Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 9 năm 2018 | 14:45

Sự kiện 24/7: Việt Nam – Liên bang Nga ký kết nhiều văn kiện hợp tác

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước.

vn-nga.jpg

Các văn kiện được ký kết lần này gồm:

Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ LB Nga về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.

Nghị định thư sửa đổi, bổ sung về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Y tế của nước CHXHCN Việt Nam và cơ quan LB về giám sát bảo vệ quyền của người tiêu dùng (Rospotrenadzor) và đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ.

Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Nga về trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực giám sát hệ thống thanh toán.

Bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Tập đoàn Rosatom về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHXHCN Việt Nam và Tập đoàn quốc gia về năng lượng nguyên tử “Rosatom” về định hướng dư luận đối với dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân.

Chương trình hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Văn hóa Nga giai đoạn 2019-2021.

Bản ghi nhớ về củng cố hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước CHXHCN Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Nga.

Thỏa thuận về các điều kiện cơ bản tham gia Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí Lô 09-2/09 trên thềm lục địa Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Zarubezneft.

Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đại chúng Gazprom, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Năng lượng LB Nga về hợp tác cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng và phát triển nhiệt điện khí tại Việt Nam.

Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB). Theo đó, IIB sẽ cung cấp cho SHB khoản vay 20 triệu USD, nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam và các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa đến từ các quốc gia thành viên của IIB; hai bên cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng năng lực quản trị. 

Hợp đồng tài trợ khung giữa Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) và SHB, với hạn mức ban đầu là 20 triệu euro nhằm tài trợ cho các giao dịch thương mại của SHB.

Ngoài ra, một số văn kiện cũng được ký kết trong chuyến thăm như: Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Quỹ Rosscongress, LB Nga; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn Sovico Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Zarubezneft./.

Đường sắt cao tốc Bắc Nam hơn 58 tỷ USD: Muốn, nhưng tiền đâu?

Đại diện Bộ GTVT bày tỏ kỳ vọng Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được Quốc hội thông qua vào năm tới, lãnh đạo nhiều địa phương cũng mong muốn sớm có tuyến đường này. Tuy nhiên, với dự án hoành tráng đi kèm số tiền đầu tư dự kiến lên tới hơn 58,7 tỷ USD thì chưa ai biết nguồn vốn này lấy ở đâu.

 

duong-sat.jpg

Theo báo cáo nghiên cứu giữa kỳ tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc  - Nam (Hà Nội – TP.HCM) do Liên danh tư vấn Tedi-Tricc-Tedishouth vừa công bố, toàn tuyến dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh thành, với 23 nhà ga. Giai đoạn đầu thực hiện với đoạn tuyến Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. Tổng mức đầu tư toàn tuyến sơ bộ khoảng 58,7 tỷ USD (bằng khoảng 50% nợ công hiện nay) dành cho các hạng mục: Giải phóng mặt bằng, xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn, lãi, phí, phí dự phòng…

Theo Liên danh tư vấn Tedi-Tricc-Tedishouth, nếu được Quốc hội thông qua, 2 đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang sẽ thực hiện từ năm 2026, đưa vào khai thác năm 2032. Các đoạn còn lại sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035, khai thác toàn tuyến từ 2040 - 2045. Tốc độ khai thác với 2 đoạn tuyến trước là 200km/h, khi thông toàn tuyến, tốc độ sẽ là 350km/h.

Thời gian chạy tàu (bao gồm cả thời gian dừng tại ga) đoạn Hà Nội - Vinh giai đoạn 1 là 1h48, khi thông toàn tuyến là 1h20; tương ứng với đoạn TP.HCM - Nha Trang ban đầu là 2h25, giai đoạn sau 1h35. Thời gian chạy toàn tuyến Bắc - Nam là 5h17 (tàu đỗ ít ga) và 6h50 (tàu đỗ nhiều ga). Giai đoạn đầu bố trí đoàn tàu 10 toa, sau đó khai thác toàn tuyến với đoàn tàu 16 toa. Dự kiến giá vé sẽ bằng khoảng 75% vé máy bay cùng chặng.

Khi so sánh công nghệ của các nước, đơn vị tư vấn nghiêng về lựa chọn thiết kế của Nhật Bản. Với công nghệ này, đơn vị tư vấn khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 58,7 tỷ USD, gồm chi phí: Giải phóng mặt bằng, xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn, lãi, phí, phí dự phòng…

Phương án vốn, đơn vị tư vấn đề xuất thực hiện theo hình thức công - tư (PPP). Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, công trình tuyến (đường ray), thông tin tín hiệu…; kêu gọi vốn tư nhân vào các hạng mục như nhà ga, depot (khu sửa chữa, bảo dưỡng), đoàn tàu…trong đó có sử dụng các quỹ đất tiềm năng để tạo vốn.

Về phương án huy động vốn cho giai đoạn I, tư vấn đề xuất 3 phương án. Theo đó, dùng nguồn tiết kiệm ngân sách cho đầu tư tương đương 0,7% GDP/năm (từ 2020-2030) bằng 24,7 tỷ USD; Phương án 2, nguồn tiết kiệm ngân sách tương đương 0,3% GDP/năm (từ 2020-2030) bằng 10,7 tỷ USD và vay ODA 14 tỷ USD (từ 2025-2030); Phương án 3, dùng nguồn tiết kiệm ngân sách 0,3% GDP/năm (từ 2020-2030) bằng 10,7 tỷ USD, vay ODA 13 tỷ USD (từ 2025-2030) và kêu gọi vốn tư nhân 1 tỷ USD (mua sắm tàu, khai thác).

Bộ GTVT cho biết, đã làm việc với tất cả 20 địa phương có dự án đi qua để ghi nhận ý kiến, thống nhất về luồng tuyến, vị trí nhà ga...Đã có 16/20 địa phương thống nhất xong công việc liên quan (trừ Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, TP. HCM).

“Đường sắt tốc độ cao đi từ Hà Nội đến Vinh chỉ mất 1,5 giờ không chỉ có ý nghĩa về giao thông, mà còn làm thay đổi cục diện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực tuyến đường đi qua”, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu ý kiến, và bày tỏ mong muốn dự án sớm thành hiện thực.

Theo chuyên gia Nguyễn Trọng Bách, trước kia dự án đường sắt cao tốc có nhiều điểm chưa được làm rõ, đơn cử như hiệu quả đầu tư nên Quốc hội đã bác bỏ. "Các vấn đề liên quan cần được giải đáp trong lần này trước khi trình tiếp", ông Bách nói.

Chương trình Công nghệ giáo dục: Tại sao một tài liệu chưa chuẩn lại ngày càng được mở rộng?

Tại sao tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" bị cho là có nội dung thiếu chuẩn mực đối với học sinh (HS) lớp 1 lại được thí điểm ở 49 tỉnh, thành với trên 800.000 HS? Chuyên gia nào đã tham gia hội đồng quốc gia thẩm định để bộ sách này tiếp tục được triển khai và mở rộng?... Đó là những câu hỏi mà dư luận và phụ huynh HS đưa ra, cần có câu trả lời cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

 

gdcn.jpg

Theo danh sách Hội đồng Quốc gia thẩm định tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" được Bộ GD-ĐT thành lập, có 13 thành viên là chuyên gia đến từ các trường đào tạo sư phạm, viện ngôn ngữ, đại diện các trường tiểu học và NXB Giáo dục Việt Nam.

Trước nhiều ý kiến lo lắng của phụ huynh, PGS Bùi Mạnh Hùng - chủ tịch hội đồng, hiện là điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới - giải thích tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" không phải là một chương trình riêng mà chỉ là tài liệu dạy học do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Dạy học theo tài liệu này là một trong những phương án dạy học tiếng Việt cho HS tiểu học, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng có nhiều HS dân tộc và đến nay đã có nhiều địa phương tự nguyện áp dụng. Theo PGS Hùng, tài liệu này đã giúp HS phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng), người đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc đưa chương trình Công nghệ giáo dục vào trường học, từng chia sẻ với báo chí rằng trong kết quả đánh giá tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" gửi tới bà, ông Nhạ cho rằng tài liệu thể hiện rõ nhiệt huyết và công phu của nhóm tác giả trong việc biên soạn và thể nghiệm một hướng dạy học tiếng Việt cho HS lớp 1. Theo đó, tài liệu tạo ra một số nét khác biệt đáng ghi nhận trong phương pháp dạy học tiếng Việt. Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa (SGK) khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới theo chủ trương "một chương trình, nhiều SGK" có hiệu lực. Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết là tài liệu này phải được Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK mới thẩm định và thông qua như tất cả các SGK khác.

Một chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao quy mô triển khai một tài liệu chưa chuẩn lại ngày càng được mở rộng? Chuyên gia này cũng tự phân tích: Thực tế, số tiền thu được từ bán sách thông qua đường công văn và qua nhà trường, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT là không hề nhỏ.

Bằng chứng là trong Công văn số 1181/BGDĐT-GDTH ngày 25-2-2013 của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, bộ đề nghị các sở liên hệ trực tiếp với Công ty CP Đầu tư phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) để mua tài liệu. Từ chỉ đạo này, các sở GD-ĐT, như Sở GD-ĐT Ninh Bình (nơi 100% trường tiểu học dạy "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" từ năm học 2016-2017), ban hành Công văn số 317/SGDĐT-GDTH về việc đăng ký tài liệu và thiết bị giáo dục cấp tiểu học năm học 2018-2019, gửi các phòng GD-ĐT yêu cầu chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổng hợp, đăng ký số lượng tài liệu, sách, thiết bị năm học 2018-2019.

Như vậy, theo chuyên gia nêu trên, với kiểu bán sách độc quyền này, phụ huynh không thể không mua sách. Khoản tiền mà họ bỏ ra cho tài liệu này là con số khổng lồ. 

Theo GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ"của chương trình Công nghệ giáo dục, cho rằng sứ mạng của giáo dục là cần phải cho trẻ em được những thành tựu mới nhất - chưa từng có và thừa hưởng và tận dụng những thành tựu đã có. "Cho nên tôi luôn nói với các cô giáo của tôi và nhiều bậc phụ huynh là phải thua con mới dạy được con. Trẻ con làm gì cũng có lý của nó. Mình phải căn cứ vào lý của nó để có cách dạy hợp lý"- ông nói.

"Cuộc đời tôi xong rồi, nhưng tôi muốn đất nước này có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con"- giáo sư bày tỏ.

GS Đại cũng cũng khẳng định việc xây dựng trường Thực nghiệm là việc làm có ý nghĩa và trách nhiệm nhất mà ông đã làm cho đất nước. Cũng theo vị GS, cuốn sách ông dành tâm huyết và công phu nhất là tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Trẻ con rất hồn nhiên và tin người lớn, lớp 1 phải đưa những thứ tốt đẹp vào đó.

Chia sẻ về công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định những cái cũ kỹ trong giáo dục chắn chắn thất bại. Một nền giáo dục mới sẽ thành công.

Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục chưa từng có, để cho mỗi cá nhân trong xã hội trở thành chính nó, chứ không phải là bản sao của riêng ai. Ông cũng nhấn mạnh: "Cái gì tôi viết là vì đất nước, vì tương lai".

Nói thêm về chương trình Công nghệ giáo dục, GS Đại khẳng định một lý thuyết giáo dục phải có công nghệ thực thi. "Tôi có công nghệ giáo dục. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn… Nhưng khi tôi dạy trẻ con học hết lớp 1, dù ở bất cứ đâu trên đất nước này, chỉ 1 năm đọc thông viết thạo, đúng chính tả và không thể tái mù. Một ông Bí thư xã nói với tôi rằng, chỉ mất 5 tháng học Tiếng Việt của tôi là có thể viết được đơn, còn cách dạy cũ học hết năm lớp 1 cũng không làm được"- GS Đại cho biết.

Quyền Bộ trưởng TT&TT muốn phát triển mạng xã hội “made in Vietnam”

Những mục tiêu đột phá trước "cơn bão" cách mạng 4.0 được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Quyền Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ này trong ngày 8/9. 

 

mrhung.jpg

Ông Hùng mở đầu với kỳ vọng Thủ tướng sẽ đặt mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc phát triển phần mềm, ngành viễn thông trở lại trong Top 10 quốc gia phát triển về viễn thông như những năm 2008 - 2010; top 30 thế giới về công nghệ thông tin; top 20 về an ninh thông tin, an ninh mạng; top 5 về công nghệ thiết bị viễn thông, sản xuất được vi mạch Việt Nam xuất khẩu; công nghiệp quốc phòng an ninh nằm trong top 20...

Để đạt được những mục tiêu đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhiều tới việc xây dựng những gì là "made in Vietnam" để cạnh tranh với các "ông lớn" như Google, Facebook.

Ông dẫn chứng, hiện nay doanh thu quảng cáo mạng xã hội là 370 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông, phần lớn thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại như Google đạt 135 triệu USD với 35 triệu người dùng, Facebook 235 triệu USD với 60 triệu người dùng. Ông cũng cho rằng, mạng xã hội nước ngoài hiện chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam về thuế, yêu cầu về thanh toán, an ninh... Trong khi đó, thị phần của doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ với 436 mạng xã hội trong nước. Ngay đơn vị có tên tuổi nhất với 40 triệu người dùng thì doanh thu cũng chỉ đạt 7 triệu USD. 

Cơ quan này đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam, mục tiêu là đến năm 2022 bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60 - 70% thị phần. Với nhận định “đã đến lúc không thể dừng lại nữa”, ông Hùng đề xuất phương án dùng cả biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài. 

Cùng với việc phát triển mạng xã hội Việt, lãnh đạo Bộ cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước về phát triển sinh thái số, với 60 - 70% người dân dùng hệ sinh thái nội. 

Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết muốn chủ trì xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, trọng tâm là mạng xã hội Việt Nam. Hệ sinh thái số, theo ông Hùng, bao gồm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam sẽ huy động chủ yếu các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, không nhất thiết là công ty nhà nước nhưng phải là doanh nghiệp Việt.

“Nếu không có hệ sinh thái nội dung số Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam, thì chúng ta không có sức mạnh đàm phán với Facebook, Google. Họ sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong khi chúng ta lại không dám cắt dịch vụ”, Quyền Bộ trưởng cho hay. 

Ông Hùng cũng có những chia sẻ rất chi tiết về bức tranh từng lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp phần mềm. Ông cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 9.000 doanh nghiệp với tổng doanh thu 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên Việt Nam lại thiếu doanh nghiệp dẫn đầu. Theo Quyền Bộ trưởng, với số lượng lớn như vậy, chỉ cần có 10 công ty doanh thu tỷ USD là bộ mặt của ngành sẽ khác. Với mục tiêu tăng trưởng 20% mỗi năm, lãnh đạo Bộ đặt mục tiêu trở thành cường quốc phần mềm, xuất khẩu phần mềm.   

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top