Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 9 năm 2018 | 17:29

Sự kiện 24/7: Vụ cháy tại đê La Thành, 2 người chết

Vụ cháy vào khoảng 18 giờ ngày 17/9, lửa bùng phát ở khu vực có dãy trọ của ông Hiệp "Khùng", gần Bệnh viện Nhi T.Ư trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội, rồi bùng lan nhanh chóng.

chay_gan_vien_nhi.jpg

Ngày 18/9, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, vụ cháy gần Viện Nhi Trung ương không gây thiệt hại về người, song 19 căn nhà đã bị hư hại, 31 hộ và 99 nhân khẩu trên địa bàn chịu ảnh hưởng; tổng thiệt hại về tài sản đang được cơ quan chức năng đánh giá chi tiết.

"Các hộ dân bị thiệt hại đã được chính quyền hỗ trợ ban đầu, bố trí chỗ ở, cung cấp nhu yếu phẩm, nhà chức trách cũng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, đến khoảng 23 giờ đêm qua ngày 21/9, lực lượng chức năng đã phát hiện và đưa 2 thi thể bị vùi trong đống đổ nát từ khu nhà trọ thiện tâm của ông Nguyễn Thế Hiệp ra ngoài. Ngay sau đó, 2 thi thể được đưa tới nhà tang lễ để tiến hành các thủ tục pháp y, giám định.

Theo ông Đinh Công Hiện, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), 2 nạn nhân nêu trên là người dân trên địa bàn thị trấn Thanh Sơn.

Theo ông Hiện, 2 nạn nhân là chị Hà Thị Lành (41 tuổi) và chồng là anh Tạ Văn Tính (43 tuổi). Vợ chồng chị Lành xuống Hà Nội chăm con đẻ non. Do cháu bé phải nằm trong lồng kính nên 2 vợ chồng ra ngoài ở trọ và thay nhau vào bệnh viện chăm con.

Công an tạm giữ giám đốc tổ chức lễ hội âm nhạc có 7 người chết

Chiều 21/9, Công an Hà Nội ra lệnh "giữ người trong trường hợp khẩn cấp" với Lê Thái Sơn (26 tuổi, giám đốc công ty CP kết nối Á Châu) để điều tra tội Vi phạm các quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở những nơi đông người, theo Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015.

 

le-họi-am-nhac.jpg

Theo nhà chức trách, Sơn có trách nhiệm liên đới về cái chết của bảy nạn nhân nghi sốc ma túy tập thể. Cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở của Sơn.

Ngoài sự cố trên, nhiều khán giả cũng phản ánh tình trạng an ninh lỏng lẻo ở nhạc hội, "bóng cười được bán công khai". Trả lời PV., Giám đốc Lê Thái Sơn nhận trách nhiệm của đơn vị tổ chức khi để xảy ra sự cố, đồng thời cho rằng "việc bảo vệ, giữ an ninh trật tự đã được các đơn vị phối hợp làm đầy đủ, nhưng có một số người cố tình mang chất kích thích vào sự kiện sử dụng".

Một ngày trước, cảnh sát đã bắt Bùi Mạnh Duy (19 tuổi) về tội Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Duy được xác định đã rủ 15 thanh niên gom tiền mua 10 viên thuốc lắc và cần sa, phân phát cho các thành viên trong nhóm sử dụng tại đêm nhạc. Một trong số bạn của Duy bị sốc ma túy, phải điều trị tại bệnh viện.

Ba ngày trước, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Tối 16/9, Lễ hội âm nhạc mang tên Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây với gần 5.000 người tham gia, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) năm thứ 3 liên tiếp.

Bỏ 8 tỉ đồng diệt lục bình nơi này rồi chi 1,2 tỉ trồng nơi khác!

Tháng 7/2018, tỉnh Tiền Giang chi 8 tỉ đồng để diệt lục bình. 2 tháng sau, tỉnh này lại chi 1,2 tỉ để... trồng lục bình. Lý do là để làm kè chống sạt lở!

 

luc-binh.jpg

Theo kế hoạch, trong ngày 7 và 8/7, toàn tỉnh ra quân trục vớt gần 240.000m kênh, rạch, mương nội đồng có lục bình và các vật dụng cản trở lưu thông dòng chảy, với hơn 7.000 người là đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện, lực lượng vũ trang, các ban ngành, đoàn thể và người dân cùng tham gia.

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các địa phương sau khi hoàn thành việc trục vớt lục bình, trả lại độ thông thoáng cho kênh, rạch, phải có giải pháp để tránh tái diễn tình trạng lục bình phủ dày trở lại, bảo vệ môi trường ở các tuyến kênh, rạch, góp phần lưu thông dòng chảy, để việc sản xuất nông nghiệp, tưới tiêu của người dân được thuận lợi.

Hiện, Tiền Giang có trên 1.200km kênh, rạch bị lục bình bao phủ với diện tích hơn 9 triệu m2. Các đơn vị liên quan sẽ dùng ngân sách chi 1.000 đồng/m2 lục bình, ước tính tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng.

Người dân rất ủng hộ việc làm này vì khơi thông dòng chảy, không gây ách tắc tàu bè lưu thông nhất là sự sinh sôi nhanh của lục bình.

Tuy nhiên, không lâu sau người dân tỉnh này cũng ngỡ ngàng vì tỉnh tiếp tục chi 1,2 tỉ đồng để... trồng lục bình vì cho rằng sẽ chống sạt lở.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh, dự án trồng lục bình làm kè ven sông đã triển khai 1 năm nay và sẽ tiếp tục nhân rộng với tổng kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng. Tỉnh Tiền Giang hiện có 67 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 6 km, mỗi năm đều phải tốn hàng chục tỉ đồng để khắc phục.

Sở NN-PTNT nói là thực hiện dự án kè lục bình có 200.000 đồng/m2 nên tỉnh thực hiện. Giải thích việc 2 tháng trước tỉnh vừa chi 8 tỉ đồng phát động chiến dịch diệt lục bình sau đó chi tiền tỉ trồng lục bình, Sở NN-PTNT phân tích: "Hai dự án này được triển khai tại các địa phương có đặc thù kênh rạch khác nhau. Trước đây, phát động diệt lục bình tại những công trình ngăn mặn, trữ ngọt khép kín, lục bình theo dòng nước bị ứ đọng lại và sinh sôi, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất. Còn dự án trồng lục bình hiện được triển khai tại những tuyến kênh lớn, rộng từ 20 m đến 100 m, có dòng chảy mạnh, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở".

Theo mô hình này, nhiều hộ dân tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy phải dùng cây, dây rào chắn ven sông rồi thả lục bình vào trồng. Kè lục bình rộng 3 m tính từ bờ sông trở ra. Mỗi người dân sẽ tự kè đoạn sông ngang nhà mình và được nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, khoảng 100.000 đồng/m ngang.

Nhận xét về việc trồng lục bình làm kè, ông Lê Văn Nghi (87 tuổi; ngụ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) hoài nghi: "Tôi sống 87 năm nay trên vùng sông nước, chưa bao giờ thấy ai trồng lục bình để làm kè chống sạt lở cả. Lục bình nổi trên mặt nước, người dân thấy các điểm sông đang bồi thì lùa lục bình vào đó nhằm kéo theo phù sa bồi thêm chứ làm sao chống được sạt lở, vì sạt lở là do ghe tàu chạy sóng đánh làm sạt lở. Chưa nói, vài tháng rào chắn bằng cây mục xuống lục bình sinh thêm và trôi ra ngoài có phải cản trở lưu thông không? Kinh nghiệm sống của dân miền sông nước này là chống sạt lở hay nhất là trồng cây bần, cây dừa nước... Còn ngày xưa chưa có tiền dân hay lấy bao cát vô đất tấn ven các điểm có nguy cơ sạt lở để giữ đất".

Đồng tình với ý kiến trên, một chủ doanh nghiệp chuyên làm kè sông nhận xét: "Dự án này khá lạ vì tôi cũng là doanh nghiệp chuyên làm kè chống sạt lở nhiều năm. Nếu kinh phí ít thì có thể dùng bao kẽm (lưới B40-PV) cho đá vào kè sát các điểm sạt lở còn không chỉ trồng cây bần ven các điểm có nguy cơ sạt lở. Chứ lục bình nổi trên nước trong khi đó sóng đánh phía dưới tạo thành hàm ếch lâu ngày cứ sạt lở nhiều, làm sao gọi là kè được. Không khéo khi dự án này chi 1,2 tỉ trồng lục bình rồi 1, 2 năm sau phải chi thêm 8 tỉ để diệt lục bình nữa vì lục bình sinh sôi rất nhanh".

TP. HCM xin lỗi người dân Thủ Thiêm

Sáng 21/9, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị của UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì buổi họp báo thông tin kế hoạch thực hiện thông báo của Thanh tra Chính phủ về các vấn đề tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

tphcm.jpg

Mở đầu buổi họp báo, thay mặt chính quyền TP. HCM, Chánh văn phòng Võ Văn Hoan xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch 367 được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.

"Thành phố chân thành xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3ha ngoài ranh quy hoạch không thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua", ông Hoan nói.

Theo người phát ngôn của UBND TP, trên tinh thần cầu thị và nghiêm túc nhận trách nhiệm đối với các sai phạm tại Thủ Thiêm, quan điểm của thành phố là quán triệt, chấp hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các kết luận của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của công dân.

Với những nội dung được Thanh tra Chính phủ kết luận, chính quyền thành phố đã triển khai đúng thì phải được khẳng định, kiên trì giải thích, vận động các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện. Còn các vụ việc được kết luận là chính quyền thành phố làm thì cương quyết sửa chữa, khắc phục đảm bảo quyền lợi của người dân.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử toàn tuyến

Sáng ngày 20/5, 5 đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức chạy thử sau ngàn ngày mong đợi. Tốc độ trung bình 32km/h, tối đa 65km/h.

Sau khi đoàn tàu số 1 xuất phát từ ga Yên Nghĩa đến đường vành đai 3 (Nguyễn Trãi), đoàn tàu tiếp theo cũng được lệnh chạy tiếp.

 

tau-cl-hd.jpg

Ông Vũ Hồng Phương - Phó TGĐ phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, theo lịch trình, 5 đoàn tàu sẽ chạy cách nhau 10 phút. Các đoàn tàu nối tiếp nhau theo thứ tự, sau khi tàu đến ga Cát Linh sẽ tiến hành đảo chiều thông qua ghi lồng để chạy ngược trở lại ga Yên Nghĩa.

Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đi trên cao dài 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Trong số 13 đoàn tàu của dự án, quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng. Tàu sẽ dừng tại mỗi ga để hành khách lên xuống khoảng 30 giây. Tần suất chạy tàu 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể giảm xuống 2-3 phút mỗi chuyến. Các toa tàu đều được trang bị hệ thống radio hai chiều, cho phép hành khách có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên điều khiển trong tình huống khẩn cấp.

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top