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược Quốc gia, chiếm trên 80% các nhà thuốc trên toàn quốc. Đối với quầy thuốc, theo lộ trình, đến 1/1/2020 phải thực hiện kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược Quốc gia.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc cần phải đảm bảo đúng lộ trình đề ra nhưng cũng phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người bệnh.

Đối với một số trường hợp chưa thực hiện kết nối, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, phân loại, xác định nguyên nhân và khẩn trương báo cáo về Bộ để có hướng xử lý. Trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược sẽ tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cũng cho biết, với việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, người dân sẽ dễ dàng được tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng… Bên cạnh đó, các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng…

Cơ quan quản lý dược từ trung ương đến địa phương cũng có thể xác định nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top