Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 9 năm 2017 | 9:31

Sự kiện 24/7: Tuần của những tiếng thở dài

Nếu “thời sự hôm nay là lịch sử ngày mai” thì chắc chắn những sự kiện “nóng” trong tuần qua xứng đáng được ghi trong lịch sử; đó là việc công bố vi phạm 2 lãnh đạo cấp cao của TP.Đà Nẵng; là việc kỷ luật nghiêm khắc với nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; là những lùm xùm hậu cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam… tất cả chỉ có thể buông tiếng “thở dài”. May là có tin tích cực khi cuối cùng truyền thông cũng có tác động đến Bộ Giao thông Vận tải khi Bộ này quyết định rà soát để xem xét điều chỉnh mức thu phí của 54 dự án BOT.

Công bố vi phạm của lãnh đạo Đà Nẵng

Hai lãnh đạo cao nhất của TP. Đà Nẵng đều phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình.

Tại kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra trung ương, những vi phạm của 2 lãnh đạo Đà Nẵng đã chính thức được công bố. Theo kết luận của kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng có các vi phạm, khuyết điểm sau:

- Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. 

Những việc làm ông Nguyễn Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

- Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm.

- Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng được kết luận có các vi phạm, khuyết điểm sau:

- Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 -2020.

- Với trách nhiệm đứng đầu UBND TP, ông Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị.

- Chưa chủ động đề xuất với ban thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền TP thuộc diện ban thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định.

Bộ Giao thông xem xét giảm phí BOT

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ này đang rà soát 54 dự án BOT để điều chỉnh mức phí theo hướng giảm; rà soát xong trạm nào sẽ điều chỉnh ngay phí đường bộ tại dự án đó. 

Cuối cùng thì các dự án BOT cũng được xem xét để giảm phí - tín hiệu mừng với đa số người dân.

Theo ông, mỗi dự án là một nhà đầu tư nên không thể thực hiện giảm phí đồng loạt. Bộ sẽ tiến hành rà soát các trạm BOT để đánh giá cụ thể về dự án, phương án tài chính và hoạt động thu phí thực tế trên lưu lượng xe; xem đó là căn cứ để đàm phán với các nhà đầu tư và thống nhất mức phí có thể giảm.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 54 dự án cần rà soát thì cơ quan này đã xem xét hơn 10 trạm, các cơ quan chức năng khác của Bộ Giao thông xử lý được 6 trạm. Trong đó, Bộ Giao thông chấp thuận giảm phí trạm cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ ngày 15/10 với mức 25% và đang xem xét giảm phí tại một số trạm trên Quốc lộ 1 qua khu vực miền Trung. 

Ông Huyện nói tiến độ rà soát 54 dự án sẽ hoàn thành trong tháng 10/2017. Mức giảm phí dự kiến dao động 5%-25%, tùy thuộc kết quả đàm phán với nhà đầu tư. Sau rà soát, dự kiến khoảng 60 - 70% số trạm sẽ giảm giá vé. 

Người dân sống ở quanh trạm sẽ được miễn phí hoặc phí tính theo tháng, quý. 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát mức phí cụ thể cho lộ trình từ Bắc vào Nam. Theo đó, ôtô đi từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu qua 29 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 phải nộp mức phí tối đa là 4.540.000 đồng mỗi xe, trong khi lộ trình cao tốc mức phí là 4.805.000 đồng mỗi xe.

Hiện có 70 trạm BOT thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT. 

Nguyên phó ban Tây Nam Bộ bị "cách tất cả các chức vụ trong Đảng"

Ngày 20/9, Ban bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem xét và quyết định kỷ luật ông Nguyễn Phong Quang - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2016.

Ông Nguyễn Phong Quang bị cắt tất cả các chức vụ trong Đảng.

Theo đó, Ban bí thư quyết định kỷ luật ông Nguyễn Phong Quang bằng hình thức: Cách tất cả các chức vụ trong Đảng (bao gồm cách chức Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ).

Ban bí thư nêu rõ, ông Nguyễn Phong Quang phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng uỷ và Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.

Cụ thể, ông Quang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định, để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài; thiếu kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu trong việc thực hiện chủ trương, quy trình về công tác cán bộ.

Ông Quang còn trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn (trong đó có trường hợp ông Vũ Minh Hoàng và ông Nguyễn Tiến Khoa mà dư luận và báo chí đã nhiều lần nêu).

Ngoài ra, ông Quang được xác định đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng về quản lý tài chính, tài sản, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước; chuyển giao hơn 2.000 m2 đất của Cơ quan Ban chỉ đạo cho Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ, vi phạm nghiêm trọng Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Ban bí thư cũng cho biết, ông Quang đã vi phạm quy định của Đảng trong việc nhận đề cử chức Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ; lấy danh nghĩa Ban chỉ đạo để vận động tài trợ cho Hội khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, không đúng chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo.

Thanh tra lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Sự kiện gây bão nhất trong lĩnh vực văn hóa xã hội chính là vụ lùm xùm sau cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, đã có cuộc tranh cãi nảy lửa giữa lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso – đơn vị sở hữu phần lớn cổ phần của hãng phim) và các nghệ sỹ là đạo diễn, diễn viên, biên kịch, cán bộ của hãng phim, đến mức đích thân Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã điều hành cuộc họp giữa ba bên: lãnh đạo Bộ, ngành; Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết từ năm ngoái, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị thương hiệu mang tính lịch sử của hãng phim. Tuy nhiên, các bộ đều báo cáo là chưa có tiền lệ nên chỉ có thể xác định theo cách tính thông thường, với giá trị thương hiệu bằng 0. 

Trong khi đó, theo Phó thủ tướng, các nghệ sĩ, diễn viên đã nhiều năm gắn bó với hãng đều kỳ vọng đây vẫn là thương hiệu hàng đầu về phim ảnh, để giá trị nghệ thuật đã gắn bó với tên tuổi của hãng luôn được tôn vinh.  

Chính vì thế, ông Đam cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng về việc thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. "Các Bộ phải bắt tay vào xác định lại giá trị thương hiệu, không thể để tình trạng nhân dân, văn nghệ sĩ đặt vấn đề là những gì nhà nước bán thì xác định giá trị thấp, trong khi những gì nhà nước mua thì giá rất cao", ông Đam nói. 

Nhiều người cho rằng "mảnh đất vàng" ở số 4 Thụy Khuê chính là lý do Vivaso quyết định mua phần lớn cổ phần của VFS.

Tại buổi làm việc, Hội điện ảnh cũng như Hãng phim cũng đề cập đến những bất hợp lý trong cách tính toán và trả lương của ban lãnh đạo mới; các vấn đề cam kết để phát triển doanh nghiệp, chiến lược trong thời gian tới. 

Trong khi đó, đại diện Vivaso cho biết, hiện mỗi tháng đơn vị này lỗ 800 triệu đồng, 6 tháng đầu năm lỗ hơn 4 tỷ. Ông cũng lý giải, đơn vị mới tiếp quản hãng được hơn 2 tháng nhưng cũng đã làm được một bộ phim. Việc trả lương trước mắt mới là tạm ứng bởi cần thời gian để rà soát lại cách tính lương. 

Với những bất động sản của hãng quản lý, ông Nguyên cho biết là đất thuê, nên bất cứ khi nào thành phố yêu cầu thu hồi thì doanh nghiệp phải tuân thủ. 

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh, với những bất động sản đang thuộc quyền quản lý của hãng, nếu dùng vào làm phim thì được, nếu không sẽ bị thu hồi. 

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.

Tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Thủ tướng khi đó cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để bảo đảm sát giá thị trường, tránh thất thoát tài sản Nhà nước...

Chính thức công bố quyết định thanh tra Bộ Y tế

Theo quyết định được công bố, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc, liên quan trong việc thực hiện quy định về tự chủ theo các Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; việc quản lý đầu tư xây dựng 02 bệnh viện trọng điểm theo Đề án 125: Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng (Viện chấn thương chỉnh hình). ​​

​Theo quyết định số 2199/QĐ-TTCP ngày 31/8/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ, đoàn thanh tra có 13 thành viên do ông Phan Thăng Long, Phó Vụ trưởng Vụ III- Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. Thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định và đoàn Thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.

Cũng theo Quyết định số 2266/QĐ-TTCP, ngày 11/9/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thành lập Tổ giám sát Đoàn thanh tra theo Quyết định 2199/QĐ-TTCP do ông Ngô Khánh Luận, Trưởng phòng Nghiệp vụ III, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma trước khi xảy ra vụ án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12 tới.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top