Các vụ đập phá trụ sở, đốt cháy nhiều ôtô, xe máy… tại Bình Thuận đủ cơ sở xác định hành vi có dấu hiệu tội phạm hình sự với mức án cao nhất đến 20 năm tù.
Những này vừa qua, tại TP. HCM và Bình Thuận đã xảy ra các vụ tụ tập đông người để biểu đạt ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự thảo Luật An ninh mạng. Những vụ tụ tập này bị biến thành các hoạt động gây rối, đặc biệt ở Bình Thuận là các hoạt động bạo động, đập phá cơ sở chính quyền, công an. Các hành động đó hoàn toàn trái với quy định pháp luật.
Lật mặt những kẻ xuyên tạc, gây rối
Ngày 15/6, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Trương Hữu Lộc (SN 1961, tự Lộc "Lì"; ngụ quận Tân Bình, TP. HCM) về hành vi "lôi kéo, kích động, xúi giục, hỗ trợ, tiếp sức cho nhiều người khác tham gia tụ tập, tuần hành gây rối an ninh trật tự nhằm chống chính quyền nhân dân".
Tại cơ quan công an, Lộc thừa nhận mình là một tay giang hồ, không nghề nghiệp, bị lôi kéo lên mạng xã hội chống phá nhà nước. Lộc đã sử dụng tài khoản Facebook "Loc Huu Trung" và thường xuyên livestream đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá các chủ trương của Đảng và nhà nước, chống phá chính quyền nhân dân. Nội dung này được bọn cơ hội chính trị lợi dụng triệt để, phát tán lên kênh Youtube nhằm mục đích tuyên truyền chống phá.
Theo đó, trong thời gian Quốc hội thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, dù chưa tìm hiểu các dự án luật này nhưng vì được bọn cơ hội chính trị cho tiền, Lộc đã lên mạng phát sóng trực tiếp trên Facebook cá nhân, đưa ra những luận điệu vu khống nhằm bôi xấu, làm mất uy tín cán bộ lãnh đạo Đảng, nhà nước và Quốc hội. Qua đó, Lộc kêu gọi, lôi kéo người tham gia tụ tập đông người, gây rối trong những ngày vừa qua. Cụ thể, sáng 10-6, Lộc đã nhận tiền của một số người thường giao lưu trên trang Facebook cá nhân để mua khoảng 600 ổ bánh mì và hơn 600 chai nước suối, 100 cái bánh chưng rồi thuê 2 taxi vận chuyển từ Tân Bình ra quận 1 để tiếp tế, cổ vũ hành vi gây rối.
"Sau khi làm việc với cơ quan pháp luật, tôi đã nhận thức được hành vi mình làm là sai trái, gây thiệt hại cho nhà nước, vi phạm trật tự an toàn xã hội. Tôi xin hứa sẽ không bao giờ nghe theo kẻ xấu để livestream kêu gọi, lôi kéo mọi người xuống đường gây rối, vi phạm pháp luật như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi bị lợi dụng làm việc này và đã kịp thời hối cãi nên mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật" - Trương Hữu Lộc trình bày.
Cũng trong ngày 15/6, Công an TP. HCM cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt để tạm giam Nguyen William Anh (SN 1985, quốc tịch Mỹ) về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".
Tại cơ quan công an, Nguyen William Anh thừa nhận hành vi của mình đã vi phạm pháp luật Việt Nam và khai rằng vừa nhập cảnh Việt Nam ngày 9-6. Theo đó, ngày 10-6, Nguyen tham gia đoàn người đến Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) chụp ảnh, quay phim đăng lên trang Facebook và Twitter cá nhân. Sau đó, Nguyen hòa vào dòng người đi xung quanh Công viên Hoàng Văn Thụ rồi theo trục đường Nguyễn Văn Trỗi tiến vào trung tâm TP. HCM. Khi đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng (quận 3), khoảng 3-4 xe đặc chủng của lực lượng cảnh sát chặn ngang đường không cho đi qua, Nguyen trèo lên xe cảnh sát rồi vẫy tay, hô hào và giúp những người khác trèo qua xe tiếp tục tiến vào trung tâm TP. Đáng nói, sau khi trèo qua, Nguyen còn hô hào đoàn người lật xe cảnh sát nhưng xe nặng không lật được.
Khi lực lượng chức năng mời về làm việc, Nguyen William Anh không hợp tác, vùng vẫy, la hét. Sau khi được đưa lên xe, Nguyen tiếp tục hô hào, vẫy tay gây sự chú ý của đám đông và kêu gọi mọi người tiếp tục tiến vào trung tâm TP để gây rối.
Có hành vi nhận tiền của các tổ chức phản động lưu vong
Công an TP. HCM tiếp tục phát thông báo khuyến cáo người dân không tụ tập nghe theo kích động của kẻ xấu. Khi phát hiện có kẻ dụ dỗ phải báo ngay cho lực lượng chức năng.
Theo công an TP. HCM, những ngày qua, các đối tượng phản động, cực đoan chống đối trong và ngoài nước đã kích động, kêu gọi, tổ chức tụ tập biểu tình, gây rối an ninh trật tự trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Chúng đang lợi dụng việc góp ý dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và việc thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp Quốc hội để lấy cơ xúi giục.
Riêng trên địa bàn TP. HCM, liên tiếp xảy ra tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự. Trong đó, công an đã xử lý 310 đối tượng có hành vi quá khích, kích động tụ tập, tuần hành gây rối an ninh trật tự. 7 đối tượng đã bị tạm giữ hình sự và hàng trăm người bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, đưa 1 đối tượng vào trung tâm tâm thần, 89 đối tượng đang tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý.
"Các hành vi vi phạm được xác định gồm: Phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản; trong đó đã xác minh đấu tranh làm rõ một số đối tượng có quan hệ, nhận tiền của các tổ chức phản động lưu vong hoặc bị lợi dụng, kích động tham gia tuần hành, biểu tình gây rối an ninh trật tự", công an TP. HCM cho biết.
Trước tình hình này, công an khuyến cáo người dân bình tĩnh, cảnh giác, không nghe theo các luận điệu xuyên tạc và các lời kêu gọi, kích động, xúi giục tham gia xuống đường tụ tập đông người, tuần hành, gây rối an ninh trật tự; không nghe theo kích động của kẻ xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng thời, Công an thành phố đề nghị người dân khi phát hiện đối tượng có hoạt động dụ dỗ, kích động, gây mất an ninh trật tự... cần báo ngay cho công an gần nhất.
Tụ tập để gây rối, bạo động là phạm pháp
Có thể thấy các hành vi trên khi bị xác định là vi phạm pháp luật thì được quy vào các trường hợp như sau:
Thứ nhất, về hành vi tụ tập gây rối nơi công cộng. Hành vi này được quy định tại điểm đ khoản 2 điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hành vi này chỉ đơn thuần là tụ tập nhiều người gây rối trật tự công cộng mà không có mục đích chính trị và không gây thiệt hại đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Trường hợp gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Nếu hành vi tụ tập gây rối nơi công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính thì người đó hoàn toàn có thể phạm vào tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Thứ hai, về hành vi kích động người khác tham gia gây rối. Hành vi này có thể bị phạt 2-3 triệu đồng theo quy định tại điểm b, g khoản 3 điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp người nào có mục đích chống chính quyền mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức thì có thể sẽ phạm vào một trong 2 tội là phá rối an ninh - điều 118 BLHS 2015 hoặc bạo loạn - điều 112 BLHS 2015.
Thứ ba, về hành vi đập phá tài sản công. Nếu người nào thực hiện hành vi đập phá tài sản công nhằm chống chính quyền nhân dân thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước CHXHCN Việt Nam theo quy định tại điều 114, BLHS 2015.
Thứ tư, việc không tham gia sản xuất làm ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp là hành vi vi phạm nghĩa vụ của người lao động theo điểm b khoản 2 điều 5, Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2012. Đây là cơ sở để người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật đối với người lao động. Tùy theo thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp có các biện pháp xử lý khác nhau phù hợp với quy định của BLLĐ, như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải…
Thứ năm, về vấn đề bị kích động, cho tiền, xúi làm bậy. Các đối tượng thực hiện các hành vi phân tích trên đa số đều khai báo họ được người khác cho tiền, xúi giục gây rối. Tuy nhiên, đây không phải là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm nếu họ thuộc các trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 51 BLHS.
Thực tế trong các vụ đập phá trụ sở, đốt cháy nhiều ôtô, xe máy… tại Bình Thuận đã đủ cơ sở xác định hành vi này có dấu hiệu tội phạm hình sự. Giá trị tài sản bị đập phá, đốt cháy là rất lớn nên sự phá hoại này có dấu hiệu hình sự của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 178, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù khi giá trị tài sản gây thiệt hại trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Khởi tố, triệu tập hàng loạt đối tượng Ngày 15/6, Công an tỉnh Bình Thuận đã quyết định khởi tố vụ án "Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ" xảy ra tại TP. Phan Thiết và thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong trong các ngày 10, 11/6 vừa qua. Trước đó, công an tỉnh này cũng đã tạm giữ 12 đối tượng có hành động càn quấy, đập phá trụ sở UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận. Trong đó, đối tượng Ngô Duy Nam (SN 1982, ngụ tỉnh Bình Phước) khai nhận đã đưa tiền, xúi giục người khác gây rối, phá hoại. Cùng ngày, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã điều tra làm rõ và ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Quang (SN 1987; ngụ xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa) để làm rõ hành vi "Tàng trữ, phát tán thông tin có nội dung chống phá nhà nước". Tại cơ quan công an, Quang khai nhận thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân có địa chỉ "Quang Nguyen Van" để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động người dân tụ tập trái pháp luật. Ở Tây Ninh, Công an huyện Dương Minh Châu đã triệu tập 3 đối tượng gồm Huỳnh Thanh Phong (SN 1993), Nguyễn Tấn Dũng (SN 1980, cùng ngụ huyện Hòa Thành) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1998, ngụ huyện Dương Minh Châu). Đây là 3 người đầu tiên trong tổng số 34 người được xác định có hành vi kích động, lôi kéo công nhân ra đường gây rối ở huyện Dương Minh Châu. Tại cơ quan công an, 3 đối tượng mong muốn được tha thứ và cam kết không tái phạm. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.