Mặc dù có rất nhiều sự kiện nổi bật nhưng mọi sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước đều “ưu ái” cho Hội nghị cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhất cử nhất động của các quan chức cao cấp đều là đề tài nóng trên mặt báo, và sự kiện được mong đợi hơn cả là cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhất là trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP.
Đạt thỏa thuận TPP 11, đổi tên thành Hiệp định CPTPP
Đây là thông tin vừa được công bố trong cuộc họp báo về quá trình đàm phán TPP bên lề Tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng sáng 11/11, do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đồng chủ trì.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đồng chủ trì họp báo. |
Phát biểu tại cuộc họp báo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cuộc họp không chính thức của đại diện 11 nước về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã diễn ra bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiều 10/11. Cuộc họp đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng về những nội dung lớn của TPP.
Các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), khẳng định đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế nghĩa vụ của mình.
Các Bộ trưởng nhất trí rằng hiệp định CPTTP là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.
“Dựa trên tuyên bố này, các Bộ trưởng tiếp tục giao các trưởng đoàn đàm phán xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận, cũng như tiến hành công tác rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định.
Có thể nói kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa và thực hiện hội nhập có hiệu quả với thế giới”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết: “Thỏa thuận này được dịch tiếng Pháp, tiếng Anh có giá trị tương ứng TPP12 và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nền kinh tế thành viên thông qua. Hiệp định mới sẽ treo 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu trong đó có 10 điều là liên quan tới sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, còn 4 điểm được để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới. Việc đóng băng hay treo một số điều khoản của thỏa thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai, trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai. Dù rất khó khăn, chúng tôi đều xác định là sẽ phải đạt được thỏa thuận ở Đà Nẵng. Chúng tôi vẫn cố phải cân bằng, duy trì chất lượng cao trong khi phải thực tế để các nước thành viên có thể thực hiện”.
Bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, sẽ tiến tới bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân.
Bỏ hộ khẩu không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý công dân.
Đông đảo người dân bày tỏ sự ủng hộ nhưng cũng có không ít lo lắng, băn khoăn. Theo giải thích của Bộ trưởng Tô Lâm, cho dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng chắc chắn các biện pháp quản lý dân cư như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ.
"Chắc chắn là phải có quản lý, nhưng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, vì đã là nhà nước thì phải có chức năng quản lý chứ không thể để ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra" - ông Lâm nói.
Bộ trưởng công an nói thêm: "Cơ quan công an sẽ có các biện pháp, cách thức mới nhưng nguyên tắc cơ bản là với giấy tờ, thủ tục sẽ đơn giản hóa tối đa nhưng không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Còn hình thức quản lý mới cụ thể thế nào thì sẽ làm cụ thể, với nhiều hình thức khác nhau".
Bổ sung 7 cuộc kiểm toán năm 2017
Liên quan đến kế hoạch kiểm toán năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cho biết, từ giữa tháng 10 đã tổ chức triển khai 15 cuộc kiểm toán, đồng thời Tổng Kiểm toán đã ký bổ sung 7 cuộc kiểm toán, điều chỉnh giảm 1 cuộc kiểm toán trong kế hoạch năm 2017.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng về một số bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết tại cuộc họp thường trực Chính phủ.
Trong 7 đơn vị được kiểm toán bổ sung có dự án xây dựng trụ sở mới Trường Đại học Y tế công cộng; dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) đường Kỳ Đồng kéo dài, dự án ĐTXD công trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu nhà 5 tầng (TP Thái Bình); dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM; dự án khôi phục cầu Long Biên… Ngược lại, một chuyên đề được rút ra khỏi chương trình kiểm toán 2017 là công tác quản lý, sử dụng nhà và các tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô... trong lực lượng CAND.
Kỷ luật cảnh cáo chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ
Ông Sơn Minh Thắng - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB) cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) về việc thu hồi tài chính, tài sản đối với cá nhân sai phạm.
Ông Thắng cho biết, về xử lý sai phạm thu hồi tài chính, tài sản, ngày 10/11, các cá nhân sai phạm đã nộp tại kho bạc nhà nước TP.Cần Thơ tổng số tiền trên 13,7 tỉ đồng. Đây chỉ là khoản do chi sai qui định, lập quỹ trái phép, các cá nhân tạm ứng chiếm dụng nhiều năm mà UBKTTƯ yêu cầu phải thu nộp vào ngân sách nhà nước. Hiện số tiền còn lại khoảng hàng chục tỉ đồng mà các cá nhân sai phạm đã chi sai, chi khống tiền ngân sách và tiền vận động, vẫn chưa được nộp lại.
Thực hiện theo quyết định của UBKTTƯ, việc xử lí cán bộ sai phạm về mặt chính quyền thuộc thuộc thẩm quyền BCĐTNB. Sáng 10/11, tập thể BCĐTNB đã họp theo quy trình từ cấp dưới lên và cũng bỏ phiếu đưa ra quyết định hình thức kỷ luật.
Cụ thể, BCBTNB sẽ ban hành 3 quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Út - chánh văn phòng; bà Lê Thị Thu Hằng - phó vụ trưởng Vụ kinh tế, nguyên Kế toán trưởng và bà Sơn Thị Quanh Ni – phó phòng kiêm thủ quỹ cơ quan Ban Chỉ đạo giai đoạn 2011-2016.
“Tập thể BCĐTNB thống nhất hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Sơn Thị Quanh Ni; hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Út. Riêng trường hợp bà Lê Thị Thu Hằng, chúng tôi phải cân nhắc và xem xét trước khi ban hành quyết định. Hiện tại tôi chưa thể cung cấp cụ thể về hình thức kỷ luật đối với bà Hằng. Theo quy định, các bộ phận phải trình Thường trực BCĐ xem xét và kí quyết định ban hành cuối cùng không quá 15 ngày. Có thể qua tuần sau sẽ có quyết định chính thức” – ông Thắng thông tin.
Bộ Công Thương đề xuất cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới
Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Dự thảo nêu rõ, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Danh Hùng (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.