Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 1 năm 2018 | 10:37

Sự kiện 24/7: Tuần đầy cảm xúc

Sẽ không quá lời khi nhận định như vậy bởi tuần qua hầu hết các trang báo đều dành phần “đất” khá lớn để nói về những chiến tích của đội tuyển U23 Việt Nam, đó cũng là điều hợp lý khi các cầu thủ của chúng ta đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc bất diệt. Tuy nhiên, không nổi trội không có nghĩa là các sự kiện khác không diễn ra, vẫn là phiên tòa thứ 2 xét xử Trịnh Xuân Thanh, là việc lãnh đạo Quảng Nam bị cảnh cáo…

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ khoản hạch toán sai của EVN

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thanh tra tài chính tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến việc hạch toán khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM giai đoạn 2012-2015. 

Đồng thời làm rõ khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ đến cuối năm 2016 tại công ty mẹ - EVN. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ này hoàn chỉnh kết luận thanh tra, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định, đồng thời tạo điều kiện cho EVN thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền thì Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và EVN chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định truy thu 1.935 tỉ đồng do phát hiện EVN hạch toán chi phí không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015-2016 giảm. Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là "không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng".

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phát hiện EVN "quên" hạch toán hơn 4.847 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016. Đây là khoản lãi chênh lệch tỉ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016.

Dừng xét xử Trịnh Xuân Thanh để làm rõ 19 tỷ đồng tham ô

Hội đồng xét xử đã đồng ý với đề nghị của kiểm sát viên, tuyên bố tạm dừng phiên tòa để làm rõ phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.

Sáng 28/1, tại phiên tòa xét xử vụ tham ô tài sản của Cty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) ở TADN TP Hà Nội, kiểm sát viên đề nghị HĐXX cho tạm dừng phiên tòa để xác minh phần trách nhiệm dân sự của Cty Vietsan.

Trong các ngày làm việc trước, các bị cáo, người liên quan khẳng định 14 tỷ đồng bị Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chiếm đoạt và 5 tỷ đồng bị Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt đã được các bị cáo trả lại năm 2010.

Số tiền này được ông Han Gi Cheol (người Hàn Quốc) – Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Vietsan hợp thức hóa thành tiền bị cáo Lê Hòa Bình mua cổ phần của Vietsan tại dự án Nam Đàn Plaza.

Tại tòa, đại diện VKSND xin phát biểu và đề nghị HĐXX cho tạm dừng phiên tòa để xác minh phần trách nhiệm dân sự của Cty Vietsan. Sau khoảng 5 phút hội ý, chủ tọa Đặng Thị Thanh Huyền tuyên bố dừng phiên tòa theo đề nghị của người giữ quyền công tố. 

Việc xét xử sẽ tiếp tục vào sáng 2/2.

Chủ tịch và Phó chủ tịch Quảng Nam bị cảnh cáo

Trong hai ngày 24 và 25/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 21 và 22 dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Ủy ban.

Tại đây, cơ quan kiểm tra đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Đinh Văn Thu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và ông Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại Kỳ họp 20 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Từ trái qua: Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, với cương vị người đứng đầu, ông Lê Phước Thanh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2010-2015 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Thanh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông)...

Ông Đinh Văn Thu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và Ban thường vụ Tỉnh ủy; chưa gương mẫu khi ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt quy hoạch; để UBND tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban cán sự đảng UBND tỉnh; ký báo cáo của UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ về công tác cán bộ và bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có một số nội dung không chính xác.

Trong thời gian là Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, ông Huỳnh Khánh Toàn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; đề nghị tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, chỉ đạo quy hoạch, đề nghị luân chuyển, bổ nhiệm đối với một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có con cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Ôtô dừng quá 5 phút ở trạm BOT sẽ bị phạt

Tổng cục Đường bộ vừa có văn bản đốc thúc các chủ đầu tư BOT khẩn trương lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí. Các Cục Quản lý đường bộ khu vực, Sở Giao thông trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra thực hiện.

Trạm BOT Sóc Trăng đã cắm biển "cấm dừng xe quá 5 phút". Ảnh: Phúc Hưng.

Từ khi có biển cấm, mọi hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất 800.000 đồng và cao nhất 2.000.000, thậm chí bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, căn cứ nghị định 46.

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung camera ở khu vực trạm, thu thập số liệu, trích xuất hình ảnh các tình huống gây rối, kích động mất trật tự an toàn giao thông, gửi về Tổng cục. Trên cơ sở đó, Tổng cục sẽ gửi Bộ Công an và UBND các tỉnh xử lý. 

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh phối hợp với cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và nhà đầu tư hướng dẫn giao thông, kịp thời xử lý các vi phạm.

"Việc trả tiền lẻ tại trạm thu phí không vi phạm pháp luật song người lái xe cần chuẩn bị tiền lẻ trước, trạm thu phí cũng có tiền lẻ để trả lại; nếu việc trao đổi quá lâu (quá 5 phút) thì sẽ cơ quan chức năng sẽ can thiệp và lái xe sẽ phải đi ra ngoài trạm thu phí để giao dịch", ông Huyện nói.

Thời gian qua, ở nhiều trạm BOT đã diễn ra việc lái xe trả tiền lẻ để phản đối việc vị trí trạm không hợp lý hoặc mức phí quá cao... dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu) do UBND các tỉnh quản lý.

Giành ngôi Á quân châu lục, U23 Việt Nam là những người hùng

Bàn thua ở phút 119 khiến U23 Việt Nam ngậm ngùi nhìn U23 Uzbekistan lên ngôi vô địch U23 châu Á 2018. Dù vậy, thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn là những người hùng của bóng đá nước nhà.

Dù bị đánh giá thấp hơn so với U23 Uzbekistan, lại phải thi đấu dưới cơn mưa tuyết đầy khắc nghiệt nhưng các cầu thủ U23 Việt Nam đã thi đấu đầy nỗ lực.

Các cầu thủ U23 Việt Nam xứng đáng là người hùng của bóng đá nước nhà.

Sự thua kém về thể hình buộc các học trò của HLV Park Hang Seo chủ động nhường thế trận cho đối thủ. Tuy nhiên, cơn mưa tuyết dày đặc đã ảnh hưởng đáng kể đến tình huống mà U23 Uzbekistan đánh đầu mở tỷ số ở phút thứ 8.Không hề nao núng sau khi nhận bàn thua, đội bóng áo đỏ thi đấu đầy nỗ lực và được đền đáp xứng đáng bằng pha sút phạt mẫu mực của Quang Hải ở phút 41.Dù rất nỗ lực thi đấu nhưng các học trò của HLV Park Hang Seo không thể bảo toàn tỷ số hòa khi cầu thủ vào thay người Andrey Sidorov ghi bàn quyết định ở phút 119. Quãng thời gian ít ỏi còn lại không đủ để đội bóng áo đỏ đưa trận đấu vào loạt luân lưu như ở tứ kết và bán kết.

Với ngôi Á quân U23 châu Á các chàng trai áo đỏ vẫn là những người hùng của bóng đá Việt Nam. Bởi tấm huy chương bạc châu lục cũng là kỳ tích của bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung.

U23 Việt Nam đã để lại hình ảnh đẹp cho người hâm mộ nước nhà, cũng như trong mắt giới truyền thông và khán giả toàn châu Á.

Tinh thần chiến đấu, nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi đã giúp U23 Việt Nam được LĐBĐ châu Á (AFC) trao giải thưởng Fair-play.

Với những thành tích của mình, đội tuyển U23 Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ cũng tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ba Huân chương Lao động hạng Ba cho Huấn luyện viên Park Hang-seo, thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Nguyễn Quang Hải.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top